Công bố những cuộc 'ngã giá' chớp nhoáng trong vụ nâng điểm thi ở Sơn La
Khi luật sư hỏi về suy nghĩ khi nhận số tiền 1 tỷ 40 triệu đồng, cựu chuyên viên Phòng Khảo thí nói 'rất băn khoăn, nhưng bị cáo Điện bảo người ta có lòng chị cứ nhận lấy…'.
Chiều 23/5, phiên xét xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La năm 2018 bước sang phần luật sư bào chữa hỏi bị cáo. Trả lời câu hỏi của luật sư Đào Văn Hải, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La) khai trước hội đồng xét xử không được giữ chức vụ gì trong tổ xử lý bài thi trắc nghiệm. Chỉ được phân công nhiệm vụ nhận và quét bài thi rồi đưa vào máy tính. Bị cáo Nga khẳng định nếu một mình bị cáo sẽ không thể thực hiện được hành vi gian lận, nâng điểm thi.
Về nội dung bị cáo Nga nhận hành vi nhận hối lộ, đáng chú ý có số tiền của bị cáo Trần Văn Điện gửi cảm ơn khi có kết quả nâng điểm cho 4 thí sinh.
Khi được luật sư bào chữa hỏi về suy nghĩ khi nhận số tiền 1 tỷ 40 triệu đồng của bị cáo Điện. Bị cáo Nga khai: "Bị cáo rất băn khoăn, nhưng bị cáo Điện bảo người ta có lòng chị cứ nhận lấy. Bị cáo nhận số tiền, đồng tiền bất chính nên bị cáo trả lại. Bị cáo suy nghĩ, nhận thức được việc cảm ơn, biếu xén đó là hành vi vi phạm và đã giao nộp toàn bộ số tiền đó cho cơ quan điều tra".
Tiếp đến, bị cáo Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Sơn La) khai: "Bị cáo Hoàng Thị Thành đưa cho bị cáo 400 triệu đồng để nâng điểm cho con bị cáo Thành. Do bị cáo Thành đề xuất, hứa hẹn qua điện thoại, nói giúp được sẽ cảm ơn".
Phần luật sư Bùi Việt Anh bào chữa cho bị cáo Cầm Thị Bun Sọn đặt câu hỏi: "Ai là người chủ động đặt vấn đề đưa số tiền 400 triệu đồng cho bị cáo. Khi trao đổi với bị cáo Thành có trao đổi số điểm cần nâng, tổng số điểm cần đạt bao nhiêu"?
"Vì cả nể bạn, con bị cáo Thành kỳ thi trước đó đã thi trượt nên bị cáo mong muốn giúp. Bị cáo không đòi hỏi gì. Không thống nhất nâng bao nhiêu mà chỉ bảo nâng để giúp con bị cáo Thành đỗ vào trường công an. Số tiền 440 triệu đồng bị cáo tự nguyện nộp cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả. Việc nộp này bị cáo không bị tác động của bất cứ cơ quan nào. Bị cáo nộp số tiền trên trước khi bị cáo bị khởi tố bị can", bị cáo Sọn nói.
Luật sư Bùi Việt Anh tiếp tục hỏi bị cáo Hoàng Thị Thành về việc bị cáo có đặt vấn đề nhờ bị cáo Sọn nâng điểm cho con mình, bị cáo có trao đổi, đề nghị gì với bị cáo Sọn về số điểm cần nâng, tổng điểm cần đạt được bao nhiêu hay không?
Bị cáo Thành khai bị cáo có trao đổi với bị cáo Sọn. Bị cáo nghĩ chị Sọn là bạn học nên không nói nâng bao nhiêu điểm cho từng môn, chỉ áng chừng bao nhiêu điểm để con đỗ được vào trường công an. Bị cáo không nói số điểm cần đạt bao nhiêu.
Luật sư Bùi Việt Anh cũng đặt câu hỏi: Bị cáo căn cứ vào đâu để đưa số tiền 400 triệu đồng? Bị cáo Thành trả lời: "Bản thân tôi cũng suy nghĩ về việc đó. Tôi suy nghĩ để giúp được con thì không biết cảm ơn bao nhiêu là đủ. Tôi sắp xếp tầm đấy để cảm ơn chị Sọn. Tôi không có căn cứ gì để đưa ra con số trên. Sau đó chị Sọn yêu cầu đưa thêm để sửa môn Văn 50 triệu đồng nữa. Nhưng tôi chỉ thu xếp được 40 triệu đồng".
Cũng trong chiều 23/5, đại diện VKS cùng luật sư thẩm vấn bị cáo Nguyễn Minh Khoa (cựu thượng tá, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
Theo cáo trạng, ông Khoa chuyển thông tin hai thí sinh để nhờ Lò Văn Huynh (cựu trưởng phòng khảo thí) nâng điểm. Hai bên thỏa thuận mỗi trường hợp sẽ có giá 700 triệu đồng, ông Khoa đưa trước cho Huynh 1 tỉ đồng.
Về sau, ông Khoa còn nhờ thêm một thí sinh khác và hứa sẽ "cảm ơn" Huynh như hai trường hợp trước. Quá trình điều tra, Huynh khai nhận như trên, còn ông Khoa một mực phủ nhận. Tuy nhiên, sau khi bị khởi tố bổ sung về tội nhận hối lộ, Huynh phản cung, cho rằng không hề có chuyện thỏa thuận tiền bạc.
Tại tòa hôm nay, ông Khoa cho biết không được giao bất cứ nhiệm vụ gì trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Nhưng vì nể nang bạn bè, ông nhận lời xem giúp điểm cho bốn thí sinh.
Trong số trên, cựu thượng tá công an "gửi gắm" hai người cho Lò Văn Huynh. Khi nhờ, hai bên không có thỏa thuận về tiền bạc hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác.
Cựu phó phòng PA03 còn cho rằng bản thân cũng là bậc cha mẹ nên hiểu tâm lý của những phụ huynh có con em đi thi đều sốt sắng muốm biết kết quả sớm, việc xem điểm không ảnh hưởng hay thay đổi gì đến kết quả thi.
Trả lời câu hỏi xem điểm trước có phải hành vi làm lộ tài liệu của nhà nước không? Ông Khoa nói khi làm việc với CQĐT thì nhận thức được việc này là vi phạm quy chế, có thể xâm phạm đến tài liệu mật của ngành giáo dục…
Được yêu cầu lên bục khai báo để làm rõ những lời khai của ông Khoa, Lò Văn Huynh thừa nhận có nhận thông tin hai thí sinh từ cựu thượng tá công an, nhưng hai bên không thỏa thuận gì về chuyện tiền bạc.
Theo lời Huynh, khi nhờ, ông Khoa chỉ nói "giúp đỡ" chứ không nói rõ là "xem điểm" hay "nâng điểm". Dù vậy, bị cáo hiểu rằng giúp đỡ ở đây nghĩa là nâng điểm.
Huynh cũng bác bỏ tình tiết ông Khoa gọi cho vợ mình để xin lại tiền đã đưa. "Bị cáo nhận không có sự việc này, vợ bị cáo không nghe điện thoại", cựu trưởng phòng khảo thí khai.
Trước đó, trong phần thủ tục, Nguyễn Minh Khoa có đề nghị HĐXX triệu tập vợ của Lò Văn Huynh đến tòa nhằm làm rõ một số điểm mâu thuẫn trong vụ án. Tuy nhiên, theo thông báo, vợ của Huynh đang phải điều trị bệnh nên không thể tới.
Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc.