'Cõng chữ lên non' nơi bản sâu Huổi Púng

Nơi sâu tít của bản thâm sơn cùng cốc xã Pa Tần, có duy nhất một điểm trường mang tên Huổi Púng với một lớp mầm non ghép cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi.

Cách trung tâm xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) khoảng 30 km, Huổi Púng là một trong ba bản khó khăn nhất của xã với “bốn không”: không điện, không đường bê tông, không nước sinh hoạt và gần như không sóng điện thoại.

Núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang gối đầu nhau kéo dài trùng điệp. Nhưng đâu ai biết được, chính cảnh quan thiên nhiên nơi đây lại trở thành một trở ngại trong hành trình “cõng chữ lên non” của nhiều giáo viên bám bản.

Điểm trường Huổi Púng là một trong chín điểm trường thuộc trường Mầm non Pa Tần, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ.

Chiếc bập bênh của trẻ em tại điểm trường Huổi Púng cũng chỉ đơn sơ vài tấm gỗ được đặt trên phiến đá.

Chiếc bập bênh của trẻ em tại điểm trường Huổi Púng cũng chỉ đơn sơ vài tấm gỗ được đặt trên phiến đá.

Là một trong hai giáo viên bám bản tại điểm trường Huổi Púng, cô Poòng Thị Oai tâm sự, năm 2012, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô về xã Pa Tần công tác cho đến tận bây giờ. Thời gian đó, cô xung phong bám bản ở điểm trường Huổi Tre. Đầu năm học 2021, cô được phân công về giảng dạy tại điểm trường mầm non Huổi Púng.

Những ngày đầu vào điểm trường nhận công tác vô cùng khổ cực. Đường sá xa xôi, hiểm trở; nhiều đoạn một bên là vực, một bên vách đá dựng đứng. Trời không mưa đỡ vất vả hơn, nếu trời mưa, con đường trở thành nỗi ám ảnh.

Mưa miền núi thường đến rất nhanh, nặng hạt, kèm gió lớn, nếu không chắc tay lái rất dễ lao xuống vực. Chính vì thế, có nhiều đoạn đường cô Oai buộc phải dắt xe hoặc để xe lại rồi cuốc bộ vào điểm trường.

Chưa kể, sau khi mưa trên đường núi không tránh khỏi có những đoạn sạt lở, đất đá ngổn ngang càng khiến việc di chuyển khó khăn hơn.

Cũng do người dân ở bản đa phần là người dân tộc với tập tục và văn hóa riêng, nên phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học và chăm sóc con cái.

 Để đảm bảo trẻ em đến trường đúng độ tuổi, đầu năm học cô Oai sẽ đi từng nhà kiểm tra giấy khai sinh và vận động cha mẹ đưa trẻ tới lớp.

Để đảm bảo trẻ em đến trường đúng độ tuổi, đầu năm học cô Oai sẽ đi từng nhà kiểm tra giấy khai sinh và vận động cha mẹ đưa trẻ tới lớp.

Nhiều em nhỏ đang trong độ tuổi mầm non thường phải ở nhà đi làm nương hoặc chăm em cho bố mẹ lên nương. Vì thế, những ngày đầu khi đến điểm trường, cô Oai phải đến từng nhà gõ cửa, vận động, thuyết phục các bố mẹ đưa con đến trường, tham gia lớp học.

100% học sinh của điểm trường Huổi Púng là người dân tộc Mông, không biết tiếng phổ thông nên trước khi dạy kiến thức, cô Oai phải dạy các em giao tiếp bằng tiếng Kinh.

Vì đã có chứng chỉ tiếng Mông nên cô có thể nghe hiểu và giao tiếp với các em, sau đó, dạy các em tiếng phổ thông bằng cách giao tiếp hằng ngày để các em nghe hiểu được.

Để dạy trẻ em dân tộc tiếng phổ thông, cô Oai thường bắt đầu bằng việc gọi tên những đồ vật thường dùng của các em.

Để dạy trẻ em dân tộc tiếng phổ thông, cô Oai thường bắt đầu bằng việc gọi tên những đồ vật thường dùng của các em.

Tuy nhiên, khi về nhà, những gia đình người Mông vẫn giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Mông nên các em rất khó để tiếp thu và nhớ nhanh được. Có những em, dù đã đến trường hai năm, có thể nghe hiểu được lời cô nhưng chỉ có thể trả lời bằng những câu ngắn, từ đơn.

Từ hơn 2 năm nay, ngoài công việc chính là truyền dạy kiến thức, cô Oai và một giáo viên khác còn phải chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ trưa cho hơn 20 em nhỏ.

Ngày nào cũng vậy, khi phụ huynh đưa trẻ đến trường, cô Oai sẽ phụ trách việc rửa mặt, rửa chân tay, chải đầu tóc cho các em trước giờ vào lớp. Không những thế, có những ngày, cô Oai còn là người trực tiếp tắm rửa, cắt tóc cho cc em.

Khác với các trường mầm non ở đồng bằng, “đầu bếp” của điểm trường Huổi Púng sẽ được các phụ huynh luân phiên nhau phụ trách dưới sự hướng dẫn của cô Oai. Thực phẩm cho các bữa trưa được cô Oai và nhà trường chuẩn bị, cộng thêm các loại thực phẩm khác như gạo, bí đỏ, măng nứa… được người dân mang tới ủng hộ mỗi sáng.

Mỗi ngày bữa cơm trưa của các em sẽ bao gồm một món canh và một món mặn.

