Công bố thông tin rừng mai cổ ở khu vực Non Mai-Sông Hãn, Quảng Trị
Ngày 4/4, ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị cho biết, cơ quan này vừa kết thúc chuyến khảo sát rừng mai cổ tự nhiên tại khu vực rừng nguyên sinh xã Triệu Nguyên, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị và chính thức công bố thông tin về sự tồn tại của rừng mai cổ quý hiếm.

Cây mai cổ thụ có đường kính khoảng 60cm.

Khu vực có núi Non Mai-Mai Lĩnh.
Theo đó, rừng mai cổ có hơn 300 cây, nằm trong khu rừng nguyên sinh của Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị. Đường kính thân cây mai lớn nhất khoảng 60cm với tuổi đời hàng trăm năm, phát triển rải rác trong diện tích khoảng vài ha. Những gốc mai sần sùi, vỏ bám đầy rêu phong, có cây dáng uốn lượn, có cây thẳng tắp.

Cây mai cổ ra lộc và trổ hoa.
Cùng với đó, còn có rất nhiều cây mai con, đường kính dưới 10cm, phát triển tốt dưới tán rừng ở độ cao khoảng 300m so với mực nước biển. Đường đi đến rừng mai phải lội suối, leo núi khá gian nan. Thời gian xuất phát đến trải nghiệm ngắm rừng mai rồi trở về trong vòng một ngày.

Tràn ngập sắc vàng của rừng mai.
Rừng mai cổ đang trổ hoa gần cuối mùa, vẫn tạo được vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ, tràn ngập sắc vàng và màu xanh non tơ của mai ra lộc giữa đại ngàn.
Theo ông Trương Quang Trung, cách đây vài năm, đơn vị đã phát hiện rừng mai cổ này, tuy nhiên chưa công bố thông tin. Nhằm phục vụ việc phát triển kinh tế, xã hội, du lịch trải nghiệm, nay việc công bố thông tin phát hiện rừng mai cổ sẽ thách thức cho công tác bảo vệ. Vì vậy, ông Trung đề nghị chính quyền các địa phương cần phối hợp tốt hơn nữa với Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị để gìn giữ an toàn cho rừng mai cổ quý hiếm.
Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết, rừng mai cổ thụ ở trên nằm trong quần thể danh thắng Non Mai-Sông Hãn. Núi Non Mai (núi Mai Lĩnh) nằm bên hữu ngạn thuộc thượng nguồn sông Thạch Hãn, trong quần thể Động Trăn, Động Chấn, phía bắc Động Chè, phía nam Động Ché.

Khu vực tập trung nhiều cây mai cổ đang lên lộc xanh non.

Mai cổ càng làm cho núi Non Mai thêm giá trị.
“Núi Non Mai đi kèm sông Thạch Hãn, long mạch chủ của toàn vùng Quảng Trị, là biểu trưng cho đất nước, giang sơn, địa linh, khí thiêng, văn hóa của vùng đất Quảng Trị, việc tồn tại rừng mai cổ càng làm cho danh thắng thêm độc đáo, hiếm nơi có được”, ông Lê Đức Thọ khẳng định.

Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị lội khe suối, vượt núi đến với rừng mai cổ.
Cặp đôi núi sông được chọn làm biểu trưng văn hóa này thuộc về người Việt, văn hóa Việt, do người Việt định dạng, tôn vinh. Quá trình định hình chính thức từ nhiều thế kỷ trước, kể từ khi thủ phủ - trung tâm hành chính, chính trị Quảng Trị được thiết lập ven bờ sông Thạch Hãn.