'Công dân số' sướng hay khổ?
'Công dân số' nếu không trang bị đủ kỹ năng, sự hiểu biết thì lợi bất cập hại...
Cần kỹ năng, hiểu biết khi giao dịch, thông tin trên môi trường số
Bạn bè tôi hồ hởi kể cho nhau nghe chuyện đi làm căn cước công dân gắn chip. Nhiều quận ở Hà Nội, cả công an lẫn người dân làm đến nửa đêm. Nơi chờ 2 - 3 tiếng, nơi được gọi điện thông báo, ra đến nơi chỉ nửa tiếng là xong, bà con nhận tờ căn cước photo và lịch hẹn ngày nhận.
Vất vả thì có nhưng ai cũng phấn khởi vì một tương lai trở thành “công dân số”, được quản lý bằng mã định danh đã rất gần.
“Thế là như Tây nhỉ, tôi thích lắm, mà sao tổ dân phố mình chưa được gọi đi làm” - một người hàng xóm của tôi sốt ruột hỏi cán bộ phường.
Nhưng những người khác thì hoài nghi: Làm cứ làm chứ chắc gì đã liên thông được tất cả các dịch vụ như ở Tây.
Sợ nhất là viễn cảnh “đi mọi nơi chỉ dùng một thứ” chưa thấy đâu đã khổ vì lệch thông tin trong các hồ sơ, lĩnh vực khác nhau.
Mà chuyện này tôi đã từng trải qua, cụ thể là việc đổi chứng minh thư sang căn cước công dân.
Tôi đi làm căn cước theo hướng dẫn, quy định hẳn hoi, vậy mà khi đi ra ngân hàng, họ nhất nhất không chấp nhận: Tôi - cô Nguyễn Thị H.N. trong chứng minh thư này là cô Nguyễn Thị H.N. trong căn cước công dân kia. Dù tất tật từ mặt mũi đến thông tin trên hai tờ giấy giống nhau, chỉ khác mã số.
Tôi không vay hay cho ai vay được tiền qua ngân hàng mà phải đi xin một tờ chứng nhận của Công an rằng “tôi chính là tôi đấy”. Mất 5 ngày làm việc mới xin được.
Mà cái này cũng hình như tùy quận, tùy phường. Vì không phải là một thủ tục hành chính được công nhận nên không có quy định về thời hạn giải quyết. Linh động thì trong ngày, không linh động thì 5 ngày. Đại loại thế.
Nếu liên quan đến hộ chiếu, hộ khẩu, mua bán nhà đất, vay, cầm cố ngân hàng... thì rất chi là lằng nhằng vì số căn cước công dân vừa được cấp khác với số chứng minh thư đã lưu trong hệ thống của ngân hàng, cơ quan thuế trước đấy.
Thôi thì hy vọng lần này, với nhiều quy định trong Luật Cư trú sắp có hiệu lực kết hợp với Nghị định mới hướng dẫn thi hành Luật Căn cước công dân, những vướng mắc sẽ từng bước được giải quyết.
Mà nếu cần sửa Luật nào để kết nối thông tin giữa các Bộ, ngành để quản lý, giám sát, chia sẻ thông tin tốt nhất thì làm luôn.
Quốc hội ta đã từng ban hành một Luật sửa nhiều Luật và cho thấy rất hiệu quả.
Nếu không, mang danh “công dân số” trong “xã hội số” được quản lý bằng Chính phủ điện tử mà cầm cái căn cước công dân có mã định danh đi đâu cũng phải kèm theo một mớ giấy tờ xác nhận kèm theo như thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, hộ khẩu... thì khổ chứ không sướng gì.
Khổ nhất là việc chứng minh “tôi là tôi” như dẫn chứng ở trên.
Làm công dân trong một xã hội số, mọi giao dịch thanh toán, học tập, thông tin... đều được thực hiện trên môi trường internet, nếu không trang bị đủ kỹ năng, sự hiểu biết thì lợi bất cập hại.
Không biết bảo mật thông tin, không biết phòng vệ trước tội phạm công nghệ số, không biết đâu là quyền, nghĩa vụ của mình theo Luật An ninh mạng, “công dân số” sẽ phải trả giá.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cong-dan-so-suong-hay-kho-d501233.html