Công bố Quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn quốc gia Xuân Liên
Chiều 25/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức lễ công bố quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn quốc gia Xuân Liên.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.
Tham dự có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), các tổ chức quốc tế cùng đông đảo Nhân dân trong vùng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường báo cáo tại buổi lễ.
Vườn quốc gia Xuân Liên được thành lập với tổng diện tích quản lý 25.601,98 ha thuộc địa bàn 5 xã, thị trấn thuộc huyện Thường Xuân, gồm: xã Bát Mọt, xã Yên Nhân, xã Lương Sơn, xã Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân. Trong đó, đất rừng đặc dụng chiếm 23.816,23 ha, được phân chia thành ba phân khu chính: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 10.869,18 ha, phân khu phục hồi sinh thái 10.393,38 ha và phân khu dịch vụ - hành chính 2.553,67 ha. Ngoài ra, khu vực này còn có 912,37 ha đất rừng sản xuất và 873,38 ha đất bán ngập nước thuộc Hồ Cửa Đạt.

Tiết mục văn nghệ do người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Liên biểu diễn.
Vườn quốc gia Xuân Liên được thành lập với nhiều chức năng quan trọng, trong đó tập trung vào việc bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen sinh vật. Đặc biệt, khu vực này đóng vai trò then chốt trong việc duy trì và đảm bảo ổn định nguồn nước cho Hồ Cửa Đạt - một công trình thủy lợi quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Vườn quốc gia Xuân Liên còn có nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân vùng đệm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Với việc UBND tỉnh Quyết định nâng hạng trở thành Vườn quốc gia, Vườn quốc gia Xuân Liên là Vườn quốc gia thứ 35 của cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang chúc mừng cấp ủy, chính quyền, quân và dân huyện Thường Xuân, nhất là Nhân dân các xã Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân đã hy sinh lợi ích riêng, dành quỹ đất phục vụ lợi ích chung để thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên từ năm 2000 và nay được ghi nhận, công nhận nâng hạng thành Vườn quốc gia Xuân Liên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhấn mạnh, việc quyết định nâng hạng lên Vườn quốc gia Xuân Liên, thành lập Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên là cơ sở pháp lý quan trọng, đánh dấu sự khác biệt cao nhất trong hệ thống phân hạng rừng đặc dụng so với các hạng còn lại. Qua đó, Vườn quốc gia Xuân Liên sẽ có nhiều điều kiện hơn để thu hút đầu tư vào nghiên cứu khoa học, phát triển các giá trị du lịch sinh thái, cảnh quan giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2050. Để phát huy hiệu quả Vườn quốc gia Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường, huyện Thường Xuân (sau này là cấp ủy, chính quyền và Nhân dân của 5 xã), Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên tập trung quản lý, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên hiện có, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép, săn bắt động vật rừng, xâm hại tài nguyên rừng đặc dụng.
Các đơn vị và địa phương liên quan phải làm tốt việc rà soát ranh giới, cắm mốc phân định rừng đặc dụng Vườn quốc gia Xuân Liên gắn với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thiết lập cụ thể các phân khu chức năng của Vườn quốc gia theo quy định và Quyết định số 895/QĐ-TTg, ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong bảo tồn, phát huy giá trị nguồn gen gắn với nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp có giá trị cao cung cấp cây giống trồng rừng gỗ lớn của tỉnh theo chuỗi giá trị. Đồng thời, quan tâm đời sống Nhân dân của 5 xã vùng đệm Vườn quốc gia, thông qua việc tìm kiếm, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất; lồng ghép, chia sẻ lợi ích của hoạt động du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với nhu cầu chính đáng trong phát triển sinh kế của người dân vùng đệm.
Sở Nông nghiệp và Môi trường và Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên sớm rà soát, kiện toàn, sắp xếp các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc để không gián đoạn và tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm được phê duyệt trong năm 2025 và và các năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đề nghị Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa tham gia thực hiện các Chương trình, dự án liên quan về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; đặc biệt là tiếp tục kéo dài việc thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) và giúp Vườn quốc gia Xuân Liên đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và nâng cao năng lực công tác bảo tồn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên.

Đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm trao Hộ chiếu Vườn quốc gia Việt Nam và tặng hoa chúc mừng Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã trao Quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn quốc gia Xuân Liên cho tập thể Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên. Đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm tặng 35 cuốn Hộ chiếu Vườn quốc gia Việt Nam và tặng hoa chúc mừng Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên.