Công bộc của dân - Kỳ 2: Bám dân, nắm chắc địa bàn
Hành trình mới của các cán bộ bắt đầu bằng những bước chân đầy bỡ ngỡ trên những địa bàn mới. Bằng bản lĩnh và trí tuệ, sự gần gũi, thấu hiểu đời sống nhân dân giúp họ bước đầu thích nghi với công việc mới, bám dân, bám địa bàn để tìm hiểu, từ đó có định hướng phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bám địa bàn mới
Chiều muộn, trên con đường đất ngoằn ngoèo uốn lượn qua sườn đồi, xa xa là những mái nhà đơn xơ, chúng tôi bắt gặp bà Võ Thị Lệ Xuân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trung Khánh Vĩnh đang men theo sườn dốc để vào thôn Suối Lách gặp gỡ người dân. Thi thoảng, bà dừng lại hỏi thăm vài người dân đang chẻ củi, cười thân thiện với những đứa trẻ Raglai tóc cháy nắng, chân trần nghịch đất ven đường. Bà Xuân chia sẻ: “Mình là cán bộ tỉnh mới được sắp xếp về cơ sở, để nắm được tình hình, tâm tư của người dân, chỉ có đến tận nơi, gần gũi mới hiểu, chia sẻ từ đó tìm cách để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trung Khánh Vĩnh Võ Thị Lệ Xuân trò chuyện với già làng Cao Thị Xiêng - người có uy tín trong cộng đồng.
Dừng lại trong căn nhà ấm cúng của già làng Cao Thị Xiêng (thôn Suối Lách), bà Xuân đã ân cần thăm hỏi, chia sẻ câu chuyện đời thường, khéo léo lồng ghép tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Là cán bộ nữ, đang giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, bà Xuân dám xung phong lên vùng cao là điều đáng mừng và trân trọng. Nhưng còn đáng quý hơn bởi tinh thần gần dân, sát dân. Mới chỉ 2 ngày sau nhận công tác, bà Xuân đã đến nhà dân thăm hỏi. Tôi thực sự phấn khởi và tin tưởng rằng, Bí thư Xuân sẽ có những giải pháp đột phá giúp người dân vùng cao thoát nghèo, phát triển kinh tế” - bà Xiêng phấn khởi bộc bạch.
Trong câu chuyện của họ, chúng tôi cảm nhận được sự trăn trở của bà Xuân về nỗi lo cái nghèo vẫn đeo bám nhiều người dân nơi đây. Và càng cảm phục hơn, bà Xuân là một trong những cán bộ nữ trẻ xung phong về cơ sở, công tác tại xã Trung Khánh Vĩnh - một trong những xã miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Khánh Hòa.
Bà Võ Thị Lệ Xuân tâm sự: “Mới đầu, khi bước chân đến vùng đất này, dù đã tìm hiểu nhưng tôi cũng không thể hình dung được nơi đây còn khó khăn đến thế. Trụ sở Đảng ủy được đặt tại UBND xã Khánh Trung (cũ) đã xuống cấp trầm trọng, xập xệ; khi thống kê, sắp xếp, khấu hao toàn bộ tài sản theo tính toán cũng chỉ được định giá 200 triệu đồng. Không chỉ thế, đây là địa bàn có đến 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, đời sống người dân còn khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức xã hội chưa đồng đều. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 18%”.
Ông Đặng Quốc Văn rời vị trí Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đại Lãnh. Đây là xã ven biển có nhiều tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là giao thông thuận lợi, có vịnh nước sâu, nhiều dư địa để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Tuy vậy, các khu dân cư vẫn còn rời rạc. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Địa phương còn nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến một số nơi chưa có nước sạch, người dân phải khoan giếng để dùng dù nước bị nhiễm mặn, phèn nặng. Nói về quyết định này, ông Văn cho biết: “Với tôi làm ở đâu cũng là cống hiến cho quê hương, đất nước. Tôi chọn dấn thân, đồng hành với nhân dân, với mong ước góp phần đổi thay vùng đất này. Chuyển từ công tác quản lý nhà nước sang lãnh đạo công tác Đảng ở cơ sở thực sự là bước ngoặt lớn, nhiều thử thách đang chờ đợi. Nhưng tôi luôn tâm niệm, dù có khó khăn, vất vả đến mấy cũng phải cố gắng vượt qua. Bởi trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới, người dân kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn của lãnh đạo để xây dựng địa phương ngày càng phát triển”.
Thích nghi, hòa nhập
Tìm hiểu được biết, hiện nay, các xã, phường đều chưa có nhà công vụ. Vì vậy, cán bộ ở nơi khác về đều tự sắp xếp. Hầu hết cán bộ ăn ngủ ngay tại trụ sở cơ quan. Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, đến nơi công tác mới, các cán bộ còn phải thích nghi, hòa nhập với cuộc sống mới, thậm chí học thêm tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số để có thể lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc tốt nhất.
Ông Bùi Thế An, từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nội vụ xung phong đi cơ sở, được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tây Ninh Hòa. Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, ông chọn cách hòa mình vào đời sống của người dân địa phương. Ông bắt đầu tự học tiếng Ê đê, Raglai để có thể giao tiếp, lắng nghe và thấu hiểu đồng bào dễ dàng hơn. Ông kiên trì tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa địa phương để khi nói chuyện với người dân, không chỉ là lời nói của một cán bộ mà là tiếng lòng của một người bạn, người con của vùng đất này. Ông không ngồi trong phòng làm việc chờ đợi báo cáo hay chỉ đạo từ xa, mà đã trực tiếp đến các thôn, buôn làng để thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng thời, gặp gỡ cấp ủy các chi bộ trực thuộc để trò chuyện, chia sẻ và mong muốn các đảng viên sẽ đồng hành trong việc thay đổi diện mạo xã. Sự gần gũi, chân thành và lắng nghe của ông đã nhanh chóng tạo được niềm tin nơi người dân.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tây Ninh Hòa Bùi Thế An trò chuyện với cán bộ, đảng viên của xã.
