Công bố Quyết định công nhận Làng nghề Kiểng cổ mai nu Thạnh Nhựt

Sáng 9-4, tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh xã Thạnh Nhựt, UBND huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang công nhận Làng nghề Kiểng cổ mai nu Thạnh Nhựt.

Đồng chí Phạm Văn Trọng trao Quyết định tại buổi lễ.

Đồng chí Phạm Văn Trọng trao Quyết định tại buổi lễ.

Tham dự Lễ có đồng chí Phạm Văn Trọng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi lễ.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi lễ.

Tại chương trình, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 15-1-2025 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc công nhận Làng nghề Kiểng cổ mai nu xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây.

Xã Thạnh Nhựt được xem là thủ phủ của làng mai nu với cây kiểng chủ lực là "mai chiếu thủy nu" tại huyện Gò Công Tây. Cây mai chiếu thủy nu vốn đã bén rễ ở vùng đất Thạnh Nhựt trên 100 năm nay. Nghề trồng mai nu gắn bó với người dân xã Thạnh Nhựt từ bao đời nay; bởi nó vừa truyền tải ý nghĩa nhân văn của "kiểng cổ”, vừa tạo thú vui tao nhã, giúp phát triển kinh tế, góp phần tạo nên nhãn hiệu đặc trưng cho vùng đất Gò Công. Đặc biệt, cây mai chiếu thủy nu có nhiều u nần giống mặt khỉ nên còn gọi là nu mặt khỉ, được nhiều nghệ nhân đánh giá cao và sẵn sàng trả giá cao đối với những gốc được trồng lâu năm, được tạo hình đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa triết lý.

Trên địa bàn xã Thạnh Nhựt hiện có khoảng 410 hộ trồng mai nu, với tổng diện tích 28,15 ha. Kiểng cổ, bonsai các cây thành phẩm là 12.454 cặp, cây bán thành phẩm 12.454 cặp, cây nguyên liệu 119.761 gốc, tập trung nhiều nhất là ấp Thạnh Lạc Đông và ấp Tân Thạnh.

Hiện có 1.210 hộ dân trong khu vực làm nghề; số hộ tham gia nghề kiểng cổ là 308 hộ, chiếm 25,45% so với tổng số hộ dân của khu vực làm nghề, có 323 lao động của khu vực làm nghề. Nhờ cây mai này, nhiều gia đình xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học thành tài. Có thể thấy, kiểng cổ mai nu ngày càng khẳng định vị trí, thương hiệu khi "khoác lên mình chiếc áo mới" khi được công nhận làng nghề.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Văn Trọng thay mặt lãnh đạo tỉnh, ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực và tâm huyết của người dân làng nghề, các nghệ nhân, các hộ sản xuất cùng sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương trong suốt thời gian qua.

Đồng chí tin tưởng rằng, với sự đồng hành của các cấp, các ngành và sự quyết tâm của người dân, Làng nghề Kiểng cổ mai nu Thạnh Nhựt sẽ ngày càng phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, làm giàu cho quê hương và tô đậm thêm bản sắc văn hóa Gò Công.

Đồng chí Phạm Văn Trọng cùng lãnh đạo huyện và các đại biểu tham quan triển lãm mai nu chiếu thủy.

Đồng chí Phạm Văn Trọng cùng lãnh đạo huyện và các đại biểu tham quan triển lãm mai nu chiếu thủy.

Để quản lý, duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề trong thời gian tới, đồng chí Phạm Văn Trọng đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Công thương, UBND huyện, UBND xã Thạnh Nhựt quan tâm nhiều hơn nữa việc tiếp tục tuyên truyền triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, trong đó cần tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất và hộ gia đình trong làng nghề tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề… Đồng thời, triển khai đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề tiếp cận các cơ chế, chính sách để phát triển như: Các dự án phát triển làng nghề, chính sách đào tạo nghề, tín dụng...

Cùng với đó là thường xuyên vận động, hướng dẫn các hộ gia đình và cơ sở sản xuất trong làng nghề tích cực tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tổ chức các lớp đào tạo, truyền dạy nghề, nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân trẻ, tạo điều kiện để Làng nghề Kiểng cổ mai nu phát triển bền vững.

KIM LAN - QUẾ ANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202504/cong-bo-quyet-dinh-cong-nhan-lang-nghe-kieng-co-mai-nu-thanh-nhut-1039204/