Công đoàn ngành Y tế Tiền Giang: Đồng hành cùng 'chiến sĩ áo trắng', chiến thắng đại dịch
Hơn 3 năm qua, cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng đã chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của đại dịch Covid-19. Vào những thời điểm cam go nhất của đại dịch, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh nhà đã làm việc quên ngày, quên đêm, với nhiều hy sinh, mất mát để giành giật sự sống cho người bệnh. Khi đại dịch qua đi, những 'chiến sĩ áo trắng' ấy tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức từ trong chính nội tại của ngành để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trước tình hình trên, với sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng sự phát huy vai trò của Công đoàn ngành Y tế Tiền Giang và các Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ, đồng hành cùng người lao động, chiến thắng đại dịch Covid-19.
NHỮNG NGÀY THÁNG KHÓ QUÊN
Giống như nhiều tỉnh, thành của cả nước, đại dịch Covid-19 đã từng hoành hành trên khắp địa bàn tỉnh Tiền Giang với những đợt bùng phát, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, gây tác động, thiệt hại nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong những lúc cao điểm, cam go nhất của mỗi đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng luôn là lực lượng tuyến đầu chống dịch, không ngừng “chiến đấu” với dịch bệnh, phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Tiền Giang Nguyễn Trung Tần chia sẻ: Có thể nói, hơn 3 năm qua với người lao động ngành Y tế là một thời gian đặc biệt, thời gian không thể quên lãng và không thể nào kể hết sự cống hiến, hy sinh, gian khổ, mất mát của những cán bộ, nhân viên y tế trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, một cuộc chiến đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử y tế Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, hầu hết các đơn vị y tế trong ngành Y tế của tỉnh đã huy động tất cả mọi nguồn lực, đặc biệt là nhân lực đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Có những lúc cao điểm, khối lượng công việc rất lớn, áp lực nặng nề nên cán bộ, nhân viên y tế, đội ngũ y, bác sĩ phải làm việc hết sức vất vả.
Toàn ngành Y tế tỉnh đã tập trung 100% sức lực có được. Có bác sĩ còn cho biết họ đã phải làm việc gấp 2 - 3 lần so với bình thường, tức từ 200% - 300% công suất thường ngày, không kể ngày đêm, trong hay ngoài giờ, ngày nghỉ, lễ... để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong điều kiện thiếu thốn nguồn nhân lực và cả máy móc, trang thiết bị y tế do số bệnh nhân Covid-19 tăng cao, vượt khả năng phục vụ hiện có của ngành Y tế lúc bấy giờ.
Tinh thông y thuật, tận tụy cứu người… chiếc áo blouse trắng đã trở thành hình tượng cao đẹp khi chúng ta nghĩ về những người bác sĩ và các nhân viên y tế.
Cao hơn cả các kiến thức học thuật, nhiều người trong số họ còn là tấm gương về sự hy sinh lặng thầm và bền bỉ, là minh chứng của sự xả thân và tình yêu thương, vượt qua mọi lực cản để cứu chữa bệnh nhân, mang đến sự sống và chất lượng sống cho những người tưởng chừng như đã tuyệt vọng vì bệnh tật…
Tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống, trí tuệ, lòng nhiệt huyết và đạo đức nghề nghiệp “Lương y như từ mẫu”, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế Tiền Giang sẽ chung sức, đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực vượt mọi khó khăn, thách thức để phấn đấu giành được nhiều thành tích, tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Mong rằng mỗi cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh sẽ luôn là tấm gương sáng về sự nỗ lực, hy sinh, hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tiếp tục vượt qua thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầy vinh quang của người thầy thuốc.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, dù đã có 772 cán bộ, y, bác sĩ và người lao động ngành Y tế tỉnh bị nhiễm Covid-19, chưa tính những người tiếp xúc gần bị ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc (số liệu đến ngày 12-2-2022), nhưng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế vẫn không chùn bước, những “chiến sĩ áo trắng” âm thầm, lặng lẽ dấn thân, cống hiến, hy sinh tình cảm và lợi ích cá nhân để góp phần mang lại cuộc sống bình an cho người dân.
Đó là sự đóng góp tích cực của y, bác sĩ tỉnh nhà trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đến thời điểm hiện nay, dù dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhưng khi nhớ lại giai đoạn cao điểm, mọi người vẫn còn cảm thấy áp lực quá lớn.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Mai Nhiên, Phó Trưởng khoa Nội B, Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, người từng được điều về làm Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 tỉnh Tiền Giang thành lập vào ngày 29-7-2021, đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang, nhớ lại: “Lúc bấy giờ dịch bùng phát dữ dội, những ngày cuối tháng 7-2021, Trung tâm chỉ có 16 bệnh nhân, đến giữa tháng 8-2021 có 60 bệnh nhân, cuối tháng 8 lên tới 100 bệnh nhân, toàn bệnh nặng phải thở máy, các bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc bệnh nhân từ “A đến Z”.
