Công an cấp xã tận tụy phục vụ nhân dân trong mô hình chính quyền hai cấp

Từ khi mô hình chính quyền hai cấp được triển khai, lực lượng Công an xã, phường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trở thành lực lượng nòng cốt, không chỉ đảm bảo an ninh trật tự mà còn là 'cánh tay nối dài' trong giải quyết các thủ tục hành chính cho Nhân dân.

Sau hai tuần đi vào vận hành, mô hình chính quyền hai cấp tại xã Chư Păh đã cho thấy những hiệu quả bước đầu rõ nét. Cơ sở vật chất, hạ tầng hành chính đang dần hoàn thiện. Cán bộ, công chức cấp xã, trong đó có lực lượng Công an, đã nắm vững quy trình và phối hợp hiệu quả, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, phục vụ người dân kịp thời, không để ai bị “lỡ việc”.

Tại xã Chư Păh, đơn vị hành chính mới được hợp nhất từ thị trấn Phú Hòa, xã Hòa Phú và xã Nghĩa Hòa, bộ máy chính quyền mới đang hoạt động nhịp nhàng. Với 17 thôn làng, gần 20.000 nhân khẩu, trong đó hơn 40% là người đồng bào dân tộc thiểu số, việc đưa các dịch vụ công đến gần dân là thách thức không nhỏ.

Người dân đến trụ sở được cán bộ Công an Gia Lai hướng dẫn.

Người dân đến trụ sở được cán bộ Công an Gia Lai hướng dẫn.

Thượng tá Nguyễn Văn Thông – Trưởng Công an xã Chư Păh cho biết, ngay sau khi được kiện toàn tổ chức, Công an xã đã thành lập nhiều tổ công tác, không kể ngày đêm, về tận thôn làng tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính, nhất là các nội dung liên quan đến định danh điện tử, cấp căn cước công dân (CCCD), đăng ký xe, hộ khẩu, tạm trú tạm vắng…

“Chúng tôi xác định phương châm làm việc là đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp. Người dân đến trụ sở là quý, nên dù hết giờ hành chính, anh em vẫn cử cán bộ luân phiên phục vụ đến khi không còn người chờ”, Thượng tá Thông chia sẻ.

Người dân đến Công an xã Chư Păh làm các thủ tục.

Người dân đến Công an xã Chư Păh làm các thủ tục.

Theo thống kê, chỉ trong vòng hai tuần, Công an xã Chư Păh đã tiếp nhận trung bình 50–60 lượt người dân mỗi ngày. Đã có 60 hồ sơ làm CCCD, 161 hồ sơ định danh điện tử mức độ 2, 368 trường hợp được kích hoạt định danh, tích hợp giấy tờ và 147 trường hợp khởi tạo chữ ký số. Con số tuy nhỏ nhưng cho thấy người dân đã tiếp cận được dịch vụ công một cách rõ ràng, minh bạch và hiệu quả.

Do đặc thù địa hình, Hreng – làng xa nhất xã cách trung tâm xã hơn 15km. Người dân nơi đây, nhất là bà con đồng bào thiểu số, phần lớn không sử dụng điện thoại thông minh hoặc không biết chữ, nên việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến gần như không thể.

Trung tá Huỳnh Ngọc Tâm – Công an xã Chư Păh kể: “Có người không có điện thoại, không biết cách thao tác, không đọc được chữ. Vậy là cán bộ phải làm trực tiếp từng khâu: từ khai báo, chụp ảnh, kích hoạt tài khoản, tích hợp giấy tờ, thậm chí hướng dẫn người dân lưu lại”.

Người dân được hướng dẫn trong lúc chờ lượt để làm CCCD.

Người dân được hướng dẫn trong lúc chờ lượt để làm CCCD.

Không chỉ người dân trong xã mà còn nhiều người từ các xã lân cận cũng tìm đến Công an xã Chư Păh để làm thủ tục. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Thoa (xã Ia Ly) đã vượt quãng đường gần 20km đưa ba con đến làm CCCD. “Nghe thông tin Công an xã Chư Păh đang triển khai làm CCCD nên tôi dẫn con đi làm. Các cán bộ hướng dẫn tận tình, nhanh lắm”, bà Thoa vui vẻ bày tỏ.

Hay như anh Rơ Chăm Thái, người dân xã Chư Păh, sau khi được trưởng thôn hướng dẫn đã đến trụ sở Công an xã làm định danh mức độ 2, tích hợp giấy tờ tùy thân. “Tôi đến lúc 7 giờ sáng, hơn 8 giờ là xong. Không chờ lâu, lại được hướng dẫn kỹ càng. Làm xong các giấy tờ, tôi còn kịp giờ lên rẫy làm việc”, anh Thái nói.

Cán bộ Phòng PC06 Công an tỉnh Gia Lai cũng đến tận Công an xã Chư Păh hỗ trợ người dân.

Cán bộ Phòng PC06 Công an tỉnh Gia Lai cũng đến tận Công an xã Chư Păh hỗ trợ người dân.

Ngày 1/7, Công an xã Chư Păh cũng đã bàn hành kế hoạch, thực hiện cao điểm 50 ngày, đêm tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền hai cấp.

Theo đó, Công an xã Chư Păh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp “đi vào lòng dân”. Từ ngày 1/7, Công an xã phối hợp ban ngành đoàn thể và thôn làng đến từng hộ dân, hướng dẫn thực hiện các thủ tục như cấp CCCD, định danh điện tử mức độ 2, khởi tạo chữ ký số, tích hợp bảo hiểm y tế, sổ sức khỏe điện tử vào ứng dụng VNeID.

Không chỉ riêng xã Chư Păh, tại phường An Phú (tỉnh Gia Lai), mô hình chính quyền hai cấp cũng đang phát huy hiệu quả. Trung bình mỗi ngày, Công an phường tiếp nhận trên 20 lượt người đến làm thủ tục hành chính về cư trú, tạm trú tạm vắng.

Chị Hoàng Thị Phượng, một người dân tại phường An Phú, cho biết việc đăng ký tạm trú cho người thân nhanh hơn hẳn. “Tôi chỉ cần mang theo giấy tờ đến Công an phường, cán bộ xử lý rất nhanh, không phải chờ đợi như trước. Chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút mọi thủ tục hoàn tất, tôi có thể ra về”, chị Phượng nói.

Chị Phượng đến Công an P.An Phú đăng ký tạm trú cho người thân.

Chị Phượng đến Công an P.An Phú đăng ký tạm trú cho người thân.

Thượng tá Hồ Thanh Sơn – Trưởng Công an phường An Phú chia sẻ, đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết các thủ tục liên quan cư trú, hộ khẩu... cho người dân.

Những ngày qua, người dân đến Công an phường tương đối đông. Đây là tín hiệu vui. Cán bộ của Công an phường đã được quán triệt từ đầu, phải có tinh thần phục vụ Nhân dân hết mình, cho nên đã sát sao, nhiệt tình và hướng dẫn một cách cụ thể với từng trường hợp.

Những con số tuy chưa lớn, nhưng điều đáng ghi nhận là tinh thần làm việc không quản giờ giấc, không ngại khó, ngại khổ của lực lượng Công an cấp xã, phường. Mô hình chính quyền hai cấp không chỉ làm gọn bộ máy, giảm thủ tục, mà còn giúp người dân tiếp cận dịch vụ hành chính ngay tại địa phương, không cần đi xa, không cần qua trung gian.

Chí Dũng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/cong-an-cap-xa-tan-tuy-phuc-vu-dan-trong-mo-hinh-chinh-quyen-hai-cap_180377.html