Công dân khiếu nại, tố cáo tăng do xét xử vụ Ngân hàng SCB, Tân Hoàng Minh
Trong tháng 3, công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan tới vụ việc Ngân hàng SCB, Tân Hoàng Minh.
Sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 3.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 3, tình hình người dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng.
Tại trụ sở tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và TP.HCM, các cơ quan chức năng đã tiếp 246 lượt với 475 người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 246 vụ việc và có 3 đoàn khiếu kiện đông người. So với tháng 2, tăng 62 lượt người dân và 62 vụ việc nhưng lại giảm 3 lượt đoàn đông người. Số lượt đoàn đông người giảm, nhưng vẫn còn tình trạng nhiều đoàn di chuyển đến các cơ quan trung ương ở Hà Nội và TP.HCM để khiếu kiện, gây phức tạp về an ninh trật tự.
Có 5 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Báo cáo tổng hợp từ các địa phương cho biết, trong tháng 3, các vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhất là tình trạng chậm tiến độ của các dự án đầu tư, xây dựng khu du lịch sinh thái, khu dân cư; vi phạm trong lĩnh vực môi trường, xây dựng, giao thông, đô thị, lao động - việc làm… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trưởng Ban Dân nguyện cho biết trong các vụ việc này, nổi lên 15 vụ việc khiếu kiện có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.
Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Trần Quốc Dũng báo cáo thêm, trong tháng 3 tình hình người dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng so với tháng 2 có nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan vụ ngân hàng SCB (Vạn Thịnh Phát), Tân Hoàng Minh.
Ông Dũng cho biết: “Vụ Ngân hàng SCB, Tân Hoàng Minh đưa ra xét xử nên người dân có chiều hướng khiếu nại, tố cáo tăng hơn”.
Còn số đoàn đông người giảm, theo Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương là do có sự chuẩn bị, phối hợp tốt của các cơ quan chức năng với địa phương.
Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và Ban Tiếp công dân Trung ương thường xuyên nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tại trụ sở tiếp công dân trung ương, đặc biệt, Bộ Công an, Hà Nội, Ban Dân nguyện. Từ đó, góp phần làm tốt công tác tiếp công dân, bảo đảm an ninh trật tự.
Thời gian tới, Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân để đảm bảo việc tiếp công dân, xử lý đơn thư diễn ra đúng quy định.
Nêu ý kiến kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý về tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng. Ông cho biết, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện và phát biểu của các cơ quan tại phiên họp về công tác dân nguyện tháng 3.
Trên cơ sở tình hình công tác dân nguyện, trong báo cáo cũng đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị một số nội dung thuộc trách nhiệm của các cơ quan Quốc hội, chủ yếu là những kiến nghị với Chính phủ trong chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những lo lắng, bức xúc của người dân xung quanh điều kiện sản xuất kinh doanh, tình trạng nắng nóng, hạn mặn, sụt lở đất...
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện hoàn chỉnh báo cáo và ra thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi cho các cơ quan chức năng theo quy định.