Công đoàn ngành dệt may: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa

Thời gian qua, các cấp công đoàn trong ngành dệt may Việt Nam đã chủ động tham gia và phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp phát huy tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở hướng đến xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển trong các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành.

Theo lãnh đạo Công đoàn Dệt may Việt Nam, với gần 3 triệu người lao động (NLĐ), dệt may là ngành có lực lượng lao động đông nhất và có tỷ lệ biến động lao động lớn so với các ngành khác trên cả nước. Quan hệ lao động ngành dệt may tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp do thu nhập NLĐ chưa cao, điều kiện làm việc còn hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức, tác phong công nghiệp của NLĐ chưa cao do phần lớn xuất thân từ nông thôn, tuổi đời còn trẻ, nhận thức xã hội chưa cao,… Để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp thì việc thực hiện Quy chế dân chủ trong quan hệ lao động là yếu tố then chốt và luôn được các tổ chức công đoàn trong toàn hệ thống chú trọng và phát huy.

 Đối thoại định kỳ giữa Công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty CP Dệt May Huế

Đối thoại định kỳ giữa Công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty CP Dệt May Huế

Trong nhiều năm qua, tổ chức công đoàn các cấp trong ngành đã chủ động tham gia và phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp phát huy tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo ra những tác động tích cực trong quá trình phát triển chung của toàn ngành. Cụ thể, công đoàn các cấp đã tham gia và phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp xây dựng, giám sát thực hiện thang bảng lương, định mức lao động, quy chế lương thưởng, nội quy lao động, an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường làm việc…

Các công đoàn cơ sở cũng tích cực tham gia quản lý, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tham gia vào quá trình tuyển dụng, đào tạo, sắp xếp lao động, thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ theo quy định của pháp luật và Thỏa ước lao động tập thể; tư vấn để NLĐ ký kết hợp đồng lao động theo đúng pháp luật và giám sát quá trình thực hiện.

Ở cấp ngành, Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức Hội nghị NLĐ đảm bảo dân chủ và đúng quy định. Bình quân hàng năm có hơn 95% đơn vị tổ chức Hội nghị NLĐ. Hầu hết các đơn vị đã xây dựng Quy chế dân chủ, xây dựng Quy chế đối thoại tại nơi làm việc. Giai đoạn 2011-2020 có 1.505 cuộc đối thoại được tổ chức tại nơi làm việc. Tổ chức đối thoại cấp cao giữa Công đoàn Dệt may Việt Nam, NLĐ với Tổng giám đốc tập đoàn về xây dựng các chính sách đãi ngộ bền vững; chế độ khen thưởng và tôn vinh NLĐ; những thách thức đối với doanh nghiệp, với tổ chức công đoàn và NLĐ trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0…

Thời gian tới, các cấp công đoàn ngành sẽ tiếp tục phát huy việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở với việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong doanh nghiệp để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, dân chủ và tiến bộ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, xây dựng quy trình đối thoại, có hướng dẫn cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp. Chú trọng tới vai trò và quyền lợi của NLĐ, triển khai các giải pháp nhằm thích ứng với điều kiện dịch bệnh và sau dịch bệnh để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng, đảm bảo an toàn và đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ.

Các cấp Công đoàn Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng đối thoại xã hội; duy trì các kênh trao đổi hai chiều để nắm bắt được ý kiến của NLĐ, tạo sự đồng thuận hai bên trong áp dụng các giải pháp duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập và an toàn cho NLĐ.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-doan-nganh-det-may-xay-dung-quan-he-lao-dong-hai-hoa-164862.html