Công bố 11 luật được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua
Chiều 16-12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố 11 luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua. Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì họp báo.
11 luật được công bố gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Bộ luật Lao động; Luật Thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật lực lượng dự bị động viên và Luật Chứng khoán.
Tại buổi họp báo, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày những nội dung cơ bản của 3 luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo:
1. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Luật gồm 17 điều, bổ sung 3 điều so với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với các nội dung cụ thể sau: 1. Quy định việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãn người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. 2. Quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.
3. Bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày. 4. Quy định cấp thị thực theo danh sách xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển hoặc quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức; thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu.
5. Quy định 4 trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực. 6. Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho lao động nước ngoài; ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho luật sư nước ngoài. 7. Sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng căn cứ mức góp vốn đầu tư hoặc ngành, nghề, địa bàn ưu đãi, khuyến khích đầu tư để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp.
8. Quy định việc cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu bằng thời hạn thị thực. Riêng thị thực du lịch có thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày để hanh chế tình trạng người nước ngoài lợi dụng dự thông thoáng của việc cấp thị thực du lịch vào Việt Nam hoạt động vi phạm pháp luật. 9. Giao chính phủ quy định việc người nước ngoài nhập cảnh vào khu vực được miễn thị thực theo quy định của Luật, việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Viêtn Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam, hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh thông qua Cổng kiểm soát tự động. Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.
2. Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Luật gồm 8 chương, 52 điều. Luật có những điểm mới sau đây: 1. Đối với công dân, có 8 điểm mới gồm: Quy định rõ quyền, nghĩa vụ công dân; không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu; người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận tiện; đối với hộ chiếu phổ thông, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần 2 trở đi được lựa chọn nơi thực hiện; công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu; hộ chiếu cấp riêng cho từng người; người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử; luật hóa việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy, nếu người dân có yêu cầu nhằm tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn hạn.
2. Về giấy tờ xuất nhập cảnh, có 3 điểm mới: Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử; hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm, hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi thời hạn không quá 5 năm, không gắn chíp điện tử; thay cho việc cấp giấy thông hành cho công dân Việt Nam ra nước ngoài ngắn hạn phải về nước vì nhiều lý do khác nhau như hiện nay bằng việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với công dân trong mọi trường hợp, hộ chiếu có thời hạn không quá 12 tháng. Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.
3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Luật gồm 2 điều trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 2 điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đó là khoản 2, khoản 6 Điều 3 và khoản 2 Điều 73. Điều 2 của luật quy định về hiệu lực thi hành. Việc sửa đổi, bổ sung khắc phục những vướng mắc, bất cập, không để khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật có hiệu lực từ 10-1-2020.