Công an tỉnh Khánh Hòa tiên phong trong triển khai Đề án 06
Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định vai trò tiên phong trong thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Từ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến triển khai các mô hình thí điểm và tuyên truyền sâu rộng, Công an tỉnh không chỉ góp phần hiện đại hóa quản lý hành chính mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Triển khai quyết liệt
Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã thể hiện vai trò chủ lực trong việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, từ chỉ đạo đến triển khai thực tiễn. Qua đó, nhận được sự phối hợp chặt chẽ của đơn vị chức năng trong việc cung cấp dữ liệu, rà soát thông tin và hỗ trợ các cơ quan khác trong việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công an tỉnh còn phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xử lý dữ liệu sai lệch giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo thông tin chính xác và liên thông. Với mục tiêu hoàn thành rà soát 41.463 trường hợp trước ngày 26-4-2025, lực lượng công an đã đóng vai trò then chốt trong việc đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng dữ liệu.

Quy trình cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người dân.
Một trong những thành tựu nổi bật của lực lượng Công an tỉnh là cung cấp 100% (12/12) dịch vụ công trực tuyến thiết yếu thuộc thẩm quyền trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các dịch vụ này bao gồm các thủ tục hành chính (TTHC) quan trọng như: Cấp căn cước, đăng ký thường trú, tạm trú và các dịch vụ liên quan đến định danh điện tử. Việc triển khai toàn diện này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn giảm tải áp lực cho các cơ quan hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đặc biệt, Công an tỉnh đã hỗ trợ tích hợp các giấy tờ cá nhân như giấy phép lái xe và đăng ký xe vào tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID. Điều này giúp người dân dễ dàng sử dụng các giấy tờ điện tử thay thế bản giấy trong các giao dịch hành chính và thương mại, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số sâu rộng.
Một bước tiến quan trọng là đơn vị đã hoàn thành chuyển giao nhiệm vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp sang Công an tỉnh, bắt đầu từ ngày 1-3. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06, nhằm đơn giản hóa TTHC và tăng cường ứng dụng công nghệ. Theo thống kê, đến giữa tháng 5, Công an tỉnh đã tiếp nhận và xử lý hàng nghìn hồ sơ lý lịch tư pháp thông qua VNeID. Việc cấp lý lịch tư pháp trên VNeID không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn thể hiện sự linh hoạt và hiệu quả trong quản lý dữ liệu dân cư. Lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, dữ liệu được đồng bộ chính xác, tạo niềm tin cho người dân khi sử dụng dịch vụ.
Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Công an tỉnh là đơn vị chủ chốt trong việc khai thác và ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ tiếp nhận và giải quyết TTHC. Trong tháng 4, lực lượng công an đã thực hiện 51.948 lượt khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm 489 lượt xác minh căn cước công dân/chứng minh nhân dân, 298 lượt xác minh thông tin chủ hộ và 51.161 lượt lấy thông tin công dân. Tính từ đầu năm, tổng số lượt khai thác đạt 704.236, trong đó các hoạt động xác minh và lấy thông tin công dân chiếm tỷ lệ lớn.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh, số liệu trên phản ánh vai trò quan trọng của lực lượng công an trong việc đảm bảo dữ liệu dân cư được sử dụng hiệu quả, hỗ trợ các cơ quan hành chính và doanh nghiệp trong việc xác thực thông tin. Công an tỉnh cũng tham gia triển khai các mô hình ứng dụng dữ liệu dân cư, như quản lý lưu trú tại cơ sở khám, chữa bệnh và hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua VNeID, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Lực lượng công an cũng tích cực tham gia triển khai các mô hình thí điểm và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin theo Đề án 06. Trong số 20 mô hình đang được tiếp tục thực hiện, Công an tỉnh đóng vai trò chủ đạo như xây dựng ít nhất 20 dịch vụ công không sử dụng bộ hồ sơ giấy, hay việc hỗ trợ tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID. Ngoài ra, Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị để đánh giá và tạm dừng 3 mô hình chưa hiệu quả, đồng thời đề xuất giải pháp cho các mô hình đang chờ hướng dẫn của Trung ương. Sự chủ động này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn đảm bảo các mô hình triển khai phù hợp với thực tiễn địa phương.