Công an các tỉnh miền Trung khẩn trương giúp dân ứng phó với bão số 4

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TN&MT), từ sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024. Dù gió bão yếu song các tỉnh miền Trung không chủ quan nhất là khi hoàn lưu bão bao trùm khu vực rất rộng. Các địa phương đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân…

Thừa Thiên Huế di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn

Trong sáng nay 19/9, Công an các xã: Lộc Điền, Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Bình (cùng huyện Phú Lộc), phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà từng hộ dân ở gần khu vực đồi núi để đưa lệnh di dời, yêu cầu các hộ dân chấp hành và phải rời nhà trước 12h trưa nay...

Nhằm đề phòng sạt, trượt lở đất đá từ các đồi núi, đến trưa 19/9, hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện miền núi: Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã được di dời đến nơi an toàn.

Nhiều hộ dân sinh sống dưới chân đồi Trọc xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) đã được di dời đến nơi an toàn.

Nhiều hộ dân sinh sống dưới chân đồi Trọc xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) đã được di dời đến nơi an toàn.

Tại huyện miền núi Nam Đông, đến trưa 19/9, lực lượng chức năng đã tiến hành sơ tán 34 hộ dân ở các xã: Thượng Long, Thượng Nhật và thị trấn Khe Tre đến nơi an toàn. Đây là những hộ dân nằm ở các vị trí dễ ngập lụt, trượt lở đất đá trên đồi núi, sông suối. Chính quyền huyện Nam Đông cũng đã cấm người dân vào rừng, hạn chế đi qua các đập tràn, khe suối nơi có nước chảy lớn.

Công an xã Hồng Hạ thăm hỏi, vận động người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Công an xã Hồng Hạ thăm hỏi, vận động người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) cho biết, đến trưa cùng ngày, trên địa bàn xã xuất hiện mưa xối xả, một số khu vực trọng điểm xuất hiện ngập lụt cục bộ và nguy cơ trượt lở đất đá. Xã đã tiến hành di dời khẩn cấp 11 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Pa Hy.

Đây là điểm có địa hình phức tạp, đồi núi dốc. Những hộ dân đã được di dời đến nhà người thân kiên cố hơn, các khu vực cao ráo và được bố trí thức ăn, nước uống. Các hộ có người già, đau ốm được đưa đến trạm y tế của xã. Hiện, xã đang tiếp tục vận động các hộ có nguy cơ sạt lở tiếp tục đến nơi kiên cố để tránh trú bão.

Lực lượng CSGT - Trật tự Công an TP Huế hướng dẫn các phương tiện thi công trên sông Hương neo đậu an toàn.

Lực lượng CSGT - Trật tự Công an TP Huế hướng dẫn các phương tiện thi công trên sông Hương neo đậu an toàn.

Trong sáng 19/9, các xã Hồng Bắc, Hồng Kim, Hồng Thủy, Quảng Nhâm, Phú Vinh… (huyện A Lưới) cũng đã di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại xã Quảng Nhâm có 4 điểm ngập úng cục bộ, có 6 điểm sạt lở đất đá gây thiệt hại. Chính quyền đã chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ dân di chuyển đồ đạc, cấm người, phương tiện qua các ngầm tràn nguy hiểm, chặt cây gãy đổ trên đường để đảm bảo lưu thông.

Công an xã miền núi Hồng Hạ đang thu dọn, chặt các cành cây gãy đổ.

Công an xã miền núi Hồng Hạ đang thu dọn, chặt các cành cây gãy đổ.

Tại huyện Phú Lộc, lực lượng Công an các xã: Lộc Điền, Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Bình phối hợp với chính quyền địa phương đã đến nhà từng hộ dân ở gần khu vực đồi núi để đưa lệnh di dời cho các hộ dân ký nhận phải rời nhà trước 12h trưa nay. Tiếp đó, Công an xã cùng lực lượng chức năng kiểm tra từng hộ, đôn đốc, vận động, giúp đỡ người dân di chuyển, sơ tán đồ đạc.

Trung tá Nguyễn Văn Quốc, Trưởng Công an xã Lộc Tiến cho biết, trên địa bàn xã có 41 hộ dân ở dưới chân núi Phú Gia và Thổ Sơn (xã Lộc Tiến) phải di dời vào trưa nay. Những năm trước, tại núi Phú Gia cũng từng xảy ra sạt lở đất khiến một lượng lớn đất đá từ trên cao tràn xuống…

Công an xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) đến nhà từng hộ dân đưa lệnh di dời, yêu cầu người dân ký và sơ tán ra khỏi nhà trước 12h trưa 19/9.

