Công đoàn Thủ đô đề xuất giải pháp xây dựng nguồn tài chính Công đoàn đủ mạnh, phát triển bền vững

Để xây dựng nguồn tài chính Công đoàn đủ mạnh, phát triển bền vững trong thời gian tới, thay mặt Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội thảo luận tại Diễn đàn số 5, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đề xuất 5 giải pháp.

Chiều nay (30/11), tham gia thảo luận tại Diễn đàn chuyên đề số 5 của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản Công đoàn, thay mặt đoàn đại biểu Công đoàn Thủ đô, đồng chí Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận, khẳng định: Công tác tài chính Công đoàn là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện đảm bảo cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nhằm xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng thảo luận tại Diễn đàn.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng thảo luận tại Diễn đàn.

Theo đó, trong nhiệm kỳ qua (2018 - 2023), LĐLĐ thành phố Hà Nội đã nỗ lực trong công tác quản lý tài chính, tài sản Công đoàn; hướng dẫn các cấp Công đoàn Thủ đô tích cực trong đôn đốc thu kinh phí, đoàn phí Công đoàn; đảm bảo đạt chỉ tiêu được giao.

Theo đồng chí Lê Đình Hùng: Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023 nêu rõ: “Tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính, quản lý tài sản Công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, thực hiện phân phối công bằng, hiệu quả; xây dựng nguồn lực đủ mạnh để đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”.

Xác định được tầm quan trọng đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng Chương trình số 04/Ctr-LĐLĐ ngày 18/9/2018 về “Tăng cường công tác quản lý tài chính Công đoàn, trọng tâm là nhiệm vụ thu kinh phí Công đoàn nhằm tạo nguồn lực nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn giai đoạn 2018 - 2023”.

Thực hiện các chương trình, kế hoạch của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trên cơ sở trọng tâm của Chương trình số 04/Ctr-LĐLĐ, LĐLĐ Thành phố đã thực hiện xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình phối hợp liên ngành với Cục Thuế Hà Nội, các sở ngành liên quan trong công tác phối hợp, đôn đốc thu kinh phí Công đoàn theo Nghị định số 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng Kế hoạch số 40/KH-LĐLĐ ngày 12/8/2020 về “Xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”… nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn trong tình hình mới, hướng dẫn, chỉ đạo Công đoàn cấp dưới triển khai thực hiện.

LĐLĐ Thành phố hiện đang quản lý 9.360 Công đoàn cơ sở với trên 700 ngàn đoàn viên; 45 Công đoàn cấp trên cơ sở; 9 đơn vị sự nghiệp, 3 doanh nghiệp Công đoàn trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Quang cảnh Diễn đàn.

Quang cảnh Diễn đàn.

Trong nhiệm kỳ qua, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã nỗ lực trong công tác quản lý tài chính, tài sản Công đoàn; hướng dẫn các cấp Công đoàn Thủ đô tích cực trong đôn đốc thu kinh phí, đoàn phí Công đoàn; đảm bảo đạt chỉ tiêu được giao. Công tác chi tài chính Công đoàn đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn và phúc lợi đoàn viên.

Kết quả, hằng năm LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã hoàn thành dự toán tài chính Công đoàn. Cụ thể: Thu kinh phí Công đoàn bình quân đạt 118%; thu đoàn phí Công đoàn đạt 109% dự toán Tổng Liên đoàn giao. Chi tài chính Công đoàn theo đúng dự toán được giao.

Hầu hết các đơn vị doanh nghiệp Công đoàn trực thuộc LĐLĐ Thành phố hoạt động khá hiệu quả, bám sát kế hoạch thành phố giao; LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện đổi mới hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận để góp phần tăng thu cho tổ chức Công đoàn. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội xây dựng và thực hiện cơ chế tự chủ theo các qui định của Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam; tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn thu để đảm bảo thực hiện cơ chế tự chủ tại đơn vị.

