Công an TP Hồ Chí Minh ngăn chặn hiệu quả tội phạm người nước ngoài
Tội phạm người nước ngoài xuất hiện nhiều ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng từ những năm đầu của thế kỷ XXI. Với những thủ đoạn mới lạ, tinh vi và xảo quyệt, tội phạm người nước ngoài đã gây ra nhiều thiệt hại kể cả vật chất lẫn tinh thần cho người dân lương thiện. Tuy nhiên với nỗ lực và quyết tâm cao, Công an TP Hồ Chí Minh từng bước ngăn chặn có hiệu quả tội phạm người nước ngoài, dập tắt các băng nhóm tội phạm từ khi mới manh nha….
Cách đây một thập kỷ trở về trước, có thể nói là thời điểm tội phạm người nước ngoài hoành hành ở TP Hồ Chí Minh. Nổi lên tình trạng tội phạm người gốc Phi châu với “đặc sản” gồm nhiều chiêu lừa như tẩy rửa đô la, buôn ma túy và lừa tình, tiền qua mạng. Nạn nhân mà tội phạm gốc Phi nhắm đến là những người phụ nữ Việt nhẹ dạ, cả tin hoặc có mộng lấy chồng ngoại quốc một cách mãnh liệt. Để rồi, khi sực tỉnh thì “tiền mất tật mang”, phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan Công an.
Các băng nhóm tội phạm với những tên gọi như: Wiliam Philip, John Brown, Fred Smith, Tu Fine… chia làm hai “trường phái” là “ảo” (chỉ xuất hiện trên mạng và qua điện thoại) và trực tiếp lộ mặt gây án.
Kẻ lừa lên mạng săn “con mồi” là các phụ nữ để làm quen, tỏ tình. Sau một thời gian “mặn nồng”, có hai trường hợp xảy ra: Nếu là tội phạm buôn ma túy, chúng sẽ xuất hiện và cưới luôn “con mồi” làm vợ. Sau đó chúng sử dụng chính vợ của mình để buôn ma túy và khi bị phát giác thì chúng đã kịp thời cao chạy xa bay.
Trong trường hợp không lộ diện, kẻ lừa đảo sẽ gửi e-mail và điện thoại thông báo cho “bạn tình” biết mình vừa gửi bưu phẩm (thông qua một công ty giao nhận của nước ngoài) trong có có quà và một số tiền từ vài chục đến vài trăm ngàn USD để tặng “người yêu”. Sau đó, đồng bọn của kẻ lừa đảo gọi điện thoại đến nạn nhân mạo nhận là người của công ty giao nhận bưu phẩm và thông báo cho nạn nhân biết gói hàng đã đến TP Hồ Chí Minh nhưng đã bị lực lượng Hải quan tạm giữ vì phát hiện bên trong có ngoại tệ không khai báo, muốn nhận được bưu phẩm này thì nạn nhân phải chuyển tiền qua tài khoản của người đại diện công ty giao hàng ở Việt Nam để làm chi phí "lót tay” cho Hải quan.
Không dùng thủ đoạn này thì chúng lừa nạn nhân bằng cách nói bưu phẩm là đô la bị nhuộm đen để qua mặt cơ quan chức năng, muốn tẩy rửa thì phải mua thuốc với giá vài chục, vài trăm triệu đồng. Tin lời kẻ lừa đảo, các nạn nhân gửi tiền xong thì bặt âm vô tín…
Cùng với các băng nhóm tội phạm gốc Phi, thời điểm này trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn xảy ra khá nhiều vụ dùng đinh đâm thủng lốp ôtô để trộm tiền, gài bẫy con mồi đánh bạc để chiếm đoạt tiền… Sau khi khám phá mới phát hiện đó là các băng nhóm tội phạm người Indonesia và Philippines. Trước đó các băng nhóm này gây án ở Thái Lan, Lào nhưng do bị động và người dân cảnh giác cao nên chúng chuyển sang Việt Nam…
Nguyên nhân tội phạm người nước ngoài hoành hành vào thời điểm này được xác định là do công tác quản lý ở cơ sở còn nhiều lỏng lẻo vì hầu hết các đối tượng người nước ngoài gây án đều không khai báo tạm trú. Thời đó, “Tây lang thang” hầu như có mặt ở khắp nơi, sống vật vã ở các công viên, bến xe nhưng do Cảnh sát khu vực còn hạn chế về ngoại ngữ nên ngại tiếp xúc, xử lý. Từ đó hình thành nhiều khu vực nhà trọ cho người nước ngoài thuê ở không khai báo tạm trú nhưng CSKV cũng không bám sát theo dõi, đề xuất xử lý các vi phạm về cư trú do rào cản về ngoại ngữ.