Công an xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) đến nhà từng hộ dân đưa lệnh di dời, yêu cầu người dân ký và sơ tán ra khỏi nhà trước 12h trưa 19/9.

UBND tỉnh cho biết, trên cơ sở báo cáo của các địa phương rà soát, cập nhật chi tiết từng phương án ứng phó với bão, lụt, lũ quét và sạt lở đất, nước dâng do bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã lên phương án sơ tán, di dời để đối phó với bão gồm 16.349 hộ/52.186 khẩu; phương án sơ tán, di dời để đối phó lũ quét, sạt lở đất: 3.743 hộ/13.615 khẩu.

Từ tối qua đến trưa nay (19/9), trên địa bàn Thừa Thiên Huế có mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa đo được tại các trạm đo trên địa bàn như: Vrain từ 19h ngày 17/9 đến 7h ngày 19/9 phố biến từ 150-300mm; có nơi cao hơn như Bạch Mã 576mm, Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) 441mm; Khe Tre (huyện Nam Đông) 437mm; Lăng Cô (huyện Phú Lộc) 407 mm. Trong ngày 19/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho toàn bộ học sinh trên địa bàn được nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng.

Đến trưa 19/9, tại huyện miền núi A Lưới xảy ra ngập cục bộ ở một số nơi.

Đến trưa 19/9, tại huyện miền núi A Lưới xảy ra ngập cục bộ ở một số nơi.

Ngày 19/9, Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an TP Huế kiểm tra, yêu cầu ký cam kết và nhắc nhở chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa đối với 100% thuyền du lịch trên địa bàn. Đối với các bến đò ngang, lực lượng chức năng cũng yêu cầu ký cam đoan, cam kết; đưa người và phương tiện lên bờ khi có thông báo hoặc tình hình thời tiết xấu xảy ra.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã tổ chức và hướng dẫn các phương tiện hoạt động, thi công tại cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương triển khai các phương án neo đậu, tránh trú an toàn khi xảy ra mưa bão.

Công an xã bám địa bàn, hỗ trợ người dân ứng phó mưa lũ, sạt lở đất

Tại tỉnh Quảng Nam, theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh, từ 8h ngày 18/9 đến 8h ngày 19/9, địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như Đầu mối hồ Phú Ninh 270mm, Kỳ Phú (TP Tam Kỳ) 252,4mm; Phước Chánh 256,6mm, Phước Thành (huyện Phước Sơn) 244,6mm; Tam Lãnh 266,8mm, Tam Lộc (huyện Phú Ninh) 201,4mm…

Theo dự báo, trong vài giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các huyện Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phú Ninh, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Thăng Bình, Tiên Phước.

Công an xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh dầm mưa dọn dẹp đất đá từ taluy dương tràn xuống đường ĐH4 để đảm bảo an toàn giao thông.

Công an xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh dầm mưa dọn dẹp đất đá từ taluy dương tràn xuống đường ĐH4 để đảm bảo an toàn giao thông.

Công an xã Tam Lãnh dọn dẹp cây cối ngã đổ gây ách tắc giao thông.

Công an xã Tam Lãnh dọn dẹp cây cối ngã đổ gây ách tắc giao thông.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, sạt lở đất, lực lượng Công an xã đã bám sát địa bàn, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân ứng phó với thiên tai. Tại huyện vùng cao Nam Trà My, ngay trong đêm 18/9, lực lượng Công an các xã đã phối hợp với các lực lượng khác tại địa phương tiến hành sơ tán 51 hộ dân, 164 nhân khẩu ở các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao về nơi trú ẩn an toàn.

Tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, trong chiều tối 18/9, một số khu vực trên địa bàn xã đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ, lượng nước sông dâng cao, nước suối đổ về rất mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của người dân.

Trên tuyến đường ĐH4 đoạn qua xã Tam Lãnh, cây cối và đất đá từ các triền núi bị cuốn trôi xuống lòng lề đường và khu vực phía sau nhà dân, Công an xã Tam Lãnh đã chủ động dọn dẹp, khơi thông lòng đường, không để giao thông tắc nghẽn.

