Công bố quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chiều 23-6, tại TP Đà Lạt, trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao quyết định quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho đại diện các tỉnh Tây Nguyên.
Quyết định số 377/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4-5-2024.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số.
Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp; giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; rừng đầu nguồn được bảo vệ; an ninh nguồn nước được bảo đảm.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Phấn đấu đến năm 2030 vùng Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đáng chú ý, trong tương lai các mục tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường được đặc biệt quan tâm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 7 - 7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD.
Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng tại khu vực Tây Nguyên đạt trên 47%, tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư đô thị đạt 100%, nước hợp vệ sinh ở nông thôn đạt 98%, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định đạt 95%.
Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 30%, số giường bệnh/vạn dân đạt 32 giường; số bác sỹ/vạn dân đạt 11 bác sỹ. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%...
Cũng theo quy hoạch, khu vực Tây Nguyên sẽ phát triển các ngành có lợi thế như phát triển kinh tế hiệu quả, sinh thái, hữu cơ, quy mô gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện từng vùng.
Đối với ngành công nghiệp sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm. Ưu tiên phát triển sản xuất phân bón, phân vi sinh tập trung tại các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk…