Con trai nhà thơ Joseph Brodsky: 'Tôi không bao giờ núp sau tên tuổi của bố'

Nhà thơ Nga đoạt giải thưởng Nobel Văn học Joseph Brodsky sinh năm 1940 ở Leningrad. Ông bắt đầu làm thơ khi còn trẻ và phần lớn thơ tình của ông dành riêng cho nữ họa sĩ xinh đẹp Marina Basmanova (viết tắt là MB). Mối tình của họ trải qua nhiều sóng gió và không được bố mẹ cả hai bên chấp nhận.

Năm 1963, Brodsky bị kết tội "ăn bám xã hội" và phải đi cải tạo lao động ở miền bắc Nga. Chính trong thời gian này, “nàng thơ” của ông, Marina Basmanova, đến thăm ông, sau đó bà sinh cho ông một người con trai tên là Andrey. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Joseph Brodsky (1940-2020), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện của phóng viên báo “Sự thật Komsomol” với con trai ông.

Gian phòng nhỏ của Bảo tàng Trường Đại học Quốc gia Saint-Petersburg được treo đầy những bức ảnh chụp thành phố Saint-Petersburg của Andrey Basmanov (mang họ mẹ) - con trai của một trong những cặp đôi nổi tiếng nhất ở Leningrad - Joseph Brodsky và Marina Basmanova.

Tại đây, trong phòng triển lãm, giữa những bức ảnh giếng trời, mái nhà và phong cảnh của Petersburg, tôi đợi Andrey Basmanov. Lần đầu tiên anh quyết định trưng bày những bức ảnh của mình. Và lần đầu tiên anh đồng ý nói về mình với phóng viên báo “Sự thật Komsomol”. Andrey sinh năm 1967. Trông anh rất giống bố, và không chỉ ở ngoại hình. Cũng hơi nói ngọng. Đôi khi gay gắt và thẳng thắn. Và cũng thích mèo như bố.

“Tôi là tôi, một đơn vị riêng”

Chúng ta hãy thỏa thuận thế này nhé, bạn không được so sánh tôi với bố tôi trong bài báo, - Basmanov cảnh báo từ trên ngưỡng cửa. Tôi là tôi, một đơn vị riêng. Tôi không bao giờ núp sau tên tuổi của bố. Thậm chí ngược lại: nếu trong cuộc sống, tôi bắt gặp những người quan tâm tới tôi chỉ vì tôi là con trai của Brodsky, là tôi nói lời chia tay ngay lập tức! Còn bây giờ tôi có thể đi dạo với bạn trong thành phố, giới thiệu những địa điểm nơi Leningrad vẫn còn được bảo tồn. Tôi đồng ý với lời đề nghị đó. Basmanov giúp tôi mặc áo bành tô, mở cửa và dẫn tôi đi thăm đảo Vasilievsky. Đây là một trong những địa điểm yêu thích của anh ở Petersburg. Chúng tôi đi qua các dãy phố khác nhau... Andrey Basmanov cay đắng nhận xét:

- Không còn thành phố cũ nữa. Cần phải kịp ghi hình Leningrad cũ, không có những công trình mới và hàng rào màu xanh.

Nhà thơ Joseph Brodsky (trái) và con trai.

Nhà thơ Joseph Brodsky (trái) và con trai.

Chúng tôi đi xe buýt vào trung tâm thành phố. Chúng tôi đi ngang qua đảo New Holland nơi Brodsky và Basmanova thích dạo chơi. Đi qua quần thể kiến trúc Dom Benoit nơi chàng Joseph trẻ tuổi hay đợi nàng thơ của mình trên cầu thang. Bên cạnh tôi, Andrey Basmanov rút điện thoại chụp ảnh. Trong ống kính của anh là một Petersburg sống động. Và ngoài thời gian.

Chúng tôi ngồi nói chuyện trên ghế băng trong một khoảng sân yên tĩnh. Basmanov cởi áo khoác ném lên ghế và nói: "Xin mời ngồi". Ngay lập tức anh ra điều kiện: Tôi sẽ không trả lời tất cả các câu hỏi.

