Công an Hà Nội với công tác lựa chọn cán bộ ưu tú chi viện chiến trường miền Nam

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ, chính quyền địa phương và Bộ Công an; sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân; Công an Hà Nội bảo vệ vững chắc hậu phương, chi viện lực lượng cho tiền tuyến lớn miền Nam cùng quân dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược.

Cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, khép lại 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; đồng thời mở ra kỷ nguyên mới xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập, tự chủ. Thắng lợi có tầm vóc lịch sử to lớn và có ý nghĩa thời đại sâu sắc, là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; là sự đấu tranh bền bỉ, kiên cường và anh dũng của toàn quân, toàn dân ta, trong đó có sự đóng góp quan trọng của lực lượng CAND nói chung, của Công an Thủ đô Hà Nội nói riêng, với điểm nhấn không phia là sự chi viện lực lượng cho công tác, chiến đấu tại chiến trường các tỉnh, thành phố miền Nam thân thương, thành đồng Tổ quốc.

Chia tay, tiễn các chiến sỹ lên đường chi viện chiến trường miền Nam

Chia tay, tiễn các chiến sỹ lên đường chi viện chiến trường miền Nam

Tổng kết lịch sử công tác chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lãnh đạo Bộ Công an đã đánh giá: “Công tác chi viện An ninh miền Nam được Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an, nhất là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chuẩn bị rất sớm, có tầm chiến lược lâu dài và được tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhất quán, hiệu quả. Lực lượng CAND là một trong những lực lượng chi viện sớm nhất, đông nhất, chi viện tập trung, kịp thời, nhiều cán bộ nghiệp vụ các chuyên ngành. Đồng thời phát triển nhanh lực lượng an ninh tại chỗ, làm chuyển biến tương quan lực lượng giữa ta và địch, tạo điều kiện giúp An ninh miền Nam đẩy mạnh được nhiệm vụ tấn công diệt ác, trừ gian, bảo vệ thực lực cách mạng, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ địa phương. Lực lượng Công an chi viện đã có mặt ở khắp các chiến trường, kể cả những nơi gian khổ ác liệt nhất, đoàn kết với các cán bộ tại chỗ, đồng cam cộng khổ, không quản gian khổ, hy sinh, lập nhiều chiến công lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội đã mài sắc bản lĩnh nghiệp vụ, tinh thần cách mạng, ý chí tiến công, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, tích cực tham gia đấu tranh, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo nhiều dấu ấn thông qua các mặt công tác nổi bật: thực hiện tốt công tác tiếp quản và chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào theo Đạo Thiên chúa di cư vào Nam; đấu tranh triệt phá các tổ chức gián điệp cài lại, các tổ chức phản động và các loại tội phạm khác; phục vụ công tác cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; làm tốt công tác phòng không, sơ tán trong hoàn cảnh có chiến tranh phá hoại, phát động phong trào bảo vệ trị an, đảm bảo đời sống nhân dân; bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của nhân dân.

Bên cạnh việc bảo vệ an ninh, trật tự địa bàn, lực lượng Công an Hà Nội luôn xác định công tác chi viên lực lượng cho an ninh miền Nam là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoàn này; đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đảm nhiệm nhiệm vụ chi viện số lượng lớn cán bộ công an ưu tú ở các lĩnh vực cho An ninh miền Nam, góp phần giúp An ninh miền Nam lớn mạnh, đủ sức đánh thắng các thế lực thù địch của Mỹ-Ngụy, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Trong việc chi viện miền Nam thì vấn đề quan trọng nhất, nổi lên hàng đầu là chủ động chuẩn bị về lực lượng, cán bộ là nhân tố quyết đinh thành công của sự nghiệp cách mạng.

