Công đoàn Việt Nam - 94 năm song hành với người lao động
Tính đến nay, Công đoàn Việt Nam đã có 94 năm hình thành và phát triển. Trong gần 100 năm ấy, Công đoàn Việt Nam luôn bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức và lao động.
Chặng đường 94 năm đáng nhớ
Ngày 28.7.1929, Hội nghị Đại biểu Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất (họp tại trụ sở của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, số 15 Hàng Nón, Hà Nội) đã nhất trí thông qua chương trình, điều lệ và phương hướng hoạt động của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và bầu ra Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách.
Đại hội quyết định xuất bản Báo Lao động làm cơ quan thông tin, tuyên truyền và tạp chí “Công hội Đỏ” làm cơ quan lý luận truyền bá quan điểm, chủ trương của Công hội Đỏ trong giai cấp công nhân. Năm 1983, Đại hội V Công đoàn Việt Nam quyết định lấy ngày 28.7.1929 làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Công đoàn Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là trung tâm tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân, lao động. Công đoàn có vai trò to lớn trong việc góp phần xây dựng và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị - xã hội chủ nghĩa. Tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực thi pháp luật và để Nhà nước thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra nhằm tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
Công đoàn Việt Nam thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động không bằng cách đấu tranh chống lại Nhà nước, làm suy yếu Nhà nước, không mang tính đối kháng giai cấp, không phải là đấu tranh giai cấp. Ngược lại, Công đoàn vận động, tổ chức cho công nhân viên chức lao động tham gia xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Đồng thời, Công đoàn cũng bảo vệ chính lợi ích của Nhà nước - nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đấu tranh chống lại các thói hư tật xấu của một số người, nhóm người lạc hậu bị tha hóa, đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ chính quyền Nhà nước.
Thực tế hiện nay, trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, các xí nghiệp tư nhân, liên doanh, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, công nhân, lao động làm việc trong sự quản lý của chủ doanh nghiệp (không phải quốc doanh), đã xuất hiện quan hệ chủ - thợ, tình trạng vi phạm đến quyền, lợi ích công nhân lao động có xu hướng gia tăng.
Vì vậy, chức năng bảo vệ lợi ích công nhân, viên chức và người lao động của Công đoàn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để thực hiện chức năng này, Công đoàn chủ động tham gia cùng chính quyền tìm việc làm và tạo điều kiện làm việc cho công nhân, lao động. Công đoàn tham gia trong lĩnh vực tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, trong việc ký kết hợp đồng lao động của công nhân, lao động; đại diện công nhân, lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể; trong vấn đề thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động.
Quản lý và sử dụng quỹ phúc lợi tập thể và sự nghiệp phúc lợi tập thể; bảo hiểm xã hội; bảo hộ lao động; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công nhân, viên chức và lao động; phát huy dân chủ, bình đẳng, công bằng xã hội; phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch, tham quan nghỉ mát.
Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm
Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức tuyên truyền trong hệ thống Công đoàn với nhiều nội dung. Cụ thể, tuyên truyền về lịch sử và truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam qua 94 năm xây dựng và phát triển. Vị trí, vai trò, những đóng góp của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Biểu dương và nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các cấp Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động. Tuyên truyền Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV- giải thưởng cao quý của Tổng Liên đoàn dành cho công nhân lao động trực tiếp sản xuất.
Nhận diện đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xuyên tạc, sai lệch về giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ tổ chức Công đoàn. Quán triệt tuyên truyền các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn. Thực hiện có hiệu quả về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; tập hợp, đoàn kết nhân dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025. Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Tuyên truyền Đại hội X Công đoàn Tây Ninh và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam như tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tri ân cán bộ Công đoàn qua các thời kỳ, nhất là các đồng chí cựu cán bộ Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, cựu cán bộ Công đoàn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tổ chức Công đoàn. Tổ chức xét chọn, giới thiệu, biểu dương, tôn vinh cán bộ Công đoàn các cấp, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động xuất sắc, tiêu biểu.
Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn. Rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, đề xuất các giải pháp nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Chăm lo, hỗ trợ cán bộ, đoàn viên Công đoàn, nhất là cán bộ, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, đoàn viên bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; lựa chọn, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho cấp ủy đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp Đảng.
Thực hiện kế hoạch nêu trên, LĐLĐ tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như: hội nghị đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội X Công đoàn Tây Ninh và họp mặt kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Tham dự có ông Võ Văn Dũng- Bí thư Thị ủy Trảng Bàng, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, 100 đại biểu nguyên lãnh đạo, ủy viên thường vụ các khóa VIII, IX và cán bộ cơ quan LĐLĐ tỉnh đã nghỉ hưu cùng các ủy viên Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh, lãnh đạo LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành và tương đương.
LĐLĐ tỉnh còn tổ chức viếng nhà bia Liên hiệp Công đoàn và khởi công sửa chữa nhà bia. Đây là công trình chào mừng Đại hội X Công đoàn Tây Ninh và kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam; tổ chức thăm và tặng quà cho liệt sĩ, nguyên cán bộ lãnh đạo Công đoàn là thương, bệnh binh.
LĐLĐ cấp huyện và cấp trên cơ sở cũng có nhiều hoạt động thiết thực như LĐLĐ huyện Tân Châu tổ chức buổi họp mặt ôn lại truyền thống ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đến dự có bà Phan Thị Hồng Đào- Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh; ông Phan Văn Quang- Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy. Tại buổi họp mặt, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan- Chủ tịch LĐLĐ huyện Tân Châu ôn lại truyền thống 94 năm hình thành và phát triển của Công đoàn Việt Nam, Công đoàn tỉnh Tây Ninh nói chung, Công đoàn huyện Tân Châu nói riêng.
Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần dệt Trần Hiệp Thành tổ chức Giải bóng đá- Cúp Trần Hiệp Thành lần 2, năm 2023, chào mừng thành công Đại hội Công đoàn Khu kinh tế nhiệm kỳ 2023-2028. Giải đấu quy tụ 12 đội bóng, thi đấu tại sân bóng đá Hoàng Phúc (khu phố An Khương, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng). Kết quả, đội Phân xưởng nhuộm A FC đoạt ngôi vô địch. BTC còn trao các giải thưởng cá nhân và tập thể với tổng giá trị giải thưởng gần 20 triệu đồng.