Hình thành Trung tâm tài chính quốc tế: Cần đột phá, không rập khuôn
Chiều 17/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: quochoi.vn
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam được xây dựng với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.
Qua đó, xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế, đặt tại TP HCM và Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và trung tâm tài chính lớn trên thế giới, qua đó nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.
Thúc đẩy tài chính bền vững, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tạo điều kiện liên kết các sàn giao dịch trong nước với quốc tế, thúc đẩy dòng vốn và công nghệ tài chính vào Việt Nam. Thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính và dịch vụ hỗ trợ vào làm việc tại Trung tâm tài chính quốc tế.
Bộ trưởng cũng cho biết, thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong Trung tâm tài chính quốc tế trên các lĩnh vực.
"Dự thảo Nghị quyết quy định một số thủ tục hành chính cần thiết để thực thi các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc vận hành, phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Nội dung các thủ tục hành chính được quy định theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển Trung tâm tài chính quốc tế," Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: quochoi.vn
Phân cấp cho 2 thành phố bảo đảm quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, Cơ quan soạn thảo đánh giá rõ với các nhóm chính sách như tại dự thảo Nghị quyết đã đủ tiền đề để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế hay chưa? Các quy định đã đủ sức nặng, sức hấp dẫn, bảo đảm tính cạnh tranh? Cần làm rõ đâu là những chính sách được coi là vượt trội, khác biệt riêng có của Việt Nam.
Về tính cụ thể, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, vận hành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là vấn đề mới, do vậy, Nghị quyết chỉ nên quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc và những nội dung đã rõ, mang tính ổn định cao.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời. Phân cấp cho 2 thành phố những nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn địa phương, bảo đảm quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo theo pháp luật," Ủy ban Kinh tế và Tài chính gợi ý.
Về việc thành lập một Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại 2 thành phố, Thường trực Ủy ban đề nghị, Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về căn cứ, cơ sở để đề xuất mô hình mới khác với Kết luận 47-KL/TW của Bộ Chính trị. Làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa 2 cơ sở đặt ở 2 nơi; cơ quan quản lý Nhà nước đối với 2 cơ sở này.
Đồng thời, căn cứ vào đặc điểm riêng biệt của mỗi thành phố, đề nghị tại Nghị quyết có thể quy định chính sách chung, nhưng tại các văn bản dưới luật cần có quy định tương ứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng biệt của mỗi cơ sở; có quy định về cơ chế phối hợp để mang lại hiệu quả tổng thể. Trong tổ chức thực hiện, cần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.
Ưu đãi về thuế cần đúng với thông lệ thế giới, tránh xung đột pháp luật
Quan tâm đến các chính sách ưu đãi về thuế của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tán thành quy định mang tính đột phá trong ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng… để thu hút các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi thuế được quy định tại dự thảo Nghị quyết là những ưu đãi tương đối sâu và cũng khá cao. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu không đi kèm theo những điều kiện ràng buộc cụ thể thì có thể tạo ra nguy cơ tạo ra bất bình đẳng giữa các nhóm doanh nghiệp.
"Khi một doanh nghiệp tại trung tâm tài chính được ưu đãi quá lớn mà không có cam kết đóng góp tương xứng cho nền kinh tế, trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh," Phó Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của thuế nhằm góp phần điều tiết thu nhập, thực hiện công bằng xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, với nhiều ưu đãi khác về chính sách nhập cư, sử dụng ngoại tệ, phát triển thị trường vốn được quy định tại dự thảo Nghị quyết thì chính sách ưu đãi về thuế gây băn khoăn về khoảng cách quá lớn về sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Do đó, Chính phủ cần rà soát thận trọng, mặc dù cần có cơ chế vượt trội song cần bảo đảm tuân thủ các thông lệ quốc tế và tránh xung đột pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: quochoi.vn
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, nhất là bổ sung các tài liệu cung cấp thông tin về các vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh, các chính sách đề xuất áp dụng tại trung tâm tài chính quốc tế cần đột phá, không rập khuôn, có chọn lọc, và tận dụng lợi thế của quốc gia đi sau để vận dụng kinh nghiệm tốt của quốc tế, khắc phục hạn chế và tạo sức cạnh tranh quốc tế.
Đồng thời, cần bổ sung các kinh nghiệm quốc tế; có cơ chế quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát hiệu quả; kiểm soát rủi ro để bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, ổn định chính trị, an toàn trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.