Công an xã Sơn Tinh góp phần tích cực xóa bỏ tệ nghi kỵ 'cầm đồ độc'

Tồn tại âm ỉ trong đời sống tinh thần của một bộ phận người dân ở xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), tệ nghi 'cầm đồ độc' đã để lại những hệ lụy hết sức nguy hiểm, chia rẽ sự đoàn kết cộng đồng, gây mất an ninh, trật tự (ANTT). Và cuộc đấu tranh nhằm từng bước xóa bỏ tệ nạn này đã và đang được Công an xã Sơn Tinh tích cực vào cuộc một cách bền bỉ, quyết liệt…

Nằm cách trung tâm huyện khoảng 30km về phía Nam, Sơn Tinh là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Tây. Người dân nơi đây, chủ yếu là dân tộc Ca Dong sống rải rác, cheo leo trên các triền núi, ít có điều kiện tiếp xúc với cuộc sống xã hội hằng ngày nên câu chuyện về nghi kỵ "cầm đồ độc" được bà con rỉ tai nhau qua nhiều thế hệ một cách huyền bí.

Theo đó, có nhiều cách làm "đồ độc". Nào là lấy râu con cọp chết nhét vào măng tre, sinh ra sâu, cho sâu ăn lá rau răm, rồi lấy phân của nó làm "đồ độc"?!? Nào là lấy đất ở mộ người chết trộn với phân gà, xương động vật, mảnh chén vỡ, lông trâu "luyện" thành "đồ độc"?!? Có nơi lại lấy cây đại tướng quân trộn với huyết gà rồi "phù phép" thành "đồ độc"… Bà con còn rỉ tai: Người có "đồ độc" mang nó "ém" vào nhà nào thì nhà đó sẽ có người hoặc gia súc chết?! Hoặc muốn giết hại ai chỉ việc vỗ vai, nguyền rủa hoặc bôi "đồ độc" vào miệng chén, người dùng nó sẽ chết…

Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Sơn Tinh thu hoạch lúa giúp dân.

Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Sơn Tinh thu hoạch lúa giúp dân.

Rất nhiều câu chuyện như thế đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Và hậu quả của nó rất nguy hiểm cho đời sống xã hội. Người nghi có "đồ độc" bị cộng đồng xa lánh, xua đuổi phải đi nơi khác ở hoặc trốn vào rừng sâu sinh sống, thậm chí có người bị đánh đập, sát hại một cách rùng rợn. Có điều, khi hỏi ai là người có khả năng "phù phép" những vật dụng kia thành "đồ độc" thì người dân không chỉ ra được. Bà con chỉ đáp gọn lỏn: nghe nói lại như thế rồi làm theo?!

Tại địa bàn xã Sơn Tinh vài năm trước đây đã xảy ra một số vụ liên quan đến "đồ độc". Do mâu thuẫn cá nhân, ông Đinh Văn Long (khu dân cư Nước Đi, thôn Ra Tân) lấy một nắm đất ở mộ người chết bỏ phía sau nhà ông Hoành (trú cùng thôn). Bị ông Hoành phát hiện, hai người đã xông vào ẩu đả, rất may được bà con trong làng kịp thời can ngăn. Một vụ khác: Ông Đinh Văn Nhít (ở thôn Nước Kỉa) nghi ông Đinh Văn Vò (trú cùng thôn) dùng "đồ độc" hại gia đình mình nên đã kiếm vật dụng làm "đồ độc" để "cúng ém" hại lại nhà ông Vò.

Cũng ở thôn Nước Kỉa, ông Đinh Văn Phước thường xuyên uống rượu. Những lúc say xỉn, ông Phước lảm nhảm nói với bạn nhậu rằng mình biết làm "đồ độc", "cúng ém" chết người… Từ đó, bà con xa lánh, xua đuổi khiến cuộc sống của ông vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Không có việc làm, không có tiền uống rượu, ông Phước đã tìm đến lá ngón để kết liễu cuộc đời một cách thê thảm.

Qua nắm tình hình, Công an xã Sơn Tinh đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, tham mưu Đảng ủy xã tổ chức họp dân, phân tích, chứng minh "đồ độc" là do mê tín, không thể làm chết người như quan niệm xưa nay trong dân. Thiếu tá Đinh Văn Mân, Trưởng Công an xã Sơn Tinh cho biết, trên cơ sở nắm tình hình, Công an xã đã xây dựng kế hoạch phân công CBCS bám cơ sở, kiên trì vận động, thuyết phục, giúp bà con thấy được hậu quả của tệ nghi kỵ "cầm đồ độc" là hủ tục lạc hậu, nguy hiểm cần phải xóa bỏ. Đối với các vụ việc xảy ra, Công an xã đã tập trung xác minh làm rõ nguyên nhân, tổ chức họp dân để tuyên truyền vận động người dân hiểu, không để xảy ra hậu quả xấu.

Cùng với đó, Công an xã tham mưu cho lãnh đạo Công an huyện và Đảng ủy, UBND xã triển khai mô hình "Không nghi kỵ cầm đồ độc, cúng ém chết người" tại thôn Nước Kỉa và mô hình "Thôn Bà He bình yên". Huy động các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn xã cùng chung tay vào cuộc, chú trọng công tác hòa giải, tranh thủ người có uy tín cùng tham gia tuyên truyền, giải thích, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; đồng thời chủ động phát hiện, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Công an xã đã chủ động soạn thảo nội dung không nghi kỵ "đồ độc", "cúng ém" tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh của xã và phối hợp với Ban mặt trận các thôn tổ chức 15 đợt phát động với gần 650 lượt người tham dự. Nội dung phát động được chính đồng chí Trưởng Công an xã thực hiện bằng tiếng Ca Dong, ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi với đời sống hằng ngày của bà con, phù hợp với từng địa bàn cơ sở.

Bên cạnh đó, Công an xã còn tham mưu UBND xã chỉ đạo triển khai các giải pháp ưu tiên việc làm cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, được vay vốn để phát triển sản xuất…

Nhờ sự chủ động vào cuộc một cách đồng bộ cùng với những giải pháp phù hợp, tệ nghi kỵ "cầm đồ độc" trên địa bàn từng bước được kiểm soát, dần xóa bỏ. Ông Võ Tấn Tự, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tinh phấn khởi cho biết, hai năm qua (2022 và 2023) không có vụ việc nào liên quan đến hủ tục lạc hậu này trên địa bàn xã.

"Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt, đã kiên trì trụ bám, tranh thủ người có uy tín và Ban mặt trận thôn đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, giải thích giúp bà con xóa dần những suy nghĩ, nếp sống lạc hậu. Qua đó, người dân, nhất là lớp trẻ dần thấu hiểu, không tin theo các hủ tục lạc hậu, mê tín", ông Tự cho biết thêm.

Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tệ nghi kỵ "cầm đồ độc" ở xã vùng cao Sơn Tinh đã từng bước được xóa bỏ, người dân an tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống, chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới và thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tấn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cong-an-xa-son-tinh-gop-phan-tich-cuc-xoa-bo-te-nghi-ky-cam-do-doc-i716184/