Công cụ để an toàn internet
Vương quốc Anh đang thảo luận về các quy định mới liên quan đến an toàn trực tuyến. Nước này muốn hệ thống luật pháp sẽ có thêm công cụ khiến các công ty truyền thông xã hội và công cụ tìm kiếm có trách nhiệm hơn đối với nội dung trên nền tảng của họ. Dự luật An toàn trực tuyến, lần đầu được trình Quốc hội vào tháng 3.2022 và vẫn đang được xem xét hướng tới bảo vệ người dùng internet, đặc biệt là trẻ em, khỏi nội dung bất hợp pháp và độc hại.
Dự luật An toàn trực tuyến liệt kê nhiều tác hại trên môi trường mạng đối với người dùng. Chúng được chỉ đích danh là các hành vi gồm lạm dụng tình dục trẻ em, tội ác liên quan đến thù hận, lừa đảo, kích động bạo lực, khủng bố, xúi giục tự tử, thúc đẩy tệ nạn mại dâm trục lợi… Nhiều tội hình sự mới sẽ được thêm vào dự luật để giải quyết bạo lực gia đình, các mối đe dọa xâm phạm tình dục và giết người…
Sáng kiến Dữ liệu an toàn trực tuyến của Chính phủ Vương quốc Anh từng lưu ý: “Internet có thể mang đến nhiều lợi ích tốt đẹp, thuận lợi cho người dùng, song ngược lại, nội dung xấu, hoạt động bất hợp pháp và có hại vẫn phổ biến trên mạng”. Trong báo cáo được công bố vào năm ngoái, Ofcom - cơ quan quản lý truyền thông của Vương quốc Anh phát hiện rằng, cứ 10 người dùng internet thì có 6 người cho biết họ đã gặp phải ít nhất một tác hại tiềm tàng trên mạng trong 4 tuần qua.
Chính vì vậy, liên minh Giải thưởng Diana và Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Anh đã tuyên bố: “Đây là cơ hội để thay đổi thế giới kỹ thuật số nhằm mang lại lợi ích cho trẻ em hôm nay và ngày mai”.
Công ty công nghệ cần có trách nhiệm với nội dung trực tuyến
Dự luật tìm cách hạn chế tác hại trực tuyến bằng cách khiến các công ty internet có trách nhiệm hơn đối với nội dung trên nền tảng của họ. Các công ty nằm dưới sự điều chỉnh của dự luật sẽ bao gồm các nền tảng truyền thông xã hội lưu trữ nội dung do người dùng tạo ra, chẳng hạn như Twitter, Facebook và TikTok, cũng như các công cụ tìm kiếm như Google. Các trang web nhỏ khác hỗ trợ chia sẻ giữa người dùng với người dùng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Dự luật sẽ bắt buộc các công ty sử dụng các hệ thống và quy trình khác nhau để xác định rủi ro và tác hại. Họ cần bảo đảm các tính năng, chức năng và thuật toán của dịch vụ của mình được thiết kế để ngăn người dùng gặp phải các nội dung xấu và giảm thiểu thời gian hiển thị nội dung đó. Điều này có thể đạt được bằng cách kiểm duyệt nội dung tự động hoặc do con người thực hiện, hoặc cấm các cụm từ tìm kiếm bất hợp pháp, phát hiện người dùng đáng ngờ, và có sẵn hệ thống hiệu quả để ngăn người dùng bị cấm mở tài khoản mới.
Sau khi xác định được nội dung độc hại, các nền tảng sẽ được yêu cầu ngăn chặn và chấm dứt sự phổ biến của chúng. Họ cũng sẽ phải thiết lập những biện pháp rõ ràng giúp người dùng có thể báo cáo tác hại. Ngoài ra, các công ty cũng phải duy trì và thực thi các hệ thống xác minh độ tuổi chặt chẽ hơn. Trước đây, các công ty sẽ buộc phải gỡ nội dung độc hại xuống sau khi nó được người dùng báo cáo cho họ, nhưng giờ đây họ phải chủ động và ngăn mọi người tiếp xúc ngay từ đầu.
Nếu được thông qua và ban hành, việc triển khai và thi hành Luật An toàn trực tuyến sẽ do Ofcom chịu trách nhiệm. Các công ty internet không tuân thủ sẽ bị phạt tới 18 triệu bảng Anh hoặc 10% doanh thu hàng năm, hay bị các nhà chức trách chặn không cho người dùng truy cập vào các trang của họ. Ofcom cũng sẽ được trao quyền để tìm kiếm các phán quyết của tòa án nhằm ngăn chặn các nền tảng được thanh toán, cũng như nhà cung cấp dịch vụ internet làm việc với các trang web có hại.
Hiện tại, Ofcom nhận được tài trợ để chuẩn bị các cơ chế quản lý có thể được thực hiện sau khi luật được ban hành. Tháng Tư vừa qua, bà Melanie Dawes, Giám đốc điều hành của Ofcom, cho hay: “Một nỗ lực to lớn đang được tiến hành tại Ofcom nhằm huy động cơ chế càng nhanh càng tốt, giúp tạo ra không gian mạng an toàn hơn cho công dân Vương quốc Anh trong khi bảo vệ quyền tự do ngôn luận”.