Cán bộ, chiến sỹ viết đơn tình nguyện chi viện chiến trường miền Nam

Cán bộ, chiến sỹ viết đơn tình nguyện chi viện chiến trường miền Nam

Để có một lượng lớn cán bộ thường xuyên chi viện cho chiến trường nhất là vào các chiến dịch, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải biết rõ cán bộ, đánh giá đúng cán bộ”, “Phải khéo dùng người, dùng người đúng chỗ, đúng việc”, Công an Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, nổi bật là:

Rà soát, lựa chọn những cán bộ ưu tú, có “chất lượng”, “vừa hồng vừa chuyên” để chi viện cho chiến trường miền Nam. Thực tế khắc nghiệt của chiến trường miền Nam, trên cả 3 vùng chiến lược đòi hỏi cán bộ chi viện phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, chịu đựng được gian khổ, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn khá để vận dụng vào thực tiễn công tác và chiến đấu, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng ở địa phương.

Chủ động nắm bắt thông tin ở tầm chiến lược, dự báo được diễn biến của thời cuộc, lập kế hoạch chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng triển khai khi có yêu cầu.

Coi trọng công tác động viên chính trị tư tưởng, tập trung bồi dưỡng toàn diện đối với cán bộ được lựa chọn. Cán bộ chi viện có nhiều lực lượng khác nhau như trinh sát bảo vệ chính trị, điệp báo, trinh sát vũ trang... đều được tham gia bồi dưỡng về đường lối cách mạng, về công tác vận động quần chúng, khí tiết người đảng viên cộng sản, nhất là kinh nghiệm trong đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận; phải giữu vững kỷ luật, tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương, bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải xây dựng tinh thần đoàn kết với cán bộ địa phương tại chỗ, vận dụng vào thực tiễn công tác ở từng nơi, từng lúc phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tránh máy móc, rập khuân, giáo điều.

Thực hiện tốt chính sách hậu phương để động viên gia đình cán bộ chi viện, tạo điều kiện cho cán bộ chi viện yên tâm công tác và chiến đấu...

Với những biện pháp phù hợp, công tác chi viện cho miền Nam đã trở thành phong trào rộng khắp trong cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Liên tiếp sau đó, Công an Hà Nội luôn có phong trào tình nguyện sẵn sàng đi chiến trường, chi viện An ninh miền Nam, con số viết đơn tình nguyện xin đi bao giờ cũng dư so với chỉ tiêu từ 20-30%.

Giữ vững an toàn hậu phương lớn miền Bắc

Giữ vững an toàn hậu phương lớn miền Bắc

Các cán bộ được lựa chọn chi viện cho chiến trường miền Nam đều thấm nhuần lời dặn dò trước khi lên đường của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn: Lãnh đạo Bộ xác định các đồng chí là đảng viên, chiến sĩ Công an ưu tú mới lựa chọn để chi viện cho chiến trường miền Nam, chúng ta không nên chủ quan, vì đặc điểm đánh Mỹ khác với đánh Pháp trước đây, cũng khác với công cuộc xây dựng hòa bình ở miền Bắc... Các đồng chí tham gia đợt này là vinh dự tham gia một giai đoạn quyết liệt của cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, vinh quang vô hạn nhưng gian khổ, ác liệt cực kỳ... kết quả đã có hàng trăm cán bộ chiến sỹ có năng lực, kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ của Công an Hà Nội hăn ghái lên đường chi viện cho an ninh miền Nam, với tinh thần “Tất cả cho chiến trường”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cụ thể là:

Ngay từ đợt chi viện đầu tiên, tháng 5-1959, trước yêu cầu tình hình cách mạng trong giai đoạn mới, mặc dù còn nhiều khó khăn về biên chế, song Công an Hà Nội chọn cử đồng chí Huỳnh Minh (trưởng khuCửa Đông) và đồng chí Nguyễn Văn Mỹ (quận 1) vượt Trường Sơn, lên đường chi viện cho cách mạng miền Nam. Tháng 8-1961, Công an Sơn Tây đã chọn cử đồng chí Phan Văn Chò - Trưởng phòng bảo vệ kinh tế, văn hóa; Khuất Duy Thảo - Trưởng Công an huyện Quảng Oai; Hà Văn Thưởng - Phó Ban trị an hành chính để chi viện cho an ninh miền Nam.

