Công bố quyết định và ra mắt Ngân hàng nhà nước Khu vực 7
Chiều 4/4, tại Thanh Hóa, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tổ chức công bố Quyết định và ra mắt Ngân hàng nhà nước Khu vực 7 và Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 7.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng và Giám đốc Ngân hàng nhà nước Khu vực 7 Trần Thế Hùng trao quyết định bổ nhiệm 4 Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Khu vực 7. Ảnh: TTXVN phát
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thành việc sắp xếp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 63 tỉnh, thành phố thành 15 chi nhánh khu vực.
Theo đó Ngân hàng nhà nước chi nhánh Khu vực 7 được thành lập trên cơ sở hợp nhất của Ngân hàng nhà nước 4 chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định. Ông Trần Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ Ngân hàng nhà nước trước sắp xếp giữ chức Giám đốc Ngân hàng nhà nước Khu vực 7.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng đã trao quyết định bổ nhiệm 4 Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 cho các ông: Tống Văn Ánh (Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thanh Hóa trước sắp xếp), Ngô Lam Sơn (Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Nam Định trước sắp xếp), Nguyễn Văn Khiết (Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Ninh Bình) và Đặng Văn Kim (Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Nam Định trước sắp xếp); công bố quyết định bổ nhiệm các trưởng, phó phòng Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7.
Nằm trên địa bàn 4 tỉnh nằm trong vùng Bắc Trung bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, thuộc hành lang kinh tế Bắc Nam, Ngân hàng nhà nước Khu vực 7 có 112 chi nhánh ngân hàng cấp 1, 160 quỹ tín dụng nhân dân, 1 tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa và 6 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô Tình Thương.
Toàn khu vực có 439 phòng giao dịch, 927 ATM, 4.748 máy POS và 3 điểm giao dịch lưu động; thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối và một số nghiệp vụ ngân hàng trung ương theo ủy quyền. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về các lĩnh vực liên quan đến tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đến cuối tháng 2/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại Khu vực 7 đạt 500.853 tỷ đồng (tăng 4,9% so với cuối năm 2024, đáp ứng 90% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn Khu vực, chiếm 3,27% huy động vốn toàn quốc). Trong số đó, huy động vốn trên địa bàn 2 tỉnh Thanh Hóa và Nam Định chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng huy động vốn khu vực (lần lượt chiếm khoảng 39,3% và 27,3%).
Dư nợ tín dụng cùng thời điểm trên của các tổ chức tín dụng tại Khu vực đạt 556.230 tỷ đồng, tăng 0,31% so với cuối năm 2024, chiếm 3,53% dư nợ tín dụng toàn quốc. Trong số đó dư nợ tín dụng trên địa bàn 2 tỉnh Thanh Hóa và Nam Định chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ tín dụng Khu vực (lần lượt chiếm khoảng 40,1% và 22,6%).
Ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Ngân hàng nhà nước; trong đó có 15 Ngân hàng nhà nước khu vực là kết quả của sự nỗ lực nghiêm túc, quyết liệt của Ban lãnh đạo, Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện các chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy, là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các công việc có liên quan bảo đảm tiến độ, chất lượng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 7 nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng đề nghị Ngân hàng nhà nước Khu vực 7 tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, cân đối nguồn vốn đảm bảo đáp ứng nhu cầu nền kinh tế; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng trên cơ sở đảm bảo quy định pháp luật...
Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các tỉnh trong khu vực tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành tạo điều kiện để ngành ngân hàng hoạt động, phát triển tín dụng; kịp thời có giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp để đủ điều kiện tiếp cận vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp, tổ chức Hội doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định đã phân tích những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề cần quan tâm trong hoạt động tín dụng ngân hàng tại khu vực. Cùng với đó, đề xuất, kiến nghị để đưa tín dụng ngân hàng khu vực ngày càng hiệu quả.
Ông Lê Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn Thanh Hóa cho rằng tín dụng ngân hàng không chỉ là đòn bẩy tài chính giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động mà còn là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh ngành mía đường đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến động giá cả, biến đổi khí hậu đến chi phí sản xuất ngày càng tăng thì vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và nông dân là vô cùng quan trọng.
Để có thêm nguồn lực hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đã đưa ra một số kiến nghị với Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cần tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, từ đó triển khai thêm các gói tín dụng ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục vay vốn và mở rộng hình thức thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân.
Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ tài chính linh hoạt theo mùa vụ cũng như áp dụng chính sách cho vay phù hợp với mùa vụ sản xuất, điều chỉnh lịch trả nợ linh hoạt để phù hợp với dòng tiền thực tế của doanh nghiệp và nông dân…
Bà Trần Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam (tỉnh Hà Nam) khẳng định với sự hỗ trợ từ các chính sách tín dụng của ngân hàng, Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam đã có cơ hội đầu tư vào máy móc, nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đối tác.
Bà Trần Thị Loan đề nghị các ngân hàng tiếp tục duy trì các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng như thời gian vay cho doanh nghiệp với đặc thù ngành nghề có tính chất mùa vụ và sự biến động giá cả lớn trong giai đoạn thu mua lương thực như Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam. Từ đó, sẽ giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng tài chính đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trong nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo bền vững, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần giữ vững an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng như các địa phương khác trên cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đề nghị thời gian tới Ngân hàng nhà nước Khu vực 7 cần tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế- xã hội và hoạt động ngân hàng để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chính sách tín dụng phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực.
Từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo định hướng phát triển của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh tín dụng ưu đãi hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ luôn hỗ trợ ngành ngân hàng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, kinh doanh tiền tệ, khai thác tiềm năng của tỉnh để ngành phát triển bền vững.