Công cuộc 'trồng người' cần lắm chữ tâm
Tuần qua, thông tin từ nhóm phụ huynh một trường THCS ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, nhiều trường hợp học sinh được giáo viên chủ nhiệm gặp riêng gia đình để khuyên 'ký cam kết không cho con thi vào lớp 10'. Lý do là học sinh có lực học trung bình, không chăm học, không thể thi đỗ lớp 10 được.
Dư luận xã hội đã tỏ ra bức xúc, "Nếu đúng như những gì phụ huynh, dư luận phản ánh thì đây là hành vi vô cảm, phản giáo dục, thể hiện sự non kém của giáo viên trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh".
Một số nhà khoa học, chuyên gia ngành giáo dục cho rằng hành động "ép" học sinh không thi vào lớp 10 THPT công lập rất có thể xuất phát từ thành tích của nhà trường. Vị thế của nhà trường có thể được nâng cao khi có nhiều học sinh trúng tuyển vào các trường phổ thông công lập. Vẫn biết rằng các cháu học lực yếu quá, khả năng thi có thể không đỗ. Nhưng với những đứa trẻ mà khuyên chúng bỏ cuộc khi chưa hành động thì không nên.
Hãy làm những gì tốt nhất cho thế hệ tương lai của đất nước.
Có sự việc trên hay không thì chưa biết, nhưng vẫn còn 2-3 tháng nữa để cố, hãy để các em đi thi, để kết quả thi "sàng lọc" các em! Tại sao lại khuyến khích bỏ thi nếu các con học dốt? Thi cử cũng là nơi cho các em đối mặt với thử thách, trải nghiệm, cũng là cơ hội học hỏi, vì sao lại cản? Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của các em ở thời điểm hiện tại, mà còn khiến tương lai các em bị định hướng sai lệch. Nhiều em có thể có năng lực nhưng phải chọn các hướng đi khác.
Thời kỳ bao cấp, dù cuộc sống còn đầy khó khăn, tỷ lệ học sinh trung bình, yếu còn cao, nhưng các thầy, cô giáo vẫn tận tình dạy dỗ, khuyến khích cho học sinh của mình cố gắng vươn lên, nếu có trượt hay kết quả chưa tốt, thì điều quan trọng vẫn là giúp các em rèn luyện ý chí, hành động tích cực để sau này trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Vậy thì, hãy cứ để cho các em được thi như mọi học sinh khác, nếu không đỗ thì có thể lựa chọn học nghề, hoặc đi học lại. Có thể trong quá trình học có em không chịu khó, còn mải chơi, chưa chú tâm vào việc học tập, nên điểm số có thể thấp, nhưng chưa chắc là đã không có tư chất, không có khả năng. Nên để các cháu có những trải nghiệm trong cuộc sống mà còn phấn đấu. Còn việc học nghề sớm cũng chả có gì là xấu, là thấp kém, chỉ dành cho học sinh đuối. Học sinh có năng lực cũng có thể lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, có những bạn đã tốt nghiệp đại học vẫn chuyển sang học một nghề để tạo lợi thế khi bước vào đời.
Hãy tạo điều kiện tốt nhất có thể và động viên học sinh, con em mình tùy từng nhận thức của mỗi trẻ và đừng gây áp lực, đừng bao giờ so sánh, coi thường trẻ sẽ dễ dẫn đến một số phản ứng tiêu cực. Thường các gia đình cố gắng cho con em mình học hết phổ thông nên thầy cô cũng nên hiểu nguyện vọng của gia đình. Nhưng nếu các em không thích học thì lúc đó mới nên động viên con học lấy một nghề phù hợp.
Việc tư vấn hướng nghiệp nhằm mục tiêu phân luồng sau THCS, THPT là một chủ trương đúng đắn, giúp học sinh định hình được khả năng thực sự của mình dựa trên cơ sở năng lực, đam mê, sở trường, sức khỏe và với nhu cầu lao động của xã hội. Nhưng hiện nay, mỗi trường, mỗi giáo viên phụ trách lớp sẽ có cách làm khác nhau, thậm chí là rất khác. Tư vấn định hướng tương lai, nghề nghiệp để phụ huynh và học sinh có thông tin, lựa chọn tự nguyện chứ không được phép ép buộc, đừng vì thành tích cá nhân mà đánh đổi tương lai học trò của mình.
Trên thực tế, các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường nghề cũng cần phải chỉnh đốn lại để phụ huynh yên tâm hơn. Tình trạng học 3 năm để lấy 2 bằng, gồm bằng cấp 3 hệ giáo dục thường xuyên và bằng đào tạo nghề đang là gánh nặng cho học sinh, vốn là các em luôn bị coi có sức học yếu, từng trượt cấp 3 và thực trạng đáng buồn nhất là khi có cái bằng nghề nhưng cũng chẳng biết làm gì.
Học là quyền của học sinh, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Xã hội cần phải cung cấp đủ lớp, đủ trường và các điều kiện cần thiết để học sinh được hưởng quyền được học của mình, chứ không phải cạnh tranh nhau kiếm suất học THPT như thi vào 10, mà quy cho học sinh là "dốt". Vậy người "dốt" không được học tiếp hay sao?
Giáo dục là nơi nuôi dưỡng tâm hồn giới trẻ tích cực, lạc quan chứ đừng đẩy các con vào hố sâu trầm cảm, tiêu cực. Công cuộc ''trồng người'' cần lắm chữ tâm. Phải đặt quyền lợi, lợi ích của học sinh lên hàng đầu, đừng vì chạy theo thành tích để đạt được các lợi ích về chính trị, kinh tế mà làm méo mó đi chủ trương chung.
Cứ loay hoay như thế này, thử hỏi bao giờ chúng ta mới đạt được mục tiêu "Học thật, thi thật, nhân tài thật"?