Liên tiếp trong những năm sau đó, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 20 về đẩy mạnh chi viện cho An ninh miền Nam, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo tổ chức và lực lượng phục vụ chiến đấu bảo vệ an ninh, trật tự ở Thủ đô, Công an Hà Nội đã chọn cử hàng trăm cán bộ Công an Hà Nội lên đường chi viện và chiến đấu ở chiến trường B (trong đó có 2 đồng chí là Đảng ủy viên, 6 đồng chí là chi ủy viên, 1 đồng chí là phó khu Công an, 11 đồng chí là đội trưởng, đội phó, 3 đồng chí là sĩ quan trung cấp).

Tháng 4-1967, Ty Công an Hà Tây đã tham mưu, chọn cử 6 đồng chí có năng lực, phẩm chất tốt chi viện cho an ninh miền Nam là: Dương Văn Đình - Phó Trưởng ty; Nguyễn Văn Kỳ - Trưởng Văn phòng; Nguyễn Văn Trà - Trưởng Công an huyện ứng Hòa; Phù Nghĩa - Phó Trưởng phòng xét hỏi; Khuất Duy Thảo – Trưởng Phòng Bảo vệ chính trị và Nguyễn Văn Long - Phó Phòng Bảo vệ chính trị.

Đầu năm 1968, phục vụ cuộc tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam thân yêu, vì Trị Thiên ruột thịt”, Ty Công an Hà Tây đã chọn cử một tiểu đội cán bộ, gồm 10 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Mỳ, trưởng đoàn trực tiếp chỉ huy, hành quân vào phà Sông Gianh, tăng cường cho tuyến lửa Quảng Bình, phục vụ Chiến dịch vận chuyển VT5 (vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ Hải Phòng vào sông Gianh – Quảng Bình).

Trong 3 năm: 1967, 1968 và 1969, đã có 19 đồng chí anh dũng hi sinh tại chiến trường. Chỉ tính riêng Đoàn N63 (chi viện cho Trung ương cục, Ban An ninh miền Nam – gọi tắt là R) gồm 36 cán bộ đã có 3 đồng chí hy sinh, 16 đồng chí bị bệnh phải nằm lại dọc đường.

Tháng 1-1975, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị về kế hoạch chuẩn bị chiến dịch tổng tiến công, nổi dậy giải phóng miền Nam, Bộ Công an đã mở nhiều lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, làm tốt công tác tư tưởng cho số cán bộ chiến sĩ được điều động tăng cường chi viện cho An ninh miền Nam...

Trong tháng 3 và tháng 4-1975, để phục vụ tổng tiến công và nổi dậy, Công an Hà Nội điều động 633 cán bộ, trong đó có 10 đồng chí là trưởng, phó phòng,trưởng, phó Công an khu, huyện; 95 đồng chí là trưởng, phó đồn, ban, đội và cán bộ cốt cán có thời gian và kinh nghiệm công tác công an 10 năm trở lên vào chiến trường trực tiếp cùng An ninh miền Nam chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công trong trận quyết chiến chiến lược và tham gia quản lý vùng mới giải phóng, bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ vững an ninh trật tự buổi ban đầu.

Ở Hà Tây, tháng 3-1975, Công an tỉnh đã chọn cử 11 đồng chí (trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Đức là Trưởngphòng và 10 CBCS) lên đường chi viện cho lực lượng PCCC Cần Thơ - tỉnh kết nghĩa với Hà Tây, góp phần bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân ở thành phố Cần Thơ sau giải phóng.

Qua các đợt chi viện, cán bộ chi viện đã đối mặt, vượt qua những gian khổ, trước hết là khoảng thời gian 5 tháng vượt Trường Sơn cho đến lúc phải luồn sâu vào vùng địch, ẩn mình trong lòng đất, bám dân, bám địch, chịu bao nhiêu mưa bom, bão đạn, đói rét, bệnh tật là những việc ít có tiền lệ và chưa nhiều người được trải nghiệm.

