Còn trên 77 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện còn 77.635,9 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, chiếm 9,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn ngân sách trung ương là 36.619,2 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 41.016,6 tỷ đồng.
Đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia
Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công (ĐTC) vốn NSNN cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 825.922,3 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương (NSTW) 350.195 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương (NSĐP) 475.727 tỷ đồng. Trong đó, số vốn tối thiểu NSTW phải bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là 132.323,37 tỷ đồng; bố trí cho dự án, nhiệm vụ thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) 21.962 tỷ đồng.

Còn trên 77 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết. Ảnh TL minh họa
Kế hoạch vốn cân đối NSĐP năm 2025 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (theo số liệu cập nhật đến thời điểm ngày 19/2/2025) là 49.964,8 tỷ đồng. Kế hoạch vốn các năm trước được phép kéo dài tính đến thời điểm báo cáo là 9.868,4 tỷ đồng.
Như vậy, tổng kế hoạch vốn ĐTC năm 2025 (bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là 885.755,52 tỷ đồng.
Việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC nguồn NSNN những tháng đầu năm 2025. Trong đó, chủ yếu số vốn chưa phân bổ dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Cho biết về việc phân bổ vốn, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tổng số vốn đã phân bổ là 798.251,2 tỷ đồng, đạt 96,65% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (825.922,3 tỷ đồng). Bao gồm NSTW là 313.575,7 tỷ đồng, NSĐP là 484.675,5 tỷ đồng.
Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối NSĐP các địa phương giao tăng thì tổng số vốn đã phân bổ là 748.286,39 tỷ đồng, đạt 90,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong quá trình phân bổ, các bộ, ngành và địa phương đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là 116.965,06 tỷ đồng.
24 bộ, ngành và 49 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn

Ảnh minh họa: H.T
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến ngày 19/2/2025, vẫn còn 24 bộ, ngành, 49 địa phương phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đó, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết còn 77.635,9 tỷ đồng, chiếm 9,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn NSTW là 36.619,2 tỷ đồng, vốn cân đối NSĐP là 41.016,6 tỷ đồng.
Có nhiều nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Bộ Tài chính chỉ ra.
Đối với nguồn vốn NSTW, tính đến thời điểm báo cáo có 24 bộ, ngành và 42 địa phương chưa phân bổ với số vốn là 36.619,2 tỷ đồng, chiếm 10,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (350.195 tỷ đồng) .
Sau ngày 31/3/2025, Bộ Tài chính sẽ báo cáo cấp thẩm quyền cắt giảm để điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2025 để bố trí cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược có khả năng giải ngân.
Cụ thể, vốn theo ngành, lĩnh vực chưa phân bổ là 34.826,6 tỷ đồng là do nhiều dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn hoặc dự án chờ điều chỉnh bổ sung kế hoạch ĐTC trung hạn 2021-2025; dự án chưa được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện; một số dự án ODA chưa ký kết hoặc chờ gia hạn vay nước ngoài. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành và địa phương đề nghị trả vốn (bao gồm cả vốn trong nước và vốn nước ngoài) do không có nhu cầu sử dụng.
Vốn CTMTQG chưa phân bổ là 1.792,7 tỷ đồng của 1 bộ, ngành và 23 địa phương. Trong đó, một số ngành và địa phương (Ủy ban dân tộc, Tuyên Quang, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên...) không phân cấp theo cơ chế đặc thù có nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, do đó chưa phân bổ vốn. Một số địa phương phân bổ đến các đơn vị trực thuộc (Lạng Sơn, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An...) hiện nay đang rà soát lại đối tượng và nội dung hỗ trợ và sẽ tiếp tục phân bổ khi đủ điều kiện theo quy định.
Đối với nguồn vốn NSĐP hiện còn 41.016,6 tỷ đồng của 24 địa phương để lại phân bổ sau, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, xổ số, bội chi NSĐP.
Trước ngày 31/3/2025 phải phân bổ hết vốn
Theo Bộ Tài chính, việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC nguồn NSNN những tháng đầu năm 2025. Trong đó, chủ yếu số vốn chưa phân bổ dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Đặc biệt, một số bộ, ngành đã phân bổ chi tiết cho các dự án không đủ điều kiện phân bổ và giải ngân như: chưa được phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, chưa có quyết định đầu tư, bố trí vượt tổng mức đầu tư đã duyệt, vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn, vượt thời gian bố trí vốn… Với những bộ, ngành này, Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản kiểm tra, nhận xét chi tiết và đề nghị điều chỉnh, hoàn thiện.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết hết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025 trong quý I theo đúng quy định…
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/3/2025. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau ngày 31/3/2025, Bộ Tài chính sẽ báo cáo cấp thẩm quyền cắt giảm để điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2025 để bố trí cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược có khả năng giải ngân.
Đối với các dự án đã hết thời gian thực hiện thuộc thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn sang năm 2025 của các bộ, nganh địa phương, Bộ Tài chính đề nghị căn cứ quy định tại Điều 57 Luật Đầu tư công năm 2024, khẩn trương đánh giá, hoàn thiện thủ tục kéo dài thời gian bố trí vốn theo thẩm quyền, làm cơ sở để tiếp tục bố trí vốn cho các dự án.