Công tác thực hiện công khai dự toán, quyết toán cho các cấp Công đoàn được duy trì hàng năm, hướng dẫn các cấp Công đoàn thực hiện công khai tài chính Công đoàn theo đúng qui định của Tổng LĐLĐ Việt Nam. 100% báo cáo quyết toán các Công đoàn cấp trên cơ sở được kiểm tra đồng cấp trước khi nộp về LĐLĐ Thành phố Hà Nội.

Nêu lên thực tế giai đoạn hiện nay và thời gian tới, tổ chức Công đoàn đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhằm xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng chí Lê Đình Hùng cho rằng công tác tài chính Công đoàn càng cần được đặc biệt coi trọng.

Đại biểu dự Diễn đàn.

Đại biểu dự Diễn đàn.

Để xây dựng nguồn tài chính Công đoàn đủ mạnh, phát triển bền vững, trong thời gian tới, thay mặt LĐLĐ thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đề xuất 5 giải pháp.

Thứ nhất, các cấp Công đoàn phải tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả việc thu kinh phí Công đoàn, đoàn phí Công đoàn, trong đó đề cao trách nhiệm của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và người đứng đầu Công đoàn các cấp trong công tác chỉ đạo thực hiện việc thu, phân phối, chi, quản lý và sử dụng tài chính Công đoàn, hạn chế thấp nhất việc thất thu kinh phí Công đoàn.

Thứ hai, tổ chức Công đoàn cần có những giải pháp mở rộng phát triển nguồn lực tài chính tiềm năng trong tương lai, mà trước hết bắt đầu từ những đơn vị, doanh nghiệp kinh tế của tổ chức Công đoàn. Công đoàn cần ưu tiên cần tuyển dụng, đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp có tầm nhìn chiến lược, có khả năng quản lý và năng lực quản trị hiện đại đối với các đơn vị, doanh nghiệp kinh tế kinh tế, thiết chế Công đoàn, khối tài sản Công đoàn để vận hành hiệu quả, mang lại nguồn thu, nguồn lực kinh tế cho tổ chức.

Các đơn vị sự nghiệp tiếp tục thực hiện Đề án tự chủ về biên chế và chi thường xuyên theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Các doanh nghiệp Công đoàn tiếp tục thực hiện Đề án, phương án đổi mới hoạt động của mình; chủ động nâng cao năng lực kinh doanh, tìm kiếm các đối tác tiềm năng; đổi mới phong cách phục vụ và thu hút khách hàng. Nâng cao doanh thu và tỉ suất lợi nhuận, đảm bảo nâng cao thu nhập cho người lao động, phấn đầu hoàn thành kế hoạch được giao, góp phần tăng nguồn thu cho tổ chức Công đoàn. Cùng với đó, Công đoàn các cấp cần đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, tranh thủ nguồn lực của cơ quan chuyên môn, tiết kiệm chi hành chính để có nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Thứ ba, Công đoàn các cấp phải tiếp tục đổi mới phương thức thu, nộp, quản lý tài chính, tài sản Công đoàn theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng số hóa, tích cực triển khai thu kinh phí khu vực doanh nghiệp qua tài khoản Công đoàn Việt Nam, tạo sự công khai minh bạch trong thu kinh phí Công đoàn các cấp để tránh tình trạng thất thoát. Công đoàn cần thành lập hệ thống quy định và biện pháp quản lý đảm bảo ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí.

Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp tài chính Công đoàn theo tinh thần hướng về cơ sở, phù hợp với tình hình mới, đảm bảo giảm thiểu thủ tục hành chính, khắc phục cơ chế “xin - cho”, tạo thuận lợi cho cơ sở.

Thứ năm, Công đoàn các cấp cần chủ động cân đối nguồn kinh phí được sử dụng hàng năm, phân bổ các mục chi đúng quy định; tổ chức chi đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đặc biệt ưu tiên chi cho các hoạt động hướng về cơ sở, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động.

B.Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-doan-thu-do-de-xuat-giai-phap-xay-dung-nguon-tai-chinh-cong-doan-du-manh-phat-trien-ben-vung-163386.html