Có mặt trên khắp mọi chiến trường, từ Trị Thiên Huế đến miền Tây Nam Bộ, từ Ban An ninh Trung ương cục đến An ninh các khu, tỉnh và đến tận cơ sở, ở đâu cán bộ chi viện của Công an Hà Nội cũng hòa mình với cán bộ tại chỗ, lăn lộn với phong trào, hoạt động trên khắp cả 3 vùng: Vùng địch kiểm soát, vùng tranh chấp và vùng căn cứ, giải phóng, đã gắn bó sống chết với cán bộ An ninh tại chỗ, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tại chỗ trưởng thành về chính trị, nghiệp vụ chuyên môn với tâm huyết xây dựng lực lượng An ninh tại chỗ vững mạnh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng.

Nhiều đồng chí phát huy tốt, đã xây dựng được những đặc tình nội tuyến cao cấp trong lòng địch. Một số đồng chí được giữ lại Ban An ninh R để làm cán bộ nghiên cứu, trợ lý cho các đồng chí lãnh đạo ở các tiểu ban. Một số cán bộ chi viện có thành những thành tích xuất sắc đã trở thành những cán bộ lãnh đạo ở nhiều địa phương (như trưởng, phó tiểu ban tỉnh; phụ trách các đội trinh sát vũ trang, chính trị; chỉ huy an ninh huyện, tỉnh... Một số được đề bạt cán bộ trung cấp, cán bộ Đảng... như đồng chí Bằng, Phó Công an khu Hoàn Kiếm – Phụ trách Long An; đồng chí Thái Lang phụ trách phân khu II Sài Gòn – Gia Định; đồng chí Nguyễn Xuân Thảo, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Hà Tây được phân công làm Đội trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị của Trung ương cục miền Nam sau này là Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an Thành phố; đồng chí Nguyễn Đình Thành, cán bộ bảo vệ chính trị, sau 2 năm chiến đấu tại chiến trường được công nhận là cán bộ trung cấp của Ban an ninh R, trợ lý cho đồng chí Ba Hương (Lâm Văn Thê) Phó ban an ninh Miền. Sau khi rời chiến trường, đồng chí được bổ nhiệm làm Trưởng Công an quận Ba Đình, Phó Giám đốc và Giám đốc Công an Hà Nội). Nhiều cán bộ, thông qua thực tế công tác kết hợp kinh nghiệm trong chiến đấu đã có những ý kiến kịp thời đề xuất, tham mưu cho các đồng chí lãnh đạo của từng tiểu ban cũng như Ban lãnh đạo an ninh miền Nam về việc nắm tình hình, phân tích địch – ta, đưa ra những đối sách hợp lý để góp phần chỉ đạo cuộc đấu tranh chống địch đánh phá cách mạng.

Kể từ đợt chi viện đầu tiên năm 1959 đến ngày 30-4-1975, Công an Hà Nội đã có tổng số 815 cán bộ chiến sĩ chi viện cho An ninh miền Nam, trong đó có 59 đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, mãi mãi nằm lại trên chiến trường xưa. Xương máu của các anh đang nuôi dưỡng cho mảnh đất của Tổ quốc mãi mãi xanh tươi. Sự chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình của các anh là bản anh hùng ca tô thắm truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam và mãi mãi in đậm trong trang sử truyền thống của Công an Thủ đô.

Chiến tranh đã lùi xa, năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước vui vầy sum họp một nhà thống nhất. Tự hào kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng, tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sỹ, đồng bào, đồng chí và những cán bộ, chiến sỹ, trong đó có thế hệ cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô chi viện cho chiến trường miền Nam đã cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Qua đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Nội hôm nay và mai sau nhận thức sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục pháth uy truyền thống hào hùng của Công an Thủ đô cùng bản lĩnh, trí tuệ, ý chí và nghị lực, tinh thần và sức mạnh để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh và thinh vượng của dân tộc Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc CATP Hà Nội

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cong-an-ha-noi-voi-cong-tac-lua-chon-can-bo-uu-tu-chi-vien-chien-truong-mien-nam-post610493.antd