Công đoàn Ninh Bình: Điểm tựa vững chắc cho công nhân lao động
Bằng nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo cùng với tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam, nhiệm kỳ qua, Công đoàn Ninh Bình đã vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra, ngày càng khẳng định vị thế trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Vì lợi ích đoàn viên
Xác định chăm lo đời sống, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn, nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, chủ động làm việc với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Hàng năm, 100% cơ quan, đơn vị khối hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 100% doanh nghiệp Nhà nước và 71,2% Công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tổ chức Hội nghị người lao động, vượt 6,2% chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra. Qua đó, tạo sự dân chủ, bình đẳng và đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên. Đáng phấn khởi là công tác đối thoại định kỳ tại nơi làm việc giữa Công đoàn, công nhân lao động và người sử dụng lao động được thực hiện ngày càng nền nếp, khoa học. Thông qua đối thoại nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và kịp thời giải đáp những băn khoăn, vướng mắc và kiến nghị của người lao động, hạn chế thấp nhất tình trạng đơn thư khiếu nại, ngừng việc tập thể và tranh chấp lao động phức tạp xảy ra.
Trong nhiệm kỳ qua, có 1.287 lượt CĐCS doanh nghiệp tổ chức 1.732 cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động với công nhân lao động, tỷ lệ bình quân hàng năm số CĐCS doanh nghiệp tổ chức đối thoại đạt 75%, vượt 15% chỉ tiêu nhiệm kỳ.
Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong tham gia giải quyết các vụ ngừng việc tập thể, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh và các cấp Công đoàn đã kịp thời, chủ động sâu sát nắm bắt tình hình; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tổ chức đối thoại tìm biện pháp giải quyết triệt để. 100% cuộc ngừng việc xảy ra đã được giải quyết ổn thỏa. Công tác thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp được các cấp Công đoàn chú trọng. Đã có 106 bản Thỏa ước lao động tập thể được ký mới, vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra; nội dung Thỏa ước có nhiều điều khoản mới, có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát pháp luật lao động được chú trọng triển khai. Công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động được các cấp công đoàn quan tâm và tiếp tục duy trì.
Nhằm chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Nổi bật như các hoạt động "Tết Sum vầy", "Tháng Công nhân"... đã trở thành điểm nhấn trong hoạt động Công đoàn. Với phương châm "Không để đoàn viên, công nhân lao động nào không có Tết", hàng năm, Công đoàn đã trích kinh phí hoạt động và huy động các nguồn lực từ các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội giúp đỡ, chăm lo cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời tham mưu mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh về thăm doanh nghiệp, chúc Tết, tặng quà cho công nhân. 5 năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã chủ động tổ chức thăm hỏi, tặng 398.422 suất quà với tổng số tiền 177,7 tỉ đồng. Đồng thời, huy động hỗ trợ, xây mới và sửa chữa 124 nhà "Mái ấm công đoàn" với tổng số tiền trên 4,3 tỉ đồng, đạt 332% chỉ tiêu nhiệm kỳ.
Thực hiện chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động", 5 năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã chủ động đàm phán, thương lượng ký mới 97 Thỏa thuận hợp tác về cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi từ 5-10% cho đoàn viên; giúp trên 200.000 lượt người được tiếp cận sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi với tổng số tiền hưởng lợi trên 16,3 tỉ đồng. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và đề xuất với người sử dụng lao động nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động. Hiện nay, có 221/291 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca cho 75.745 người lao động, tăng 112 doanh nghiệp so với đầu nhiệm kỳ. Chất lượng bữa ăn ca ngày càng được cải thiện, có 155/221 doanh nghiệp đang thực hiện hỗ trợ ăn ca đảm bảo giá trị bữa ăn theo Kết luận số 03 của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đặc biệt, trong giai đoạn diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các cấp Công đoàn đã đi đầu trong việc đồng hành với người sử dụng lao động tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ quan, doanh nghiệp để đảm bảo an toàn sản xuất. Kịp thời triển khai các gói hỗ trợ cho công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đảm bảo công khai, minh bạch. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch; chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch với số tiền 1,63 tỉ đồng; tặng 23.346 hộp khẩu trang, kính chắn giọt bắn và một số nhu yếu phẩm cho CĐCS các doanh nghiệp, các chốt kiểm dịch và các điểm cách ly tập trung. LĐLĐ tỉnh đã rà soát, hỗ trợ 182 lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Quyết định số 6696 của Tổng LĐLĐ Việt Nam với số tiền 198,5 triệu đồng.
