Công an Hà Nội lần theo dấu vết những kiện hàng chứa ma túy 'vô chủ'
Thủ đoạn của tội phạm ma túy lợi dụng dịch vụ chuyển phát, bưu chính vận chuyển ngày càng phức tạp. Đặc biệt, càng vào dịp cuối năm, loại tội phạm này càng trở nên 'khát' tiền nên không từ thủ đoạn nào đã khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác triệt phá, đấu tranh.
Mưu trí bóc gỡ từng mắt xích tội phạm ma túy
Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra, tội phạm về ma túy - công an Hà Nội cho biết, tội phạm lợi dụng hình thức chuyển phát, bưu chính, ký gửi hàng hóa để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại trong những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp.
Đặc biệt từ thời điểm cuối năm 2022, sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động giao thương quốc tế được mở cửa trở lại, tạo điều kiện thông thoáng về các thủ tục thông quan hàng hóa để thu hút đầu tư nước ngoài; cùng với nguồn ma túy dư thừa sau thời gian hạn chế giao thương quốc tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cũng kể từ đây, sự bùng nổ về thủ đoạn ngày càng tinh vi của loại tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Trong các đường dây vận chuyển về Việt Nam, các đối tượng chính không trực tiếp đứng ra giao nhận hàng hóa mà liên lạc qua các dịch vụ Internet thuê dịch vụ giao nhận hàng hóa để chuyển ma túy đến các địa chỉ yêu cầu, gây nhiều khó khăn cho việc giám sát phát hiện, bắt giữ các đối tượng chính bởi người, hàng, tiền tách rời.
Bên cạnh đó là việc tiếp tục tái diễn tình trạng một số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam (hoặc quá cảnh tại Việt Nam) dưới nhiều danh nghĩa khác nhau nhằm mục đích phạm tội. Ngoài ra, xuất hiện tình trạng đối tượng cầm đầu tại nước ngoài vận chuyển ma túy về Việt Nam dưới dạng hành lý ký gửi theo khách đi máy bay.
Điển hình ngày 31-5, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an Hà Nội phối hợp với Cục Hải quan thành phố tiến hành kiểm tra, đã phát hiện lô hàng từ Cộng hòa Liên bang Đức về Việt Nam qua Cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài, nghi vấn có chứa chất ma túy. Qua kiểm tra, lô hàng gồm 2 pallet có tổng khối lượng 637kg, bên trong có 60 kiện hàng là thùng carton chứa 179kg ma túy tổng hợp các loại. Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã lần lượt bắt giữ các đối tượng liên quan. Song, trong vụ án này, để xác định và bắt được nhóm đối tượng nhiều lực lượng đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức bởi bọn chúng liên tục thay đổi thông tin người nhận, nơi nhận, gây khó khăn cho công tác xác minh, bắt giữ.
Ngày 25-10-2024, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an thành phố Hà Nội, Cục Hải quan thành phố Hà Nội phối hợp với công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bắt giữ đối Nguyễn Văn Ba, sinh năm 1993, trú tại huyện Quỳnh Lưu, là đối tượng nhận “hàng” ký gửi của 16 kiện hàng sữa cất giấu 9,3kg ketamin bên trong các hộp sản phẩm. Đối tượng khai nhận số tang vật gửi từ Châu Âu về thành phố Hà Nội qua Sân bay Quốc tế Nội Bài và sau đó chuyển tiếp về huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tiêu thụ.
Từ công tác nắm tình hình, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc công an TP Hà Nội, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Trong công tác phòng ngừa, điểm nhấn nổi bật là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy cho các đơn vị, công ty, cán bộ, nhân viên hoạt động trong ngành bưu chính, chuyển phát và vận tải hàng hóa… Từ đó, đã chủ động phát hiện; kịp thời thông báo với cơ quan Công an các vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan.