Từ thực tiễn đó, Công an TP Hồ Chí Minh đã tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, ngoại ngữ cho CSKV nhất là ở các địa bàn tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống như quận 1, quận 7… Đồng thời nhân rộng các điển hình tiên tiến là CSKV giỏi ở phường Tân Phong (quận 7) và phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.
Ở phường Tân Phong có những khu phố người nước ngoài chiếm đến hơn 80% nhưng do CSKV quản lý địa bàn ở đây giỏi ngoại ngữ, thông thạo máy tính và có phương pháp quản lý phù hợp nên nắm địa bàn khá chắc. Để đáp ứng nhu cầu công việc, các CSKV đã áp dụng ứng dụng “quản lý cư trú” thao tác trên phần mềm để cập nhật tất cả người nước ngoài cư trú trên địa bàn vào máy tính, nhằm mục đích thống kê, tra cứu nhanh; tổ chức, sắp xếp hồ sơ quản lý người nước ngoài được khai báo tạm trú tại Công an phường chuyển về theo từng block chung cư, từng căn hộ, rồi sắp xếp vào kệ hồ sơ sao cho dễ dàng cập nhật, điều chỉnh…
Đồng thời còn tổ chức tuyên truyền (bảng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn, Trung Quốc) các quy định về quản lý cư trú thông qua các công ty dịch vụ môi giới cho thuê nhà và những nơi công cộng. Niêm yết số điện thoại của Công an phường, CSKV và địa chỉ email của CSKV để cư dân chủ động thông báo việc lưu trú và mọi việc cần tư vấn, giải quyết khi có nhu cầu…
Về phía Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, để góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như phòng ngừa tội phạm người nước ngoài, nơi đây đã triển khai mô hình đăng ký tạm trú cho người nước ngoài trực tuyến qua mạng dành cho các khách sạn. Từ đó, công tác quản lý người nước ngoài dần đi vào nền nếp. Ai vi phạm về cư trú đã được xử lý triệt để, không ít “Tây lang thang” đã bị trục xuất về nước…
Nâng cao hơn, cách đây 6 năm, Công an thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố chủ trì ký kết quy chế phối hợp giữa 9 tỉnh giáp ranh khu vực phía Nam và 3 tỉnh, thành phía Bắc để trao đổi thông tin về đối tượng phạm tội. Qua đó, đã tạo được sự gắn kết giữa lực lượng Công an và các ban, ngành chức năng khác của các tỉnh, thành. Từ đó, khi có thông tin cần trao đổi, hỗ trợ các đơn vị đã sẵn sàng phối hợp một cách nhiệt tình nhất.
Và đây chính là “bức tường lửa” ngăn chặn sự tẩu thoát của tội phạm người nước ngoài gây án ở Việt Nam. Bởi lẽ, trong thực tế, sau khi gây án ở Việt Nam, các đối tượng người nước ngoài luôn tìm mọi cách trốn khỏi Việt Nam mà chủ yếu là sang Campuchia hoặc Trung Quốc.
Có được sự quản lý chặt chẽ đó nên vài năm trở lại đây, nhiều băng nhóm tội phạm ma túy, lừa đảo công nghệ cao với quy mô lớn do nhóm người Trung Quốc điều hành đều bị triệt phá thành công chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động. Không chỉ có vậy, một số vụ trọng án liên quan đến người nước ngoài cũng được khám phá nhanh. Như vụ Lee Hyeong Won (SN 1990, quốc tịch Hàn Quốc) sát hại gia đình người Hàn Quốc ở quận 7 vào cuối năm 2019; vụ Jeong In Cheol (SN 1985; quốc tịch Hàn Quốc) sát hại phân xác người đồng hương vào tháng 11-2020… đều được khám phá chỉ sau vài ngày xảy ra vụ án.
Mới đây nhất, nhóm tội phạm dàn cảnh cướp giật tài sản người Pakistan gồm Zahid Abbas Ali (SN 1983) và IbrahimAli (SN 1971) cũng nhanh chóng bị tra tay vào còng...