Những hoạt động trên đã khẳng định vai trò cầu nối giữa người lao động và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tổ chức công đoàn, tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên, người lao động yên tâm công tác, lao động và cống hiến.
Dấu ấn trong phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã xây dựng chương trình công tác với các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và ban hành các văn bản... để triển khai đến các cấp công đoàn. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kịp thời, toàn diện, sát đúng, qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn.
Nổi bật là công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS có đổi mới rõ nét về cách tiếp cận và hình thức thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã thành lập mới 135 CĐCS, kết nạp mới 55.227 đoàn viên công đoàn. Số đoàn viên tăng thực tế trong nhiệm kỳ là 32.401 người (đạt 180% chỉ tiêu Đại hội đề ra).
Đến nay, LĐLĐ tỉnh đang quản lý 1.085 CĐCS trực thuộc với 111.254 đoàn viên. Công tác xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn được tập trung thực hiện. Hằng năm, tỉ lệ công đoàn các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện theo hướng linh hoạt, tập trung nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn. Thông qua Chương trình "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn" trong nhiệm kỳ, đã có trên 50.000 lượt cán bộ công đoàn được đào tạo, bồi dưỡng tập huấn về nghiệp vụ (đạt chỉ tiêu Đại hội đề ra).
Các cấp công đoàn và đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh thông qua việc tham gia góp ý các văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hăng hái tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác giới thiệu, phát triển Đảng trong CNVCLĐ được quan tâm.
Trong nhiệm kỳ qua đã có hơn 5.000 đoàn viên công đoàn ưu tú được CĐCS giới thiệu để cấp ủy đảng xem xét kết nạp, trong đó có gần 4.000 đoàn viên công đoàn được kết nạp vào Đảng (vượt chỉ tiêu đề ra). Công tác đối ngoại được tăng cường, trong đó LĐLĐ tỉnh đã tăng cường giao lưu, hợp tác với các tổ chức công đoàn quốc tế, nhất là duy trì quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với Công đoàn tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) để học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động.
Một dấu ấn trong nhiệm kỳ qua là việc đổi mới, sáng tạo trong phát động và tổ chức các phong trào thi đua của các cấp công đoàn đã động viên đoàn viên, người lao động khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, thi đua lao động sản xuất. Nổi bật là các phong trào: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Thi đua phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới"; "Thi đua học tập, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên, người lao động"...
5 năm qua, thông qua phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" đã có trên 30.000 đề tài, sáng kiến của CNVCLĐ được thực hiện (đạt 300% chỉ tiêu). Trong đó, có 72 tác giả được tặng Bằng Lao động sáng tạo (vượt 44% chỉ tiêu); 220 công trình, sản phẩm được đăng ký thực hiện; gần 20.000 sáng kiến của đoàn viên, công nhân lao động tham gia Chương trình "75.000 sáng kiến và một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19", đạt 182% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao; trong đó có 10.125 đề tài, sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn, đạt 146% chỉ tiêu đề ra, qua đó đã làm lợi cho doanh nghiệp trên 2 tỉ đồng...
Ninh Bình là một trong những đơn vị đứng đầu trong Cụm thi đua LĐLĐ 9 tỉnh đồng bằng Sông Hồng và xếp thứ 18 toàn quốc trong thực hiện Chương trình. Qua các phong trào thi đua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ vững ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua là tiền đề vững chắc để Công đoàn Ninh Bình bước vào nhiệm kỳ mới với nhiều kỳ vọng mới. Với tinh thần "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển", nhiệm kỳ 2023-2028, phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, các cấp Công đoàn tỉnh Ninh Bình bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, quyết tâm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện, luôn là điểm tựa tin cậy của người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Dương Đức Khanh
Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam,
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh