Con trai 6 tuổi tuyên bố 'Con phải đến trường số 1 của Mỹ học đại học', người mẹ đã có câu trả lời lạ lùng
Đứng trước ước mơ lớn lao của con trai 6 tuổi, người mẹ đã có cách xử trí thế nào? Dưới đây là câu chuyện về bé Subi qua lời kể của mẹ Hà Trang.
Subi 6 tuổi, ước mơ tương lai sẽ được học ở trường cấp 2-3 số 1 của tiểu bang James Ruse (Úc). Ước mơ lớn hơn là sau này sẽ vào được 1 trong 8 trường thuộc Ivy League – nhóm các trường đại học xuất chúng nhất nước Mỹ.
“Trẻ con thì biết gì về Ivy League”, “Biết bao giờ cho đến high school mà còn đòi đại học”, “Mơ thì dễ không ấy mà”,… đấy có lẽ là ý nghĩ đầu tiên kèm theo những cái bĩu môi của người lớn nếu nghe về giấc mơ học hành đó của một đứa trẻ 6 tuổi.
Còn mình, mẹ của đứa bé 6 tuổi ấy làm gì trước ước mơ của con?
Subi thường nói với mẹ: “Bi thích học giỏi. Bi sẽ học tốt. High-school nào tốt nhất ở NSW hả mẹ? Mẹ đưa cho Subi ipad: “Subi tự tìm hiểu đi”. Con tự tìm ra bảng xếp hạng các trường chuyên ở NSW. Con nhìn thấy James Ruse là ngôi trường mấy chục năm nay luôn đứng ở vị trí số 1". Vậy là giấc mơ James Ruse được cậu bé 6 tuổi đặt ra. Mẹ vẫn câu nói cũ, “Con sẽ làm được nếu con muốn”.
Kết thúc ngày học, mẹ đến đón Subi, kể lại với thầy giáo của con ước mơ ấy. Thầy bảo: “Jordi là đứa trẻ ham học, say mê học và có khả năng. Tại sao không? Giờ con học ở lớp trộn lẫn với các bạn lớp trên, học chương trình của lớp 3, 4, chúng tôi ở trường vẫn cho cháu nhiều bài tập ‘khó nhằn’. Giờ vậy là đủ. Lớn thêm một chút, lúc ý chúng ta sẽ cùng tập trung hơn nữa nếu Jordi vẫn còn ước mơ đấy nhé”.
Mình đem kể ước mơ ngô nghê đó cho thầy của con một cách nghiêm túc có nực cười không? Không hề. Qua việc chia sẻ với thầy, mẹ cho con thấy mẹ luôn coi trọng ước mơ của con. Mỗi giấc mơ của con luôn có mẹ ủng hộ, dù nó có thể thay đổi vào ngày mai. Con sẽ thấy, ngoài bố mẹ ra, còn có một người nữa cũng thấy giấc mơ của con thật tuyệt vời đó là người con rất tin tưởng – giáo viên của con. Việc của con là cứ mơ đi, cứ bước đi và cứ luôn muốn chạm tay vào đích đi. Nhất định, một ngày không xa, con sẽ biến ước mơ thành hiện thực.
Đấy, mình gieo động lực, gieo niềm tin, gieo ước mơ và tưới tắm ước mơ của con như vậy.
Các bậc cha mẹ lâu nay vẫn than phiền, bọn trẻ bây giờ chả có ước mơ. Chúng chẳng biết chúng thích gì, muốn làm gì. Có thật thế không? Hay bởi vì chính người lớn chúng ta luôn vùi dập ước mơ của bọn trẻ từ khi ước mơ đó chỉ là một chấm mầm.
Chúng ta bắt trẻ học mà chẳng truyền cho con tình yêu. Chúng ta bắt trẻ lớn lên phải làm bác sĩ, làm luật sư mà chẳng thèm để ý đến con muốn gì. Chúng ta bắt bọn trẻ mang về toàn 10, mà chẳng thèm quan tâm con nghĩ thế nào. Chúng ta chọn trường cho con, tìm lớp học thêm hộ con, thậm chí chạy điểm hộ con, lo lót để con vào trường chuyên, bằng mọi giá cho con đi du học mà chưa một lần chúng ta mảy may nghĩ con cảm nhận thế nào. Đáng buồn hơn, ngay khi bọn trẻ vừa nói ra ước mơ, chúng ta đã cười nhạo con, bỉ bôi con, tệ hơn còn so sánh hơn kém với con người ta.
Vậy, giấc mơ của bọn trẻ đã bị ai lấy cắp?
Quay trở lại với giấc mơ năm 3.5 tuổi của Subi. Con mơ ước trở thành chú lái xe rác. Mẹ mở ipad, cho con xem video về chú xe rác bên Mỹ tốt bụng đã cư xử lịch sự thế nào với một em nhỏ. Giới thiệu với con để xin được việc ở Công ty Môi trường ở Sydney cần có tiêu chuẩn thế nào. Một trong số đó là phải có sức khỏe và sự tử tế. Vậy thì hôm nay con cứ có sức khỏe đi, cứ học để làm người tử tế đi. Mai con có thích làm chú lái xe rác hay bất kỳ ai, giấc mơ ấy cũng chẳng xa vời gì.
Mẹ không học hộ con. Mẹ không mơ hộ con. Mẹ không sống hộ con. Mẹ không thể đi hộ con. Cái mẹ làm duy nhất là ươm mầm cho những ước mơ của con và tưới tắm nó theo tiếng lòng con để một ngày một trong số những ước mơ đó đơm hoa, kết trái.
Cha mẹ mơ mà con cái không mơ thì mãi mãi cha mẹ luôn phải ở phía sau rẽ sóng đẩy thuyền. Bọn trẻ mơ, tự khắc chúng biết rẽ sóng, đưa thuyền cập bến.