Công bố 7 Luật vừa được Quốc hội thông qua
Ngày 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 7 luật vừa được Quốc hội thông qua.
Các luật được công bố gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Luật quản lý thuế; Luật đầu tư công; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Thi hành án hình sự.
Từ 1/1/2020, cấm triệt để uống rượu, bia trước và trong khi lái xe
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia số được Quốc hội thông qua tại họp thứ 7 nhằm hoàn thiện thể chế về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế (đặc biệt là tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình..) thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp, hạn chế tình sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại, bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, phòng, chống các tác động đến kinh tế, trật tự và an toàn xã hội.
Luật gồm 7 chương, 36 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020. Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm như: Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia, nghiêm cấm cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, người làm việc trong LLVT, học sinh, sinh viên uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc… Luật cũng nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Luật quy định 3 biện pháp chính trong phòng, chống tác hại rượu bia. Trong đó, một trong những biện pháp được áp dụng là giảm mức tiêu thụ rượu bia: Quản lý việc khuyến mại rượu, bia, bia có độ cồn dưới 15 độ, quản lý việc quảng cáo rượu bia có độ cồn dưới 15 độ, quản lý việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.
Đặc biệt, Luật còn quy định 7 địa điểm không được uống rượu bia. Đó là những địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động đến cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên... Cùng với đó, bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu bia dưới 15 độ nhưng có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm. Luật cũng quy định các biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.
Luật còn nêu rõ, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu bia trước, trong khi tham gia giao thông và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh, vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải trong việc phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu bia…
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về các biện pháp của Bộ Y tế để sớm đưa Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống cũng như việc điều chỉnh các quy định tại Luật Giao thông đường bộ cho phù hợp, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật vào thời điểm này là rất phù hợp, kịp thời, tạo điều kiện cho Bộ Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy vậy, để luật sớm đi vào cuộc sống là điều không đơn giản, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan.
Ngoài biện pháp tăng cường truyền thông nhằm thay đổi hành vi của người dân thì việc áp dụng chế tài đối với cá nhân vi phạm là rất quan trọng. 13 hành vi bị nghiêm cấm sẽ có chế tài tương ứng, đặc biệt là chế tài bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ dưới 18 tuổi, phụ nữ, người già. Để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, sắp tới cơ quan chức năng sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ.
Luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, SGK
Về nội dung Luật Giáo dục năm 2019, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Luật gồm 9 chương, 115 điều thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Luật Giáo dục năm 2019 đã làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm…
Luật Đầu tư công năm 2019 được công bố, đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định của pháp luật về đầu tư công, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công như phân cấp điều chỉnh dự án, phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư gắn với trách nhiệm của từng cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư.
Luật cũng góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công, gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát lãng phí.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 gồm 17 chương, 152 điều. Luật sửa đổi phạm vi điều chỉnh, bảo đảm bao quát việc quản lý các loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, sửa đổi các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Luật cũng quy định các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế, chống xói mòn cơ sở tính thuế và hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng, chống chuyển giá.
Luật Kiến trúc gồm 5 Chương, 41 Điều đã bao quát hai nội dung chính sách cơ bản là quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Nội dung Quản lý kiến trúc bao gồm các điều về yêu cầu về kiến trúc đối với khu vực đô thị; nông thôn; quản lý thiết kế kiến trúc; quản lý đối với các công trình kiến trúc có giá trị; quy chế quản lý kiến trúc, Hội đồng tư vấn về kiến trúc; thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; quản lý lưu trữ tài liệu. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Cũng trong sáng 4/7, Luật Thi hành án hình sự 2019 cũng đã được công bố. Luật có 16 chương, 207 điều. Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện các chế độ của phạm nhân theo hướng cụ thể, nhân đạo, đảm bảo tốt nhất quyền con người trong quá trình chấp hành án, bổ sung quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù.
Giải trình, làm rõ hơn về một số vấn đề liên quan đến công tác cải tạo phạm nhân, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính (Bộ Công an) cho rằng, việc tổ chức lao động cho phạm nhân không chỉ ở nơi giam giữ mà còn ở những nơi có sự quản lý của trại giam phải đảm bảo các yêu cầu chặt chẽ về an ninh trật tự.
Với những kết quả đã đạt được trong quá trình tổ chức thí điểm, Bộ Công an đề xuất cần có quy định để đảm bảo yêu cầu cải tạo lao động đối với phạm nhân đồng thời cho họ có điều kiện tiếp cận với việc học, đào tạo nghề nhằm đảm bảo tốt nhất quyền con người, quyền công dân. Khoản 1 Điều 33 Luật Thi hành án hình sự quy định chặt chẽ về lao động của phạm nhân phải đảm bảo các yêu cầu, Khoản 2 nói rõ về kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân, những phạm nhân nào đủ điều kiện lao động, dự kiến chi phí cho lao động... Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công an xây dựng Nghị định cụ thể hóa nội dung này.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cong-bo-7-luat-vua-duoc-quoc-hoi-thong-qua-347106.html