Công bộc của dân - Kỳ cuối: Đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ cấp xã

Trong bối cảnh những ngày đầu vận hành bộ máy địa phương 2 cấp, hình ảnh những công bộc của dân về cơ sở để đồng lòng, góp sức xây dựng tương lai đang trở thành nguồn cảm hứng lớn. Để hiểu rõ hơn về tầm nhìn, những quyết sách và kỳ vọng của tỉnh vào đội ngũ cán bộ cấp xã mới, phóng viên Báo và Phát thanh, Truyền hình Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Nam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam khảo sát tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Ninh Phước. Ảnh: Hồng Lâm

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam khảo sát tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Ninh Phước. Ảnh: Hồng Lâm

- Thưa ông, việc thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã là một chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược. Trong quá trình triển khai chủ trương này, tỉnh Khánh Hòa có những thuận lợi và thách thức gì?

- Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã không chỉ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mà còn là một yêu cầu khách quan và bức thiết trong tiến trình phát triển của đất nước để bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đối với Khánh Hòa, đây là một bước đi mang ý nghĩa chiến lược, không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực, tinh giản bộ máy, mà còn mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của vùng và cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những thách thức không nhỏ, đó là việc ổn định tâm lý của các cán bộ vì phải công tác xa nhà, cuộc sống gia đình bị xáo trộn…; thay đổi về địa giới, về cơ cấu tổ chức; thách thức trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư sao cho hợp lý, đảm bảo quyền lợi và phát huy năng lực; thách thức trong việc chuẩn hóa quy trình, thủ tục hành chính để không làm gián đoạn các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Vậy ông đánh giá như thế nào về tinh thần tiên phong và những đóng góp cụ thể của đội ngũ cán bộ này từ những bước đầu tiên trên hành trình mới?

- Hình ảnh những cán bộ cấp tỉnh về cơ sở là một minh chứng sống động cho tinh thần gương mẫu của người đảng viên trong thời kỳ mới. Họ không chỉ rời bỏ môi trường làm việc quen thuộc ở thị thành, đến với những nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, mà còn sẵn sàng vượt lên những thử thách mới về công việc, về cuộc sống. Những cán bộ này đã mang theo kinh nghiệm, tầm nhìn vĩ mô từ cấp tỉnh xuống cơ sở, sẽ giúp giải quyết những vấn đề đặt ra một cách toàn diện, sáng tạo hơn; đồng thời góp phần lan tỏa tác phong làm việc nghiêm túc, bài bản xuống cơ sở. Chính sự dấn thân không ngại khó, ngại khổ của họ đã tạo nên niềm tin vững chắc trong Nhân dân, góp phần rất lớn vào việc ổn định bộ máy, thúc đẩy tiến độ giải quyết công việc, nhất là những việc tồn đọng, phức tạp. Đó là những "hạt giống" tốt mà chúng ta gieo xuống để tạo nên sức bật cho tương lai.

Trong quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn có định hướng tổng thể, đặt lợi ích lâu dài của từng địa phương lên hàng đầu. Chúng tôi không chỉ xét đến trình độ chuyên môn mà còn cân nhắc khả năng thích ứng, tinh thần cầu thị, thái độ phục vụ của cán bộ. Những địa bàn cần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, hay các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... đều được quan tâm bố trí cán bộ có khả năng nắm bắt thực tiễn nhanh, chủ động học hỏi và có tinh thần sẻ chia, đồng hành với chính quyền và người dân địa phương. Nơi cần phát triển nông nghiệp thì bố trí cán bộ am hiểu về nông nghiệp; ở các địa bàn miền núi thì bố trí cán bộ am hiểu về phong tục, tập quán và thế mạnh của địa phương. Việc này mang tính quyết định kết quả cho thời gian tiếp theo; chọn người không đúng, bố trí không phù hợp sẽ không phát huy được sở trường công tác, dẫn tới chỉ đạo, điều hành của cán bộ không đạt được yêu cầu đặt ra trong bối cảnh cần phải tăng tốc, bứt phá. Và thực tế cho thấy, khi có mặt cán bộ ở cấp tỉnh về các địa phương các công việc được vận hành một cách thông suốt; các cán bộ ở cấp xã phải tiếp nhận rất nhiều phần việc từ cấp huyện cũ chuyển xuống nhưng nhờ có sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ từ tỉnh về mà công việc đều giải quyết nhanh gọn. Không những vậy, các dự án đầu tư công, các dự án trọng điểm ở Khu Kinh tế Vân Phong, hay những dự án mang tầm quốc gia như Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 vẫn được tiến hành thuận lợi nhờ sự hỗ trợ quyết liệt của chính quyền cấp xã sau sáp nhập.