Trung tâm có 60 máy thở nội khí quản, 60 máy oxy dòng cao, đủ đáp ứng nhu cầu, nhưng nhân lực thiếu trầm trọng. Theo biên chế, tôi sẽ là bác sĩ làm công tác quản lý, nhưng hằng ngày tôi phải vừa làm bác sĩ điều trị, vừa hướng dẫn... Tôi có mặt ở tất cả các ca trực để hướng dẫn, giúp đỡ các đồng nghiệp.
Cứ chỗ nào thiếu, chỗ nào cần là tôi phải nhảy vào, từ việc dự trù vật tư, trang thiết bị cho đến sắp xếp ca trực… Cứ thế mà tôi phải xa nhà, xa con nhỏ suốt 5 tháng ròng rã để chiến đấu với “giặc Covid-19”, nhưng đến lúc về nhà thì tôi lại không dám đến gần con, vì sợ lây bệnh cho con”.
Theo chia sẻ của bác sĩ Mai Nhiên, thì nỗi ám ảnh với cô cho tới bây giờ là phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, trắng toát thật ghê sợ, bởi nó vướng víu, bức bối, ngột ngạt đến khó thở, không ngửi được mùi và không bao giờ mắc tiểu, vì đơn giản là do người mặc không thể uống nước được, lại ra nhiều mồ hôi. Khi cởi đồ bảo hộ ra, mồ hôi đọng ướt như tắm, màu da tái nhợt, chân tay tê móp…
CÔNG ĐOÀN ĐỒNG HÀNH CÙNG “CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG”
Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Tiền Giang Nguyễn Trung Tần, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chuyên môn của ngành và sự phát triển của các đơn vị y tế. Dịch bệnh đã đặt lên vai cho ngành Y tế của tỉnh những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ.
Song, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và Công đoàn ngành Y tế tỉnh, trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong toàn ngành Y tế tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức cùng với cả hệ thống chính trị chiến thắng đại dịch Covid-19, đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái bình thường, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Theo đồng chí Nguyễn Trung Tần, Công đoàn ngành Y tế tỉnh hiện có 34 CĐCS với 6.197 công đoàn viên/6.223 cán bộ, CNVCLĐ. Công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động cũng như tổ chức các hoạt động xã hội trong những năm qua cũng như năm 2022, luôn được các cấp Công đoàn ngành Y tế Tiền Giang xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Qua đó, giúp đoàn viên, người lao động yên tâm công tác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng đơn vị ngày càng phát triển.
Theo đó, năm 2022, Công đoàn ngành Y tế tỉnh luôn chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành để triển khai các hoạt động của tổ chức Công đoàn. Đồng thời, tích cực tham gia phối hợp với các hoạt động của Sở Y tế hướng về cơ sở.
Nhờ vậy, trong năm qua, Công đoàn ngành Y tế tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Công đoàn cấp trên giao; chủ động triển khai các chuyên đề hoạt động theo chương trình, kế hoạch đã đề ra ngay từ đầu năm.
Đồng thời, Công đoàn ngành Y tế tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, CNVCLĐ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có hoàn cảnh khó khăn…
Công đoàn ngành đã chỉ đạo CĐCS phối hợp với chuyên môn nắm chắc tình hình lao động, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật đối với người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc và các khoản phúc lợi khác cho người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật…
Cùng với các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, CNVCLĐ, Công đoàn ngành Y tế tỉnh còn làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục; tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, làm tốt công tác thi đua khen thưởng động viên kịp thời người lao động...
Với sự đồng hành của các cấp Công đoàn ngành Y tế tỉnh đã tiếp thêm động lực để đoàn viên, CNVCLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị và của ngành, nhất là kết quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Với nhiều nội dung hoạt động hướng về cơ sở, vì đoàn viên, CNVCLĐ, cùng với sự nỗ lực của các cấp Công đoàn trong toàn ngành, Công đoàn ngành Y tế Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong các phong trào thi đua.
Chính những kết quả toàn diện của hoạt động Công đoàn ngành Y tế tỉnh trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của ngành Y tế, sự phát triển chung của tỉnh nhà và phong trào CNVCLĐ, hoạt động Công đoàn.
Phải khẳng định rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Y tế Tiền Giang đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các nhiệm vụ được giao và từng bước làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Sau những vất vả thì sự động viên sẽ giúp ngành Y tế tỉnh nhà có sinh lực, nguồn cảm hứng, động lực để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.