Ông An tâm sự: “Cái khó lớn nhất không phải là thiếu thốn về vật chất, mà là khó khăn trong thay đổi nhận thức, tư duy của người dân vùng cao. Ngoài giải quyết công việc đảm nhiệm, chúng tôi sẽ có 1/3 thời gian đi bám nắm địa bàn, bám dân, sát dân. Vì vậy, tôi nghĩ mình sẽ tập trung vận động đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm ngay từ những việc nhỏ, như vận động người dân cho con em đi học đầy đủ, giữ gìn vệ sinh môi trường, thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu, đến những việc lớn hơn như quy hoạch phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng nông thôn mới… Tôi xác định phải kiên định với mục tiêu thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, bởi chỉ khi người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm thì cuộc sống mới thực sự đổi thay bền vững. Bên cạnh việc chú trọng đến phát triển kinh tế, địa phương sẽ quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, trẻ em, phụ nữ và những đối tượng yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển”.
Là cán bộ cấp sở được điều động làm Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (cũ) từ năm 2021, khi có chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, ông Nguyễn Thanh Sơn xung phong ở lại địa phương và được chỉ định giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh. “Hơn 3 năm về địa phương công tác, tôi đã quen với nếp nghĩ, cách làm của người dân và cũng thích nghi tương đối tốt với việc điều hành chính quyền. Hiện nay, dù địa giới hành chính nhỏ hơn cấp huyện trước đây, nhưng các thủ tục hành chính lại nhiều hơn, khối lượng công việc lớn hơn cấp huyện trước đây rất nhiều do phân cấp nhiều về cơ sở. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm giúp người dân, doanh nghiệp được thuận lợi hơn trong công việc, cắt giảm được khâu trung gian. Có lẽ, sức ép lớn nhất với tôi là làm thế nào để điều hành bộ máy chính quyền cơ sở được trơn tru nhất. Cũng cần nói thêm rằng, khi sáp nhập các xã, đội ngũ cán bộ hoạt động chưa đều tay, trong khi các đầu việc nhiều nên bước đầu có phần lúng túng. Nhưng tôi tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn, mọi việc sẽ vận hành ổn định và đi vào guồng”, ông Sơn nói.
Dù đã quen thuộc địa bàn, song khi nhận chức vụ mới, ông Sơn vẫn trực tiếp đi thăm hỏi, động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó xây dựng các chương trình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của địa phương. Ông Sơn cho biết, xã Vạn Ninh thuộc phân khu 10 và 11 của Khu Kinh tế Vân Phong. Trong đó, phân khu 11 được định hướng là khu đô thị hiện hữu, trung tâm hành chính, chính trị; phân khu 10 là khu sinh thái đồi núi. Địa phương sẽ phấn đấu tăng trưởng hai con số, bình quân hằng năm khoảng 11 - 12%. Để làm được điều đó, xã định hướng trong thời gian tới sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế biển, nhất là khai thác, nuôi trồng thủy sản... Đặc biệt, xã sẽ đầu tư phát triển Khu Công nghiệp Vạn Lương (khoảng 200ha) thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ thông tin thuộc các danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Những ngày đầu về cơ sở đầy gian nan, thử thách, song chính trong khó khăn, tinh thần vượt khó, sự linh hoạt và sáng tạo của các cán bộ sẽ được phát huy để hướng tới chặng đường dài phía trước với niềm tin mới, khí thế mới.
Ông NGUYỄN KHẮC TOÀN - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Đảng ủy Các cơ quan Đảng tỉnh: Đây là thời khắc chuyển giao lịch sử, thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong việc linh hoạt, chủ động thích ứng, đổi mới tư duy quản trị, hình thành tổ chức hành chính tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, kiến tạo, gần dân và vì dân. Việc hợp nhất 2 tỉnh mang đến làn gió mới, thổi bừng lên sức sống từ những điểm tương đồng và cả những nét bổ trợ độc đáo, giúp chúng ta cùng nhau kiến tạo một Khánh Hòa tinh gọn hơn, năng động hơn. Đồng thời, từng bước tối ưu hóa hiệu quả sử dụng hạ tầng và không gian phát triển nhờ việc đồng bộ hóa quy hoạch không gian kinh tế - xã hội, đặc biệt là tại các tuyến hành lang phát triển chiến lược và cảng biển. Từ đó, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam; trung tâm kinh tế biển và trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế.
Thời gian tới, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam các cấp tập trung xây dựng, duy trì mối quan hệ chặt chẽ, đảm bảo vận hành bộ máy mới một cách hiệu quả, minh bạch, phát huy tinh thần trách nhiệm cao với Nhân dân; là bước khởi đầu tốt đẹp, đưa Khánh Hòa bước vào thập niên nâng tầm phát triển, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, thịnh vượng và hạnh phúc.
NHÓM P.V
Kỳ 1: Tinh gọn bộ máy để phục vụ tốt hơn cho nhân dân
Kỳ 3: Vì Nhân dân phục vụ