Dĩ nhiên, không phải ở đâu cũng có thể bố trí ngay cán bộ một cách hoàn hảo. Nhưng chính quá trình thực tiễn mới là môi trường tốt nhất để cán bộ rèn luyện, hoàn thiện mình và khẳng định năng lực. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi có mặt các cán bộ từ tỉnh về, công việc ở cơ sở được vận hành thông suốt hơn. Các xã, phường - nơi đang tiếp nhận nhiều phần việc từ cấp huyện cũ chuyển xuống - đã được hỗ trợ đắc lực trong công tác tổ chức, xử lý văn bản, điều hành đầu việc và giải quyết thủ tục cho người dân. Không chỉ công việc hành chính thường xuyên, mà cả những nhiệm vụ trọng tâm như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phối hợp triển khai các dự án lớn ở Khu Kinh tế Vân Phong hay hỗ trợ công tác chuẩn bị cho các dự án tầm quốc gia như Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 cũng đều ghi nhận sự đóng góp rõ nét của chính quyền cơ sở - nơi mà đội ngũ cán bộ mới chính là điểm tựa chuyển động. Chúng tôi tin rằng, chính những “hạt giống” này đang góp phần làm giàu thêm đội ngũ cán bộ cơ sở và sẽ tạo ra sức bật mới cho sự phát triển dài hạn, bền vững của tỉnh Khánh Hòa.

- Sau giai đoạn sáp nhập và ổn định ban đầu, Khánh Hòa sẽ có những định hướng, ưu tiên phát triển như thế nào để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế thưa ông?

- Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã không chỉ là để tinh gọn bộ máy mà quan trọng hơn là để mở ra dư địa phát triển mới. Sau giai đoạn ổn định ban đầu, Khánh Hòa sẽ tập trung mạnh mẽ vào việc phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế đã được xác định trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị để tạo nên một thập niên tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, thứ nhất, tổ chức vận hành bộ máy địa phương 2 cấp một cách thông suốt, hiệu quả sau sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo không gián đoạn hoạt động tại các địa phương, các lĩnh vực then chốt như đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng... Thứ hai, rà soát và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trọng tâm là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tập trung vào các ngành hàng chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn như hạ tầng Khu Công nghiệp Dốc Đá Trắng, Khu Công nghiệp Cà Ná, thủy điện tích năng Bác Ái, cảng biển tổng hợp Cà Ná; thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại, phát triển du lịch; triển khai hiệu quả Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao; cơ cấu lại ngành trồng trọt, chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 100% kế hoạch; tập trung giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là 2 Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Thứ ba, triển khai các nhiệm vụ đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tư nhân nhằm tạo giá trị gia tăng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung các nhiệm vụ để tạo dư địa phát triển trong những năm tiếp theo như hoàn thiện các quy hoạch theo ranh giới, không gian và chiến lược phát triển của tỉnh; tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục để khởi công các dự án trọng điểm như: Khu Công nghiệp Ninh Diêm, Ninh Diêm 1, Ninh Xuân và các cụm công nghiệp Phước Tiến, Hiếu Thiện, Cam Thịnh Đông… ; hoàn thiện và trình Trung ương thông qua các đề án: Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu Kinh tế Vân Phong; thành lập khu thương mại tự do Khánh Hòa.

Đặc biệt, ngay sau khi sáp nhập, tôi đã cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra thực tế ở các địa phương như: Bác Ái, Mỹ Sơn, Nam Nha Trang, Đại Lãnh… để nắm bắt thực tiễn. Qua đó, rà soát lại toàn bộ các vấn đề về kinh tế, xã hội, cơ sở vật chất để phục vụ nhân dân và vạch ra hướng phát triển cụ thể của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm giúp tỉnh sớm đạt được các mục tiêu đề ra.

- Nhìn về tương lai khi có rất nhiều cán bộ, đảng viên cấp tỉnh về công tác tại các xã, ông kỳ vọng như thế nào về diện mạo và vị thế của Khánh Hòa sau quá trình sáp nhập, đặc biệt là tầm nhìn theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị?

- Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào diện mạo và vị thế mới của tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập. Với sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị và việc phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, tôi tin rằng Khánh Hòa sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế, du lịch, dịch vụ chất lượng cao của khu vực và cả nước - đúng với tầm nhìn trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cấp tỉnh về công tác tại các xã, phường là những “cánh tay nối dài” của tỉnh, mang theo tư duy hệ thống, tác phong bài bản và sự dấn thân. Họ không chỉ góp phần giải quyết hiệu quả công việc tại địa phương mà còn cùng chính quyền cơ sở lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Từ vùng sâu như Bác Ái, Khánh Sơn đến các khu vực động lực như Đại Lãnh, Bắc Cam Ranh, Vĩnh Hải…, đội ngũ này đang tạo nên một “bộ khung” quan trọng để hiện thực hóa các chiến lược phát triển.

Tôi tin rằng, từ nay đến năm 2030 và xa hơn nữa, sự chung sức của lực lượng cán bộ này sẽ là chìa khóa giúp Khánh Hòa triển khai hiệu quả các nghị quyết lớn như Nghị quyết số 09, Nghị quyết số 174 và 189 của Quốc hội về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Họ sẽ là những người đặt nền móng cho một Khánh Hòa phát triển toàn diện, bền vững và xứng tầm.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

NHÓM P.V (Thực hiện)

Kỳ 1: Tinh gọn bộ máy để phục vụ tốt hơn cho nhân dân

Kỳ 2: Bám dân, nắm chắc địa bàn

Kỳ 3: Vì Nhân dân phục vụ

Kỳ 4: Chung sức, đồng lòng kiến tạo quê hương

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202507/cong-boc-cua-dan-ky-cuoi-dat-niem-tinvao-doi-ngu-can-bo-cap-xa-a5a1585/