Công an TP Hà Nội căng mình giúp dân
Trong những ngày qua, người dân đều bắt gặp hình ảnh CBCS Công an Thủ đô dầm mình trong mưa lũ nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của dân sau khi cơn bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào đất liền.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công TP Hà Nội về công tác ứng phó với cơn bão số 3, 100% CBCS tại các đơn vị đã được huy động trực chiến, ứng trực, tập trung trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng phó với mưa bão; đảm bảo chế độ thông tin thông suốt, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Chủ động, sẵn sàng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo đúng phương châm “Bốn tại chỗ”.
Bão số 3 đã gây ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng ở Bắc Bộ dẫn đến mức nước tại sông Hồng, sông Nhuệ dâng cao, đạt báo động mức II. Để chủ động đối phó tình hình mưa bão, lũ lụt đang có những diễn biến phức tạp, Công an huyện Phú Xuyên đã huy động 100% lực lượng, phương tiện ứng trực phòng, chống thiên tai 24/24; tích cực, khẩn trương hỗ trợ người dân sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Huyện Phú Xuyên có trên 30km sông chảy qua đó là sông Hồng, sông Nhuệ, sông Duy Tiên, sông Lương, sông Vân Đình, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi và nông nghiệp, đặc biệt là khu vực ven sông Hồng thuộc các xã Hồng Thái, Khai Thái, Quang Lãng,.. người dân xây dựng nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm như: lợn, gà, vịt…
Thực hiện Công điện số 13/CĐ-UBND, ngày 9/9/2024 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông; các văn bản chỉ đạo của Công an TP Hà Nội, UBND huyện về việc ứng phó và khắc phục các hậu quả sau cơn bão số 3 và tập trung ứng phó với tình hình mực nước tại các sông, hồ dâng cao kèm theo mưa lớn. Công an huyện Phú Xuyên đã phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu UBND huyện tổ chức cấm các phương tiện lưu thông qua các cầu yếu và các tuyến đê sông Hồng, sông Nhuệ, đồng thời huy động hơn 100 CBCS lực lượng CSGT, Công an cấp xã… phối hợp với lực lượng An ninh cơ sở, Ban Chỉ huy Quân sự, Dân quân tự vệ, Thanh tra giao thông vận tải tiến hành rà soát các tuyến đê điều và công trình thủy lợi, cầu cống có dấu hiệu suy yếu, sún lụt; các tuyến đường bị ngập úng, không đảm bảo an toàn. Đồng thời, tổ chức rà soát, tuyên truyền, vận động, sơ tán người dân và hỗ trợ di chuyển tài sản của các hộ dân sinh sống ven sông Hồng, sông Nhuệ, những địa bàn vùng trũng, vùng có nguy cơ xảy ra ngập, lụt, sạt lở đến nơi an toàn.
Trong những ngày qua, lãnh đạo Công an huyện Phú Xuyên đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng Công an xã Khai Thái, Hồng Thái, Quang Lãng… phối hợp cùng chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, triển khai 10 điểm chốt cảnh báo phương tiện hạn chế di chuyển qua các tuyến đường; tuyên truyền, vận động 25 hộ gia đình (70 người già và trẻ nhỏ) sinh sống ở các khu vực ven sông Hồng có nguy cơ xảy ra ngập, lụt, sạt lở đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, Huy động hơn 100 CBCS thuộc các Đội nghiệp vụ phối hợp lực lượng Công an xã, các chủ trang trại ven sông, người dân đã trực tiếp lội nước, vượt sông di dời hàng vạn gia súc, gia cầm của người dân ra khỏi nơi ngập úng, đến nơi an toàn.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lớn kéo dài, mực nước sông Nhuệ dâng cao, có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân quanh bờ sông. Trước tình hình đó, Công an quận Nam Từ Liêm đã chủ động phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, tổ chức di dời giúp dân tránh lũ.
Theo đó, tại phường Trung Văn, khu vực ven sông Nhuệ có 250 hộ với khoảng 700 khẩu ở khu vực bị ảnh hưởng ngập úng (trong đó: có 11 người cao tuổi và 17 trẻ em). Tại thời điểm kiểm tra có 15 hộ (khoảng 40 nhân khẩu) bị nước ngập vào nhà. Tổ công tác đã yêu cầu di dời đến nơi ở khác, đồng thời cắt điện đối với các nhà bị ngập úng do ảnh hưởng của bão.
Tại phường Đại Mỗ, tính đến 10h ngày 11/9, tổng số di dời là 42 hộ dân (118 người) trong đó: 5 hộ (12 người) tại tổ dân phố Giao Quang về ở tại nhà người thân; 30 hộ (90 người) khu Duội, khu Trại, tổ dân phố Giao Quang di dời vào ở trong khu dân cư của Tổ dân phố, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, 7 hộ (15 người) tại tổ dân phố số 1, Ngọc Trục di dời về ở tại nhà người thân cùng tổ dân phố, 1 người già không có thân nhân về ở tại Nhà văn hóa tổ dân phố số 2, Ngọc Trục, nhân dân và tổ dân phố đảm bảo điều kiện sinh hoạt đầy đủ.
Trong những ngày qua, cơn bão số 3 đã gây hậu quả nghiêm trọng cho nhiều địa phương. Sau bão, lượng mưa lớn làm lưu lượng nước các sông dâng cao, cộng với việc các hồ thủy điện phải xả lũ để đảm bảo an toàn nên nhiều địa phương rơi vào tình trạng ngập lụt. Tại huyện Đông Anh, nước sông Cà Lồ đang ở trên báo động 3; sông Hồng, sông Đuống đang ở mức trên báo động 2.
Huyện Đông Anh có 11 xã ven sông bị ảnh hưởng do lũ. Để đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản, vật nuôi, Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể hướng dẫn và hỗ trợ từng nhà dân di dời tài sản, vật nuôi và sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm. Người dân được bố trí lưu trú tại Nhà văn hóa thôn, trường học... là những địa điểm cao ráo, sạch sẽ và an toàn; được cung cấp đồ ăn và hỗ trợ nơi chứa tài sản vật nuôi an toàn khi lũ lụt.
Tại huyện Thanh Trì, trước diễn biến lũ trên các sông, hồ thủy lợi ngày càng dâng cao, lại tiếp tục có mưa lớn đổ xuống, Công an huyện Thanh Trì đã kịp thời huy động CBCS, phương tiện phối hợp với các lực lượng tổ chức cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ di chuyển người, tài sản của người dân bị ngập lụt các xã Duyên Hà, Vạn Phúc, Yên Mỹ đến nơi tránh trú an toàn.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cong-an-tp-ha-noi-cang-minh-giup-dan-i743727/