Công đoàn Công Thương Việt Nam gửi yêu thương tới những người gìn giữ rừng xanh
Ngày 21/5, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã trao tận tay người lao động ngành lâm nghiệp tại Tuyên Quang - những con người thầm lặng giữ màu xanh cho đất nước.
Gửi yêu thương giữa đại ngàn
Tiếp nối chuỗi hoạt động của Tháng Công nhân năm 2025, ngày 21/5, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã trực tiếp đến với những cánh rừng nguyên liệu của tỉnh Tuyên Quang, nơi hàng trăm công nhân ngày ngày bám rừng, bám đất, dựng nên những cánh rừng nguyên liệu cho ngành giấy.
Tại đây, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lê An Hải cùng Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Vũ Trường Sơn đã trao tặng những phần quà thiết thực đến các đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 3 lâm trường nguyên liệu giấy thuộc tỉnh Tuyên Quang. Đó là Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên, Công ty Lâm nghiệp Tân Thành và Công ty Lâm nghiệp Tân Phong.

Công đoàn Công Thương Việt Nam trao quà cho 3 công ty lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang.
Ngoài quà của Công đoàn Công Thương Việt Nam cho 3 tập thể là 3 triệu đồng, mỗi cá nhân được nhận 1 triệu đồng tiền mặt, 2 túi quà bằng hiện vật trị giá 500.000 đồng và quà của Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam. Dù không quá lớn về vật chất, nhưng đây là lời động viên sâu sắc, là sự thấu hiểu và sẻ chia từ tổ chức công đoàn.
Thay mặt ba công ty có người lao động được nhận quà trong dịp này, ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên không giấu được niềm xúc động khi chia sẻ, cả ba đơn vị chỉ còn lại khoảng 100 cán bộ, công nhân viên, con số khiêm tốn so với những năm trước. Nhiều phòng ban vốn từng đông đúc, nay chỉ còn vỏn vẹn 3-4 người khó khăn.

Những món quà nhỏ nhưng là lời động viên sâu sắc, là sự thấu hiểu và sẻ chia từ tổ chức công đoàn tới người lao động.
Dưới làn gió đổi mới của Tổng công ty Giấy Việt Nam, người lao động nơi đây không chỉ dừng lại ở vai trò người làm thuê. Họ tự làm chủ trên chính mảnh đất mình gắn bó, chủ động phát triển kinh tế rừng. Có người sở hữu 5 ha, có người trồng tới vài chục ha rừng nguyên liệu. Những người từng quen tay cầm cuốc, giờ đây kiêm luôn vai trò quản lý trang trại, họ nuôi cá, trồng chanh, trồng cam, thả vịt… để tăng thêm thu nhập. Ngay cả các trưởng phòng, đội trưởng cũng không đứng ngoài cuộc để làm gương, làm thật và làm giỏi.
Ông Hiếu nghẹn ngào khi kể về những ngôi nhà mới được dựng lên giữa vùng rừng sâu, những chiếc xe máy mới lăn bánh trên đường đất đỏ, những ánh mắt rạng ngời sau mùa thu hoạch. Từ những bàn tay chai sần, những giọt mồ hôi mặn đắng, người công nhân rừng hôm nay đã vươn lên làm giàu không chỉ cho mình, mà còn thắp hy vọng cho cả cộng đồng.
Lan tỏa niềm tin, dựng xây tương lai
Lắng nghe những chia sẻ chân tình từ Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lê An Hải không giấu được niềm vui và sự khâm phục trước tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, người lao động tại các lâm trường tỉnh Tuyên Quang. Ông đánh giá cao mô hình quản trị “ba nhà”, nơi người lao động, người sử dụng lao động và chính quyền cơ sở cùng ngồi lại, cùng tháo gỡ khó khăn, bảo đảm hài hòa lợi ích. Mô hình ấy không chỉ giữ cho sản xuất được ổn định, mà còn chắp cánh cho giấc mơ đổi đời từ chính bàn tay và sức lực của người trồng rừng.

Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lê An Hải phát biểu.
Với ánh mắt đầy tin tưởng, Chủ tịch Lê An Hải kỳ vọng trong vòng vài chục năm tới, với đất đai màu mỡ, khí hậu thuận hòa và quyết tâm ứng dụng kỹ thuật mới, người trồng rừng hoàn toàn có thể trở thành triệu phú, thậm chí tỷ phú.
Tuy nhiên, không né tránh thực tế, Chủ tịch Lê An Hải cũng thẳng thắn chỉ ra những rào cản mà các lâm trường đang phải đối diện. Đó là nhân lực ngày càng mỏng, điều kiện sản xuất còn hạn chế, cơ chế chính sách chưa thực sự cởi mở. Song với vai trò là “người giữ lửa” cho quyền lợi người lao động, Công đoàn Công Thương sẽ tiếp tục là cầu nối, là tiếng nói, là chỗ dựa vững chắc, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và đời sống cho công nhân ngành lâm nghiệp.
Tại chương trình trao quà Tháng Công nhân, bà Ngô Thị Thu Hằng - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam chia sẻ, với sự đồng hành của lãnh đạo Tổng công ty, tổ chức công đoàn đã làm tốt vai trò đại diện, chăm lo thiết thực cho người lao động. Đặc biệt, Công đoàn Cụm Tuyên Quang là điểm sáng với nhiều sáng kiến hướng về người lao động và cộng đồng.
Một trong những khoảnh khắc lắng đọng nhất trong chuyến công tác lần này là buổi thăm hỏi gia đình anh Trần Đức Hữu, công nhân Đội 24 thuộc Công ty Lâm nghiệp Tân Phong. Giữa rừng nguyên liệu bạt ngàn, căn nhà nhỏ của anh hiện lên như một dấu lặng lặng thầm giữa bộn bề mưu sinh. Gia đình anh thuộc diện đặc biệt khó khăn khi thu nhập bấp bênh, công việc thiếu ổn định, vợ chồng gắng gượng nuôi con nhỏ và chăm sóc mẹ già đã ngoài 70 tuổi.

Công đoàn Công Thương Việt Nam trao 50 triệu đồng cho người lao động để hỗ trợ xây dựng "mái ấm công đoàn".
Chia sẻ nỗi lo toan cùng anh, đoàn công tác đã trao tặng 50 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng "Mái ấm Công đoàn", một nghĩa cử tuy không lớn về vật chất, nhưng mang theo bao yêu thương và hy vọng. Trong giây phút nhận món quà ấy, không chỉ có ánh mắt nghẹn ngào của người công nhân, mà còn là niềm xúc động lan tỏa giữa những người chứng kiến.

Đoàn công tác của Công đoàn Công Thương Việt Nam và các đơn vị, công ty tại tỉnh Tuyên Quang chụp ảnh lưu niệm.
Trong chuỗi hoạt động Tháng Công nhân năm nay, Công đoàn Công Thương đã triển khai thăm hỏi, tặng quà tại nhiều đơn vị thành viên, trong đó Tổng công ty Giấy Việt Nam là đơn vị thứ năm được chọn. Tổng giá trị quà tặng của chương trình khoảng 500 triệu đồng, gồm 4 "mái ấm Công đoàn", 95 suất quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn và 13 phần quà dành cho các công đoàn cơ sở.