Công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn: Xử lý nghiêm không có ngoại lệ
Quyết liệt thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn, kéo giảm tai nạn, nhất là vấn đề kiểm soát nồng độ cồn, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định, tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp, xin xỏ… chỉ trong 1 tháng, lực lượng chức năng đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có hơn 100 trường hợp là công chức, viên chức, công an, bộ đội, nhà báo… và đã gửi thông báo vi phạm về cơ quan những cá nhân vi phạm.
Từ hai không…
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), với tinh thần xử lý “không ngoại lệ, không có vùng cấm”, sau gần 1 tháng thực hiện kế hoạch, 6 tổ công tác của Bộ Công an đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có hơn 100 trường hợp là công chức, viên chức, công an, bộ đội… và đã gửi thông báo vi phạm về cơ quan những cá nhân vi phạm.
Điển hình, tối 5/9/2023, Tổ công tác số 2 (Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội tổ chức kiểm tra, xử lý tại tuyến đường QL.21B đoạn qua địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội), đã phát hiện ông Đ.M.K, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an quận Ba Đình (Hà Nội), lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,275 mg/lít khí thở và không có những giấy tờ liên quan như bằng lái, đăng ký, bảo hiểm. Đáng chú ý, khi vi phạm, ông K đã khai tên sai, nhưng sau đó tổ công tác đã xác minh và lập biên bản, gửi thông báo về Công an thành phố Hà Nội để chỉ đạo kiểm điểm, xem xét xử lý cán bộ vi phạm này.
Tiếp đó, rạng sáng 9/9, Tổ công tác số 2 phối hợp với Công an thành phố Hà Nội làm nhiệm vụ ở đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), phát hiện và lập biên bản đối với ông P.X.T, cán bộ Công an phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,672 mg/lít khí thở. Quá trình xử lý, ông T không chấp hành việc ký biên bản vi phạm hành chính và biên bản vi phạm điều lệnh Công an nhân dân, mặc dù tổ công tác đã giải thích và yêu cầu nhiều lần. Trường hợp này, Cục Cảnh sát giao thông cũng đã gửi thông báo về Công an thành phố Hà Nội để xem xét xử lý…
Trước đó, từ ngày 31/8 các tổ công tác của C08 đã triển khai ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa... Qua đó, phát hiện xử lý nhiều trường hợp vi phạm điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn, đáng lưu ý nhiều trường hợp người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn là công chức, viên chức, bộ đội, công an, nhà báo đang công tác hoặc đã nghỉ hưu. Thậm chí, có cả giáo viên dạy lái xe. Ngoài ra, một số lái xe khi vi phạm được xác minh làm rõ là Bí thư, Chủ tịch huyện, hoặc một số cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu…
…Đến xử lý chéo không bỏ lọt vi phạm
Tại Hà Nội, nơi tập trung đông dân cư cùng nhiều cơ quan công sở, nhằm xử lý triệt để các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, từ đêm 22/9, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội đã lập 14 tổ công tác xử lý vi phạm chéo các địa bàn. Khung giờ được chú trọng xử lý từ 22h hôm trước đến 3h hôm sau. Qua 3 ngày triển khai, hàng chục trường hợp “ma men” đã bị xử lý.
Thiếu tá Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 9, cho biết, kiểm tra đêm khuya muộn vì giai đoạn từ 0h - 5h sáng là thời gian mà lực lượng có thể bố trí mỏng nhất, nên thường nhiều người chủ quan sẽ vi phạm. Việc kiểm tra chéo địa bàn nói chung và tập trung kiểm tra vi phạm nồng độ cồn vào khung giờ đêm muộn đến rạng sáng sẽ giúp xử lý triệt để vi phạm. Nếu như trước kia, một tổ, đội, địa bàn chỉ có thể kiểm tra ở 1 địa điểm; thì nay tổ kiểm tra chéo có thể di chuyển các địa điểm khác nhau khiến người vi phạm không thể né tránh.
Theo Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội, việc tổ chức triển khai kế hoạch bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ chéo tuyến, địa bàn được phân công, phân cấp theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an và Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhằm đánh giá lại, nâng cao hiệu quả công tác bố trí lực lượng, tập trung xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi vi phạm “nổi cộm”.
Nếu trên địa bàn có 1 tổ công tác thì dễ bị các đối tượng thông qua mạng xã hội thông báo giúp cho các lái xe cố tình tránh đi các đường khác. Hoặc khi biết lực lượng đứng ở chỗ này sẽ đi vào đường nhánh, tuyến đường song song khác. Chính vì thế, 14 tổ công tác của Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ kiểm tra xử lý ở bất kỳ điểm nào và di chuyển thay đổi địa bàn kiểm tra liên tục. Có những chốt chỉ đứng khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi di chuyển ra điểm khác. Việc thay đổi địa điểm liên tục khiến người vi phạm không thể trốn tránh, coi thường luật giao thông đường bộ.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội cho rằng, để việc tham gia giao thông không uống rượu bia trở thành nề nếp thì các cơ quan, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, của thành phố Hà Nội, xử lý nghiêm minh, đặc biệt sẽ có văn bản gửi các cơ quan khi kiểm tra phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Đối với các trường hợp có hành động chống đối, cản trở, nếu cấu thành tội phạm, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử lý hình sự theo đúng quy định.