Trong những tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng lực lượng Hải quan Hà Nội và các lực lượng chức năng khác đã bắt giữ, xử lý, phối hợp giải quyết gần 30 vụ, trên 40 đối tượng, thu giữ gần 1 tấn ma túy tổng hợp.
Xác định rõ "mặt hàng, người gửi, nơi nhận"
Trước những diễn biến phức tạp về tình hình tội phạm ma túy lợi dụng dịch vụ chuyển phát, bưu chính dưới hình thức chuyển phát nhanh bưu điện, mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc công an thành phố Hà Nội đã chủ trì hội nghị tuyên truyền phòng, chống ma túy, cảnh báo, nhận diện phương thức thủ đoạn loại tội phạm này.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Cục Hải quan thành phố Hà Nội và đại diện Đội kiểm soát phòng, chống ma túy - Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục chuyển phát nhanh, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Nội Bài, Chi cục Hải quan Gia Thụy, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty bưu điện Việt Nam - Vietnam Post, đại diện lãnh đạo Tổng công ty chuyển phát nhanh bưu điện EMS và công an các quận, huyện thành phố. Qua hội nghị, cán bộ chuyển phát nhanh đã được cảnh báo, nhận diện về phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng ma túy lợi dụng dịch vụ bưu chính, chuyển phát để hoạt động phạm tội.
Tại hội nghị, đồng chí Phó Giám đốc CATP nhấn mạnh, trong các năm qua, công an Thành phố phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan thành phố, sự hỗ trợ tích cực từ các công ty chuyển phát bưu chính, vận tải hàng hóa đã điều tra khám phá được nhiều vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số lượng lớn ma túy.
Tuy nhiên, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, thay đổi liên tục phương thức hoạt động, dẫn tới công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời tội phạm lợi dụng dịch vụ chuyển phát, bưu chính để vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Địa bàn thành phố Hà Nội là trung tâm hành chính của cả nước, là đầu mối quan trọng nối Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Qua số liệu của cơ quan chức năng, trung bình hàng năm, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tiếp nhận khoảng trên 620.000 tấn hàng hóa được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam; Tổng Công ty chuyển phát nhanh bưu điện - EMS vận chuyển khoảng trên 800.000 tấn hàng hóa được các khách hàng đặt vận chuyển trong nước, bao gồm cả số hàng hóa từ nước ngoài về được vận chuyển trong nội địa.
Qua công tác nắm tình hình và kết quả điều tra, khám phá các vụ án thời gian qua cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh để vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài, tuy nhiên, các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài (chủ yếu là từ các nước Châu Âu) vẫn gửi hàng có chất cấm (là ma túy) về Việt Nam qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài và thông qua dịch vụ vận chuyển trong nước, tiếp tục chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố khác.
Để tăng cường hơn nữa việc nhận diện phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy nói chung, tội phạm ma túy lợi dụng dịch vụ chuyển phát, bưu chính để vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy nói riêng, thời gian tới, Công an thành phố đề nghị lãnh đạo Tổng Công ty bưu điện Việt Nam - Vietnam Post (Việt Nam post), lãnh đạo Tổng Công ty chuyển phát nhanh bưu điện - EMS quan tâm hơn nữa việc đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng kiểm tra hàng hóa ký gửi cho cán bộ, nhân viên công ty; đảm bảo cán bộ, nhân viên chấp hành quy trình của việc nhận, ký, gửi hàng hóa theo đúng quy định Luật Bưu chính “kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận”, "từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính nếu phát hiện bưu gửi vi phạm quy định”.
Đồng thời yêu cầu khách hàng gửi và khách hàng nhận hàng phải xuất trình giấy tờ tùy thân... và nhân viên thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm soát hàng hóa cần nâng cao nhận thức, ý thức, cảnh giác và vận dụng kinh nghiệm để kịp thời phát hiện hàng hóa có mang hàng cấm (là ma túy), thông tin khẩn trương cho lực lượng công an tiếp nhận, tổ chức trinh sát, điều tra bắt giữ.