Bà Dawes nói thêm rằng, Ofcom đang “ưu tiên hành động đối với nội dung bất hợp pháp” và nhằm mục đích “tạo ra những quy định không chùn bước trước thách thức pháp lý, được các dịch vụ trực tuyến và người dùng tin tưởng”.
Những tranh cãi về quyền riêng tư
Mặc dù mục đích tốt đẹp là bảo về người dùng, nhất là trẻ em trên internet, nhưng Dự luật An toàn trực tuyến vẫn khiến nhiều tổ chức dân sự xã hội và ủng hộ internet lo ngại về quyền riêng tư, kiểm duyệt và sự xâm nhập của Chính phủ.
Các nhà phê bình cảnh báo, dự luật có thể buộc các công ty phá vỡ mã hóa đầu cuối để theo dõi nội dung để truy tìm nội dung bất hợp pháp. Mã hóa đầu cuối, vốn là công nghệ bảo mật giúp bảo đảm rằng không bên thứ ba nào, kể cả chính nền tảng, có thể đọc nội dung đang được chia sẻ được nhiều nền tảng nhắn tin an toàn như WhatsApp sử dụng.
Tháng trước, trong bức thư ngỏ được công bố, một số nền tảng nhắn tin như WhatsApp, Signal và Viber bày tỏ quan ngại, “dự luật có thể phá vỡ mã hóa đầu cuối, mở ra cơ hội giám sát thường xuyên các tin nhắn cá nhân giữa bạn bè, thành viên gia đình, nhân viên, giám đốc, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và thậm chí cả chính trị gia”. Các nền tảng nhắn tin và chuyên gia mạng nhấn mạnh, mã hóa đầu cuối chính là công vụ giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng internet và bảo vệ người dùng khỏi các trò gian lận trực tuyến và đánh cắp dữ liệu.
Năm ngoái, liên minh gồm 70 nhóm xã hội dân sự, công ty và chuyên gia an ninh mạng cho biết, việc phá hoại mã hóa đầu cuối “mở ra cửa hậu cho bọn tội phạm mạng”, khiến internet trở nên kém an toàn hơn, đặc biệt là đối với trẻ em và người dùng dễ bị tổn thương. Liên minh lo ngại, dự luật có thể mang đến tổn hại cho các doanh nghiệp Vương quốc Anh vì “ít có bảo vệ hơn đối với luồng dữ liệu của họ so với các đối tác ở Mỹ hoặc hoặc Liên minh châu Âu”.
Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định, dự luật không đe dọa đến mã hóa và các hệ thống được thiết lập để ngăn chặn sự xâm nhập của nhà nước. Trong một video hỏi đáp, Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số Vương quốc Anh Michelle Donelan khẳng định, dự luật sẽ “không được sử dụng để xâm phạm” tin nhắn riêng tư. Được biết, dự luật An toàn trực tuyến đang được tranh luận tại Hạ viện. Nó dự kiến sẽ được thông qua thành luật vào cuối năm nay.
Thúc đẩy các biện pháp hiệu quả nhất
Vương quốc Anh không phải là quốc gia duy nhất nỗ lực tăng cường an toàn trực tuyến. Liên minh châu Âu cũng từng làm việc chặt chẽ với các nền tảng truyền thông xã hội lớn để hạn chế sự gia tăng của thông tin sai lệch lẫn nội dung bất hợp pháp trực tuyến. Năm ngoái, các nhà lập pháp ở Brussels đã thông qua Luật An toàn kỹ thuật số, bao gồm nhiều quy định, từ tính minh bạch của quảng cáo đến các yêu cầu xóa nội dung.
Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng ủng hộ hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, và sự phối hợp quốc tế về an toàn trực tuyến. Đầu năm nay, Liên minh Toàn cầu về an toàn kỹ thuật số của Diễn đàn này đã phát hành bộ nguyên tắc hướng dẫn nhằm tìm cách tích hợp các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế vào nỗ lực bảo đảm an toàn kỹ thuật số. Liên minh cũng công bố báo cáo vào tháng 5 vừa qua, đánh giá rủi ro an toàn kỹ thuật số, đồng thời đưa ra phương pháp toàn diện về những biện pháp mà các bên liên quan có thể đánh giá các yếu tố rủi ro trong hệ sinh thái kỹ thuật số.
Ông Minos Bantourakis, Trưởng phòng Truyền thông, Giải trí và Thể thao của Diễn đàn cho biết: “Bằng cách thúc đẩy các biện pháp hay nhất về an toàn trực tuyến và thực hiện hành động phối hợp chống lại các tác hại trực tuyến, chúng tôi cố gắng hướng tới bối cảnh kỹ thuật số an toàn hơn”. Ông nói thêm, “cùng nhau, chúng ta đẩy nhanh tiến độ và xây dựng tương lai kỹ thuật số tươi sáng hơn cho tất cả mọi người”.