Công đoàn Lâm Đồng vững bước trên con đường hội nhập và phát triển
Trải qua 44 năm thành lập và hoạt động gắn liền với sự phát triển của tỉnh, Công đoàn Lâm Đồng vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
44 năm thành lập và phát triển
Khi thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa và xây dựng Đà Lạt thành thị tứ, trung tâm nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Đông Dương, chúng tiến hành xây dựng đường giao thông, công sở, dinh thự, công trình điện, nước,…và thiết lập hàng loạt đồn điền lớn nhỏ. Các chính sách mộ phu của nhà cầm quyền thực dân cũng chuyển từ mộ phu cưỡng bức (bắt phu, bắt xâu) sang mộ phu cưỡng bức có “lương” hay tuyển phu, tuyển công nhân “tình nguyện”,... đã hình thành lực lượng công nhân làm việc trong các công trường, đồn điền của thực dân Pháp. Cùng với phong trào cách mạng cả nước, với các tên gọi Công hội đỏ, Hội ái hữu,…; lực lượng công nhân ở Lâm Đồng đã viết nên trang sử đấu tranh giành độc lập và trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược.
Sau ngày giải phóng đất nước 30 tháng 4 năm 1975, Khu ủy Khu VI và Liên hiệp Công đoàn giải phóng Khu Nam Trung Bộ đã quyết định thành lập Liên hiệp Công đoàn giải phóng thành phố Đà Lạt, Liên hiệp Công đoàn giải phóng tỉnh Lâm Đồng và Liên hiệp Công đoàn giải phóng tỉnh Tuyên Đức. Chỉ vài tháng sau, Liên hiệp Công đoàn giải phóng thành phố Đà Lạt đã nhanh chóng thành lập các Hội Công nhân lao động giải phóng thuộc các ngành nghề vận tải, may mặc, kiến trúc, tiểu thương Chợ Đà Lạt, sản xuất rau - hoa, cơ khí, nhiếp ảnh,... để tập hợp lực lượng lao động cá thể ở các ngành nghề tự do gia nhập vào tổ chức công đoàn. Theo yêu cầu sáp nhập tỉnh, ngày 25/9/1976, Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở thống nhất các Liên hiệp Công đoàn giải phóng tỉnh Lâm Đồng (cũ), tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lâm Đồng lúc bấy giờ đã nhanh chóng tập hợp đông đảo công nhân, viên chức vào tổ chức công đoàn, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, giác ngộ cho đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tích cực tham gia khôi phục, phát triển sản xuất, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện tốt vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn. Đến cuối năm 1976, toàn tỉnh đã có 68 công đoàn cơ sở với 3.167 đoàn viên trong tổng số hơn 12 ngàn công nhân, viên chức. Gắn liền với sự phát triển của tỉnh, trải qua 9 kỳ đại hội và thay đổi tên gọi theo hướng dẫn của Tổng Công đoàn Việt Nam, đến nay Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Lâm Đồng đã có 12 LĐLĐ huyện, thành phố, 3 công đoàn ngành địa phương (Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Công đoàn Viên chức tỉnh với 1.517 công đoàn cơ sở, đã tập hợp được 65.670 đoàn viên trên tổng số hơn 75 ngàn CNVCLĐ trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Cùng với đó, công tác xây dựng tổ chức công đoàn và phong trào CNVCLĐ trong tỉnh ngày càng phát triển lớn mạnh, phát huy hiệu quả trong thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.
Vững bước trên con đường hội nhập
Với tinh thần quyết tâm “Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn”, Đại hội Công đoàn tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã xác định ba khâu đột phá là: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện; Đại diện bảo vệ hiệu quả, chăm lo thiết thực lợi ích đoàn viên.
Theo đó, cán bộ công đoàn các cấp trong tỉnh thường xuyên được đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cũng như kiến thức pháp luật và các kỹ năng xã hội, tập trung bám sát từng địa bàn, khảo sát, tuyên truyền, vận động người lao động trong các doanh nghiệp gia nhập tổ chức công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở. Thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, các cấp công đoàn trong tỉnh tích cực tham gia góp ý xây dựng dự thảo quy định các chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, CNVCLĐ và tổ chức công đoàn, chính sách nhà ở, hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng thiết chế văn hóa, nhà trẻ tại các khu công nghiệp. Chủ động tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, tham gia thanh tra, kiểm tra thực hiện các chính sách, pháp luật và giải quyết tranh chấp lao động,... Qua đó, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNVCLĐ, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng kịp thời xử lý vi phạm, giải quyết vướng mắc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ cũng được triển khai hiệu quả bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình của từng công đoàn cơ sở với các chương trình như: thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, “Tết sum vầy”, “Mái ấm công đoàn”, “Gian hàng nghĩa tình đoàn viên”, “Phiên chợ nhân đạo”, ký kết các thỏa thuận hợp tác về chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên” và “Quỹ trợ vốn CNVCLĐ”, “Quỹ hỗ trợ CNVCLĐ”, “Quỹ tương trợ”,...để hỗ trợ cho đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn và cho đoàn viên, CNVCLĐ vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp để ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành động lực của mỗi tập thể và mỗi cá nhân với các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xanh - sạch - đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”,… Mỗi cấp công đoàn luôn cụ thể hóa các phong trào thi đua do địa phương, ngành và công đoàn cấp trên phát động, để phù hợp theo đặc thù riêng của đơn vị, đã thu hút được đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia, tạo sự chuyển biến về nhận thức và nâng cao năng suất lao động, làm việc đạt hiệu quả cao hơn, mỗi năm đã có hàng trăm đề tài, giải pháp sáng kiến của CNVCLĐ được các cấp công nhận với giá trị làm lợi hàng tỷ đồng.
Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho Công đoàn Việt Nam, nhất là trong việc thu hút, tập hợp đoàn viên, người lao động. Cùng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn từ tỉnh đến cơ sở cần đổi mới cả tư duy và hành động, nâng cao trình độ và kỹ năng vận động quần chúng, đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn trong tình hình mới; mỗi cán bộ công đoàn phải thực sự là một “chiến sỹ” trong phong trào thi đua “đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động công đoàn”; hướng mạnh về cơ sở, lấy công đoàn cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; lấy đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu hoạt động; xây dựng Công đoàn tỉnh vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển bền vững.