“Tôi làm kiểm soát viên trên các phương tiện giao thông và các công trường”

- Thưa anh Andrey, tại sao suốt đời anh che giấu quan hệ họ hàng với Brodsky?

+ Đơn giản là tôi không muốn nhấn mạnh sự kiện này. Những người “tử tế" cho rằng họ có nghĩa vụ so sánh tôi với bố tôi: "Giống nhau quá nhỉ”! Thậm chí trên đường phố, người ta chạy đến gặp tôi và hỏi tôi có phải là con trai của Brodsky không? Tại sao họ cần biết điều đó - tôi không hiểu nổi! Để khoe khoang: hôm nay, chúng tôi vừa thấy con trai Brodsky ư? Tôi đã sống hơn 50 năm trên đời mà không muốn làm cái bóng của bất cứ ai, tôi cũng không muốn trở thành con khỉ trong rạp xiếc. Giá bạn biết tôi đã cố gắng như thế nào để ngoại hình không giống ông ấy!

- Anh bắt đầu được chú ý từ thời đi học phổ thông phải không?

+ Hồi nhỏ, ở trường phổ thông, không ai biết tôi con ai. Chỉ khi bố tôi được trao giải Nobel Văn học năm 1986, thì những tiếng huýt sáo xung quanh tôi mới bắt đầu. Không thể nói rằng điều đó thực sự làm tôi vui sướng. Nhưng lúc bấy giờ tôi đã ra trường. Nói chung, trong 9 năm học phổ thông, tôi đổi trường đến 6 lần. Tôi và mẹ thường xuyên thay đổi chỗ ở, thậm chí tôi cũng đã học ở Moskva. Nhưng tôi không thích thành phố này. Petersburg là thành phố quê hương.

- Anh học ở trường như thế nào?

+ Tôi là học sinh hạng bét (cười). Tôi giống bố, có thiên hướng nhân văn. Tôi yêu văn học, lịch sử. Giống như mẹ, tôi thích vẽ. Sau khi học xong phổ thông, tôi học một năm ở trường nghệ thuật Leningrad, rồi bỏ. Bắt đầu công cuộc cải tổ, tôi muốn làm việc và kiếm tiền.

- Anh làm việc ở đâu?

+ Ở bất cứ đâu có tiền. Tôi làm kiểm soát viên trên các phương tiện giao thông, công trường xây dựng, leo núi thể thao. Tôi trải qua không sót điều gì: cả thời cải tổ, cả thập niên 90, khi hàng năm liền người ta không trả lương... Nhưng tôi không bao giờ muốn rời khỏi nước Nga. Mặc dù năm 22 tuổi, khi sang Mỹ gặp bố, ông khuyên tôi ở lại.

"Bố nói chuyện với tôi như với sinh viên của mình"

- Anh còn nhớ chuyến đi ấy không?

+ Lần cuối cùng tôi gặp bố tôi năm 5 tuổi. Sau đó ông vĩnh viễn rời bỏ đất nước. Nhưng tôi vẫn nhớ ông. Chẳng hạn, tôi đi dạo với bố và mẹ trên bến cảng. Vâng, bố tôi đã gửi quà cho tôi, thư cho mẹ tôi. Năm 22 tuổi, bố mời tôi sang Mỹ, tôi cũng thích xem nước Mỹ ra sao. Nhưng chúng tôi không hiểu nhau. Cả hai đều gay gắt, cấp tiến, bướng bỉnh ... nhưng đồng thời, khác nhau về quan điểm sống. Không tìm thấy sự đồng cảm: tôi còn trẻ và cực đoan, còn ông không có kinh nghiệm tiếp xúc với con ruột của mình. Sinh viên của ông là những người trẻ. Nhưng đó là vấn đề khác. Ông nói chuyện với tôi như với sinh viên của mình. Ông coi tôi là người ít học. Mặc dù tôi đúng là người như vậy. Bố cư xử với tôi một cách trịch thượng, dạy đời, làm tôi rất tức giận. Thậm chí tôi không có ảnh chụp chung với bố. Chuyến đi để lại cảm giác khó chịu. Nhưng tôi hiểu rằng, lúc bấy giờ, ở Mỹ, ông đang cãi nhau với mẹ vì tôi. Điều đó càng làm tôi nổi khùng. Họ không thể giải quyết dứt điểm mối quan hệ của mình. Nhưng năm 1996, sang dự lễ cúng 40 ngày của bố, tôi gặp Maria Sozzani, em gái cùng bố khác mẹ của tôi. Tôi thấy em rất yêu bố. Tôi rất vui vì bố hạnh phúc trong những năm cuối đời.

