Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đại học Kinh tế Quốc dân

Sáng 12/1, tại Đại học Kinh tế Quốc dân diễn ra lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ngày 15/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ từ một Trường Đại học thành một Đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

Tại buổi lễ, đại diện Bộ GD&ĐT đã công bố và trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Đại học Kinh tế Quốc dân, công bố và trao quyết định của Bộ trưởng GD&ĐT thành lập Hội đồng Đại học.

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo đó, PGS.TS Bùi Đức Thọ giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng Đại học Kinh tế Quốc dân. PGS.TS Bùi Đức Thọ, sinh năm 1975 tại Hà Tĩnh. Ông từng là cựu sinh viên và giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau đó ông học cao học tại Trường Đại học Boise State, Mỹ và nghiên cứu sin ch ngành Hành chính học tại Trường Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc. Từ năm 2021, PGS.TS Bùi Đức Thọ giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng.

GS.TS Phạm Hồng Chương giữ chức vụ Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân. GS.TS Chương sinh năm 1964, quê huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành Kinh tế vận tải tại Trường Đại học Giao thông Matxcơva, Liên bang Nga năm 1986, sau đó học sau đại học ngành Kinh tế học tại Trường Đại học Tổng hợp Essex (Anh) và cao học tại Trường Đại học Tổng hợp Saint Mary's (Canada). Từ năm 2019, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện là Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân.

Hai Phó giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân là PGS.TS Bùi Huy Nhượng và GS.TS Nguyễn Thành Hiếu.

Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: "Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử phát triển của nhà trường. Cái tên Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ thay thế cho Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sự khác biệt chỉ ở chỗ bớt đi một từ đầu tiên trong cái tên, nhưng mở đường cho chữ Đại lên đầu và giúp trường hướng tới cái Đại trên mọi phương diện...".

Ban lãnh đạo Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ban lãnh đạo Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo Bộ trưởng, vấn đề then chốt không phải ở chỗ to hay nhỏ. Đại học quan trọng ở chỗ nó là một thực thể lớn với cấu trúc bên trong đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị đại học cao, hướng tới sự phát triển, thể hiện khát vọng phát triển và lớn mạnh. Đại học cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới được sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong của cơ sở giáo dục, thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại mấy giá trị. Mô hình tổ chức và quản trị nội bộ mới mà nhà trường lựa chọn tạo khả năng lớn hơn, cho phép giải phóng từ bên trong, khai phóng ở chiều sâu, đưa tự chủ đại học đi tới hiệu quả cao hơn.

“Mô hình đại học là mô hình quản trị nội bộ hướng tới phát triển đa ngành, vậy nên trong định hướng phát triển thời gian tới, Đại học Kinh tế Quốc dân cần hướng tới cơ cấu đa ngành một cách hợp lý, đa ngành nhưng vẫn phát huy được lợi thế, được sở trường và sức mạnh truyền thống. Cần đứng vững trên thế mạnh truyền thống, sở trường và đặc sắc, mở rộng theo hướng các ngành có liên quan và hỗ trợ nhau thành hệ thống, đa ngành một cách hợp lý nhất trên cơ sở vẫn giữ được bản sắc và uy tín. Đa ngành không có nghĩa là tất cả những gì người khác làm thì mình cũng làm. Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình. Bản sắc và thương hiệu của Nhà trường cần nối tiếp và phát huy trong mô hình tổ chức mới", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Hiện Đại học Kinh tế Quốc dân có 88 ngành ở trình độ đại học, 70 ngành trình độ sau đại học. Hàng năm, trường đào tạo hơn 40.000 sinh viên viên; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý và nhà khoa học, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội từ T.Ư đến địa phương, cũng như đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cong-bo-quyet-dinh-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan.html