Công an không được dọa nạt dân, phải tìm hiểu kỹ khi kết bạn trên mạng
Cán bộ, chiến sĩ công an không được gây căng thẳng, dọa nạt người dân; phải tìm hiểu kỹ về người định kết bạn, hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn định tham gia trên không gian mạng.
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thời gian 2 tháng.
Dự thảo đưa ra hàng loạt điều khoản quy định về ứng xử của Công an nhân dân trong nội bộ; ứng xử với Nhân dân; ứng xử với người vi phạm pháp luật; ứng xử với tổ chức, cá nhân người nước ngoài; ứng xử trong gia đình, nơi cư trú, nơi công cộng; ứng xử với môi trường tự nhiên; ứng xử, giao tiếp qua điện thoại; sử dụng, thiết bị công tác; ứng xử trên không gian mạng.
Ứng xử với Nhân dân
Dự thảo thông tư của Bộ Công an yêu cầu cán bộ, chiến sĩ phải kính trọng, lễ phép với Nhân dân; tận tình, trách nhiệm giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của Nhân dân.
Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị. Ưu tiên giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai.
"Không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân. Không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc trừ trường hợp phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ công tác"- dự thảo nêu rõ.
Cán bộ, chiến sĩ công an phải thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật và tự nguyện, tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Đảm bảo tính minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân gắn liền với việc cải cách thủ tục hành chính.
Với người vi phạm pháp luật phải thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, quy định của ngành công an trong đấu tranh, xử lý đối với người phạm tội và người có hành vi vi phạm pháp luật. Kiên quyết, mưu trí, dũng cảm, khôn khéo trong thực hiện nhiệm vụ; xử lý vi phạm phải khách quan, trung thực.
Khi tiếp xúc với người vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực, không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối với người vi phạm.
"Không lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao làm sai lệch hồ sơ vụ việc, vụ án dẫn đến oan, sai bỏ lọt tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật hoặc nhằm mục đích khác"- Bộ Công an nêu rõ.
Về ứng xử trong gia đình, cán bộ, chiến sĩ công an không để người thân trong gia đình tham dự vào công việc của cơ quan, đơn vị hoặc lợi dụng ảnh hưởng vị trí, chức vụ công tác để làm trái quy định của pháp luật và quy định của ngành.
Ứng xử trên không gian mạng
Đáng chú ý, Bộ Công an quy định rất chi tiết về ứng xử của Công an nhân dân trên không gian mạng. Trong đó yêu cầu không cung cấp hoặc công khai thông tin cá nhân có liên quan đến đơn vị, lực lượng, nhiệm vụ công tác khi đăng ký tài khoản Internet, mạng xã hội.
Tài khoản phải có mật khẩu đảm bảo yêu cầu cơ bản về bảo mật, không chia sẻ thông tin đăng nhập tài khoản cho người khác, không sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản.
Cán bộ, chiến sĩ công an phải tìm hiểu kỹ về người định kết bạn, hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn định tham gia. Quản lý, kiểm soát danh sách bạn bè, không kết bạn hoặc hủy kết bạn (nếu đã kết bạn) với những đối tượng thường xuyên đăng tải, chia sẻ quan điểm sai trái, thù địch.
Không lập, tham gia hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn để đăng tải, bình luận, chia sẻ những tài liệu, thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội có nội dung trái với quy định của pháp luật, quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an.
Bộ Công an khuyến khích kết bạn với những người thường xuyên đăng tải thông tin tích cực; lập, tham gia hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn để lan tỏa thông tin tích cực, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền chỉ đạo viết bài và tổ chức chiến dịch phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin phản ánh không đúng về đơn vị, địa phương mình để định hướng tư tưởng, dư luận xã hội.
Cán bộ, chiến sĩ chỉ được trích dẫn một số nội dung thật cần thiết; không đưa đường dẫn, toàn bộ nội dung bài viết có thông tin xấu độc. "Phải gạch chéo hình ảnh nội dung được trích dẫn về bài viết có thông tin xấu độc, đối tượng tuyên truyền thông tin xấu độc"- dự thảo thông tư cho hay.