Công chứng, chứng thực bảo đảm an toàn các giao dịch

Góp ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, cần quy định các giao dịch bất động sản bắt buộc phải công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì hội nghị

Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 29.8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 84 điều (bỏ 9 điều, bổ sung 1 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm).

Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản tại Điều 9, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật chỉnh sửa khoản 1 theo hướng: Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành, nghề kinh doanh bất động sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Về công chứng, chứng thực hợp đồng kinh doanh bất động sản tại khoản 4, Điều 43, nhiều ý kiến đề nghị quy định các giao dịch bất động sản bắt buộc phải công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý. Một số ý kiến đề nghị quy định nếu một bên tham gia giao dịch là cá nhân thì phải công chứng, chứng thực để kiểm soát việc thực hiện giao dịch. Có ý kiến đề nghị quy định về những giao dịch bắt buộc phải công chứng tại Luật Công chứng và Luật Kinh doanh bất động sản quy định dẫn chiếu.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, theo dự thảo Luật, đối với trường hợp tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình không nhằm mục đích kinh doanh không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Do vậy, khoản 4 Điều 43 dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng không quy định về việc công chứng, chứng thực hợp đồng đối với các trường hợp này.

Giảm can thiệp của nhà nước vào đầu tư kinh doanh

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nhấn mạnh đây là dự án Luật rất quan trọng, góp phần giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường bất động sản. ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị tiếp tục rà soát kỹ thêm một số nội dung trong dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ với các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)… ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cũng đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và đáp ứng cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động đầu tư kinh doanh.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Về quy định hợp đồng kinh doanh bất động sản không bắt buộc phải thực hiện công chứng, chứng thực, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, quy định như tại khoản 4, Điều 43 là không phù hợp với khoản 1, Điều 122 Luật Nhà ở và khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Điều 122 Luật Nhà ở và khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai thì hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng mà các bên tham gia là cá nhân thì bắt buộc công chứng, chứng thực. Đồng thời, hợp đồng kinh doanh bất động sản thường có giá trị lớn và dễ xảy ra tranh chấp nên cần phải được công chứng, chứng thực nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức liên quan. Bên cạnh đó, công chứng còn có chức năng tạo lập và cung cấp các chứng cứ cho hoạt động tài phán.

ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) phát biểu . Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) phát biểu . Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Đối với những giao dịch về bất động sản của tổ chức, cá nhân mà không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở và các luật hiện nay thì theo quy định hiện hành phải công chứng, chứng thực nhưng theo dự thảo Luật thì không phải công chứng, chứng thực. Hay dự thảo Luật cũng đã bãi bỏ, bỏ đi một số trường hợp, những giao dịch về kinh doanh bất động sản mà theo quy định hiện hành phải công chứng, chứng thực. Nhấn mạnh những nội dung này chưa có đánh giá tác động, lý do được đưa ra cho việc quy định nội dung này cũng không thuyết phục, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị, việc đề xuất phương án thay đổi như thế nào, đưa vào luật nào hay là bỏ cần có giải trình thuyết phục.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/cong-chung-chung-thuc-bao-dam-an-toan-cac-giao-dich-i341455/