Mỗi ngày bữa cơm trưa của các em sẽ bao gồm một món canh và một món mặn.

Cô Lù Thị Hưng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Pa Tần (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) – chia sẻ, trẻ từ 3 đến 5 tuổi thuộc vùng đặc biệt khó khăn như bản Huổi Púng khi đến trường sẽ được hưởng chế độ của Nhà nước theo Nghị định 81. Cụ thể, mỗi em sẽ được hưởng chi phí học tập là 150.000 đồng/tháng; chi phí ăn trưa là 160.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo cô Hưng, mỗi tháng trẻ em sẽ đến trường khoảng 20 buổi, nghĩa là trung bình một trẻ sẽ được ăn trưa với mức giá là 8.000 đồng/ngày.

Với chi phí này khó có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ thực phẩm cho trẻ. Chính vì thế, từ ngày đến công tác tại điểm trường, cô Oai đã kêu gọi phụ huynh ủng hộ gạo, muối hay bó rau… cho các em, để các em có bữa ăn dinh dưỡng hơn.

Đồ chơi tại góc học tập của các em cũng là phần quà tặng của một quỹ thiện nguyện gửi lên hồi cuối năm ngoái.

Đồ chơi tại góc học tập của các em cũng là phần quà tặng của một quỹ thiện nguyện gửi lên hồi cuối năm ngoái.

Trường không có đủ nhân sự và kinh phí cho đầu bếp tại điểm trường, vì thế, công tác nấu ăn cho trẻ em đành phải dựa vào sự hỗ trợ của phụ huynh, cũng là người dân trong bản.

Đường sá xa xôi, hiểm trở, di chuyển mất nhiều thời gian nên những giáo viên bám bản như cô Oai sẽ phải ở điểm trường từ chiều chủ nhật đến chiều thứ sáu tuần sau. Cô chỉ về thăm chồng, con vào cuối tuần. Đôi khi, công việc nhiều quá, cả tháng mới về với nhà một lần.

Mỗi ngày, khi phụ huynh đón con xong, cô Oai lại cặm cụi dọn dẹp lớp học, chăm vườn hoa, chuẩn bị bữa cơm tối. Những món quen thuộc như lạc, trứng… được cô mang vào từ chiều chủ nhật. Đôi khi là bó rau hay mấy cây măng được phụ huynh mang cho.

Do bản chưa có điện, cô Oai phải dùng pin mặt trời thắp sáng. Thế nhưng, vào mùa mưa, bản ở thung lũng sâu không có ánh mặt trời nên cũng chả có điện dự trữ. Những ngọn nến le lói, lập lòe là nguồn sáng duy nhất để giáo viên ăn cơm, soạn giáo án.

Buổi tối, khi màn đêm đen bao phủ điểm trường và cả bản nhỏ Huổi Púng xa xôi cũng là lúc cô Oai có thời gian quan tâm đến gia đình nhỏ của mình. Cô thường đi bộ lên những điểm trên cao để “dò” sóng điện thoại gọi về hỏi thăm chồng, con.

Không điện, không sóng điện thoại, điểm trường nhỏ nơi đây còn không có nguồn nước sạch. Nguồn nước duy nhất cô Oai dùng để vệ sinh cá nhân cho các con, phục vụ nấu nướng… là nước suối được dẫn vào các đường ống.

Hơn chục năm miệt mài “cõng chữ lên non”, điều mà cô giáo Poòng Thị Oai luôn đau đáu trong lòng đó là cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn quá nghèo khổ, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm.

Có những em không có dép đi, không có quần áo mặc, cô Oai thường mang đồ dùng của con lên bản để tặng cho các em.

Có những em không có dép đi, không có quần áo mặc, cô Oai thường mang đồ dùng của con lên bản để tặng cho các em.

“Nhiều em nhỏ chỉ có duy nhất một bộ quần áo, cứ mặc suốt, nếu bẩn hay bị ướt, các em thường trần truồng như vậy thôi. Đến một đôi dép tử tế các em cũng không có nên lúc nào cũng đi chân đất chạy khắp nơi. Bữa cơm ở nhà cũng chỉ có cơm chan nước với gừng”, cô Oai tâm sự.

Bình nước rửa tay của các em luôn được cô Oai trữ đầy nước suối nguồn.

Bình nước rửa tay của các em luôn được cô Oai trữ đầy nước suối nguồn.

Trong suốt 11 năm làm nghề, dù gặp muôn vàn khó khăn, cô Oai chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ bỏ nghề để tìm hướng đi mới. Gạt qua nỗi nhớ con, cô quyết tâm kiên trì bám bản đưa ánh sáng tri thức đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa.

Giờ đây, trẻ em bản Huổi Púng rất thích đến lớp học. Bởi vì, ở đây, các em được cô dạy học, cho ăn, ru ngủ và được vui chơi với bạn bè.

Giờ đây, trẻ em bản Huổi Púng rất thích đến lớp học. Bởi vì, ở đây, các em được cô dạy học, cho ăn, ru ngủ và được vui chơi với bạn bè.

Cô luôn hy vọng bản thân sẽ là người lái đò đem con chữ thắp sáng tương lai cho nhiều thế hệ học trò, từ đó, xây dựng được nhiều nhân tố mới quay về phát triển mảnh đất quê hương Điện Biên.

MINH TRÚC - Đồ họa: THÙY TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-chu-len-non-noi-ban-sau-huoi-pung-post749626.html