Tại khu vực cầu Trà Ly, thôn Bồng Miêu, nước sông dâng cao rất nhanh gây ngập cầu, chảy siết, không thể lưu thông. Công an xã Tam Lãnh đã phối hợp, hướng dẫn lực lượng ANTT cơ sở tổ chức cảnh báo, làm rào chốt chặn.

Đặc biệt, lực lượng Công an xã Tam Lãnh đã phối hợp với lực lượng địa phương tổ chức vận động, di dời 23 hộ, 83 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại các thôn Phước Bắc, An Mỹ, Bồng Miêu đến nơi an toàn.

Lãnh đạo Công an xã Tam Lãnh cho biết, phát huy phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, Công an xã Tam Lãnh tổ chức trực nghiêm túc, sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo nhân dân trên địa bàn thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là và tuân theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng.

Công an xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn tổ chức chốt chặn, đảm bảo an toàn tại ngầm Nước Chè, thôn 2, xã Phước Mỹ bị ngập sâu.

Công an xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn tổ chức chốt chặn, đảm bảo an toàn tại ngầm Nước Chè, thôn 2, xã Phước Mỹ bị ngập sâu.

Với sự tích cực, nỗ lực của lực lượng Công an xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong công tác phòng, chống thiên tai đã làm chỗ dựa vững chắc cho người dân, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, biểu dương.

Trước tình hình mưa lũ, sạt lở đất được dự báo còn diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, lực lượng Công an cấp xã tại Quảng Nam tiếp tục bám sát địa bàn, triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở; nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo sơ tán, di dời người dân, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.

Công an Hà Tĩnh hỗ trợ người dân ứng phó bão số 4

Hà Tĩnh được xác định là địa bàn chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4, do đó để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra, lực lượng Công an toàn tỉnh đã khẩn trương phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương triển khai nhiều phương án hỗ trợ người dân trên địa bàn ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình mưa bão.

Lực lượng Công an xã hỗ trợ người dân chặt tỉa cây.

Lực lượng Công an xã hỗ trợ người dân chặt tỉa cây.

Do ảnh hưởng của bão số 4, tại địa bàn của tỉnh Hà Tĩnh đã có gió mạnh kèm theo mưa lớn, nhiều nơi xuất hiện tình trạng giông lốc làm hư hỏng nhà cửa, đổ ngã cây cối đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người dân trên địa bàn.

Đặc biệt địa bàn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là địa bàn chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão số 4, nguy cơ ngập lụt, sạt lở xảy ra cao. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, lực lượng Công an tại địa bàn cơ sở đã khẩn trương phối hợp với cấp ủy chính quyền các xã di dời hơn 1.400 hộ dân tại các khu vực nguy cơ ngập lụt, sạt lở lên các trường học, nhà văn hóa thôn để đảm bảo an toàn. Đồng thời, hỗ trợ người dân tiến hành chặt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa kiên cố trước khi bão đổ bộ, kịp thời rà soát, triển khai cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm để người dân chủ động phòng tránh, phòng ngừa những tình huống xấu có thể xảy ra.

Tiến hành di dời người dân đến nơi an toàn

Tiến hành di dời người dân đến nơi an toàn

Trước diễn biến phức tạp của bão, tại các địa bàn ven biển Hà Tĩnh, lực lượng Công an đã tăng cường công tác tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác phòng chống mưa bão và các kỹ năng cần thiết trong mùa mưa bão; kêu gọi, hướng dẫn người dân trên địa bàn, nhất là các ngư dân hoạt động ven biển, kể cả các ngư dân từ các địa phương khác hoạt động trên vùng biển thực hiện việc neo đậu tàu thuyền, vào bờ trú bão an toàn. Tính đến hiện tại, hầu hết số tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn đã vào neo đậu cố định, không có tàu thuyền hoạt động ở vùng nguy hiểm.

Sẵn sàng các thiết bị ứng cứu.

Sẵn sàng các thiết bị ứng cứu.

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an các cấp, đặc biệt là lực lượng Công an cấp cơ sở sẵn sàng phương tiện, nhân lực, các trang thiết bị để thực hiện ngay công tác cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp và sơ tán nhân dân vùng ngập lụt cao đến nơi tránh trú an toàn.

Hải Lan - Ngọc Thi- Nga Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cong-an-cac-tinh-mien-trung-khan-truong-giup-dan-ung-pho-voi-bao-so-4-i744505/