- Trong một lần trả lời phỏng vấn, bạn bè của Joseph Brodsky nói về thời thơ ấu và tuổi trẻ của anh. Họ bảo rằng anh tự mình lớn lên, không được mẹ quan tâm...

+ Bạn biết đấy, tôi được nghe người ta nói không sót điều gì về mình. Kể cả việc Bobyshev (nhà thơ, người yêu cũ của Marina Basmanova) nuôi dạy tôi, gần như là bố dượng của tôi. Mặc dù tôi chỉ nhìn thấy ông ấy một vài lần trong đời. Không, tôi không tự mình lớn lên. Mẹ tôi nuôi tôi. Mẹ không gửi tôi đến học ở các tổ, nhóm, câu lạc bộ, bà tự giáo dục tôi theo cách riêng của mình: mẹ đưa tôi đi tham quan thành phố, dạy tôi phát hiện cái đẹp. Mẹ không dạy tôi những vấn đề sinh hoạt hằng ngày, bản thân mẹ không giỏi về điều đó. Ông ngoại Pavel Ivanovich Basmanov cũng rất quan tâm tới tôi.

- Thế còn ông bà nội của anh?

( Im lặng).

+ Tôi chỉ một ông ngoại, họa sĩ Pavel Basmanov. Ông nội tôi không muốn nhìn mặt tôi. Bà nội mới nhìn thấy tôi một lần.

- Anh có liên hệ gì với các em gái không?

+ Với em út Anna- Maria tôi không giao tiếp được. Em ấy không nói tiếng Nga, còn tôi không hiểu tiếng Anh. Mấy năm trước, em ấy đến Nga, chúng tôi có gặp nhau. Anna rất dễ thương, nhưng... đất nước khác, thời đại khác, thế hệ khác. Với em gái thứ hai, Nastya Kuznetsova, tôi thỉnh thoảng có gặp. Em ấy sáng tác bài hát rất hay, là nhạc sĩ. Bố tôi không bao giờ nói về Nastya. Nhưng tôi tin rằng cô ấy là em gái tôi.

“Bố tôi không phải là người bất đồng chính kiến"

- Anh có đọc các tác phẩm của bố anh không?

+ Tôi biết một số. Nhưng Brodsky không nằm trong danh sách các nhà thơ yêu thích của tôi. Ở nhà, mẹ tôi và tôi có các tập thơ của Brodsky. Tôi không biết mẹ thế nào, chứ tôi ít khi giở chúng ra. Để khỏi bị thất vọng. Tôi cũng không thích xem các bộ phim tài liệu về bố, vì chúng được làm dưới ảnh hưởng của mốt thời thượng, chứ không phải những tác phẩm nghiêm túc.

- Theo anh, tại sao bố anh lại rời bỏ đất nước?

+ Bố tôi không phải là người bất đồng chính kiến - ông chỉ muốn làm thơ. Muốn được in thơ. Ông chỉ không may dính vào vụ “xì căng đan” ấy thôi. Thời đại nó như thế. Những kẻ bất đồng chính kiến cần một đại biểu, một ngọn cờ. Họ đã biến ông thành con người như vậy. Xét về mặt nào đó ông đã gặp may. Còn chính quyền Xô viết quả là không am hiểu "những vấn đề tế nhị", đã trấn áp ông, thật là vô ích...

Trần Hậu (dịch)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/con-trai-nha-tho-joseph-brodsky-toi-khong-bao-gio-nup-sau-ten-tuoi-cua-bo-602289/