Cộng đồng dân tộc thiểu số chung tay xây dựng TP.HCM giàu đẹp, nghĩa tình

Đồng bào dân tộc thiểu số tại TP.HCM đã và đang có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả. Những hoạt động của họ luôn thể hiện tính đoàn kết, cùng nhau giúp thành phố phát triển từng ngày…

Giúp đời, giúp người

Ngồi trong căn nhà nhỏ, cô Thạch Mỹ Hòa (71 tuổi, người Khmer), hiện là Ủy viên BCH MTTQ Việt Nam P.Tân Hưng Thuận, Q.12 vẫn không quên cảm xúc khi đứng lên bục nhận danh hiệu Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2019 – 2024 do Ban dân tộc TP.HCM khen tặng hồi đầu tháng 6/2024.

Ngắm nghía tấm bằng khen, cô Hòa tâm sự: "Qua bao nhiêu năm, chúng tôi thực hiện biết bao mô hình, công trình để giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Bởi tôi luôn quan niệm rằng bản thân còn may mắn hơn rất nhiều người và biết rằng mình cho đi sẽ nhận lại…".

Cô Thạch Mỹ Hòa (71 tuổi, người Khmer)

Cô Thạch Mỹ Hòa (71 tuổi, người Khmer)

Cô Mỹ Hòa quê tỉnh Trà Vinh, từng công tác trong ngành giáo dục đến năm 2008 thì về hưu. Thay vì nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống, cô lại tham gia công tác tại khu phố với các chức danh như: Tổ trưởng tổ dân phố, Chi hội Trưởng chi hội phụ nữ, Chủ tịch Hội khuyến học phường Tân Hưng Thuận

Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, cô đã đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, động viên mọi người thực hiện tốt nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh khu phố sạch đẹp. Một số em nhỏ trong xóm không có giấy khai sinh cô Hòa phải đi vận động kết nối với công an khu vực để hỗ trợ giúp đỡ. Nhờ thế, các em được đến trường. Cô Hòa còn kèm toán, tiếng Việt buổi tối cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Để khích lệ, động viên các em không bỏ học giữa chừng, cô còn bỏ tiền túi ra tặng học bổng, tặng quà cho các em.

Cô Hòa nói: "Tôi hiểu được hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống vất vả của các em. Bởi đó cũng chính là hình ảnh của tôi hồi nhỏ. Thời điểm đó, tôi phải đội khoai lang, khô cá đi bán, làm phụ hồ… để có tiền phụ giúp gia đình. Tôi biết việc học rất quan trọng nên em nào có ý định bỏ học là tôi tìm cách động viên và hỗ trợ để nuôi giấc mơ tìm con chữ, chỉ mong các em có tương lai tươi sáng hơn".

Ngoài vận động quỹ khuyến học tại khu phố, cô Hòa còn kêu gọi các nhà hảo tâm, bạn bè, người thân. “Nếu không vận động được thì mình xuất tiền túi ra, mình cũng có lương hưu mà. Được bao nhiêu thì hỗ trợ bấy nhiêu, chỉ mong làm sao mình có thật nhiều sức khỏe để cống hiến, phục vụ cho người dân tại địa phương”, cô Hòa vui vẻ nói.

Không chỉ hỗ trợ các em, người phụ nữ này còn bỏ tiền mua nguyên liệu nấu những suất cơm miễn phí cho những người khó khăn. "Thấy được nụ cười và lời cảm ơn từ những người được mình giúp đỡ, tôi cảm thấy rất hạnh phúc", cô Hòa bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Như, Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM, cho hay cô Hòa rất tích cực trong việc thực hiện công tác xã hội. Cô thích giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là các em nhỏ, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

"Với bất cứ nhiệm vụ nào, cô Hòa cũng nhiệt tình tham gia và làm hết trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nhân dân, cán bộ, đảng viên của tổ đã tín nhiệm giao. Những đóng góp của cô Hòa đã góp phần ổn định chính trị, tư tưởng, trật tự tại KP.2, P.Tân Hưng Thuận nói riêng và Q.12 nói chung", chị Quỳnh Như cho hay.

Sáng bán lưới, chiều lên lớp

Đúng 19 giờ mỗi ngày (trừ thứ 5) lớp học tiếng Chăm miễn phí tại Thánh đường Hồi giáo Jamia Al Sa’adah (trên đường Bình Tiên, P.7, Q.6, TP.HCM) lại nhộn nhịp tiếng nói cười của các em nhỏ dân tộc Chăm.

Ngồi bệt dưới nền gạch, hướng dẫn tận tình từng cách phát âm tiếng Chăm cho các em, anh Mohamad Zen (dân tộc Chăm), Trưởng Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Jamia alSa’adah, chia sẻ: “Tại thánh đường, các em tiếp cận với kinh Qur’an (Koran). Riêng tiếng dân tộc Chăm được phân thành các cấp bậc: Qidam (ráp từ chữ cái), Alphatyhah (học các bài lễ trong ngày), A’quran và Tajawid (học ngữ pháp), A’quran và Kytab (học tôn giáo). Tôi mong muốn giúp các em học được kinh, biết hành lễ, sâu xa hơn là giữ được bản sắc văn hóa dân tộc người Chăm. Với tôi, là người Chăm phải biết chữ, biết nói tiếng dân tộc Chăm”.

Lớp học tiếng Chăm tại Quận 6

Lớp học tiếng Chăm tại Quận 6

Anh Mohamad Zen (dân tộc Chăm), Trưởng Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Jamia alSa’adah

Anh Mohamad Zen (dân tộc Chăm), Trưởng Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Jamia alSa’adah

Anh Mohamad Zen quê ở TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang. Học hết tiểu học, anh đi làm đủ thứ việc để phụ giúp gia đình. Thời gian rảnh, anh Mohamad Zen đến thánh đường để học viết, đọc thêm tiếng Chăm song song với kiến thức văn hóa, xã hội.

“Thấy hình ảnh Toul (tiếng Chăm nghĩa là người thầy - PV) đã từng hướng dẫn mình học tiếng Chăm, đạo đức, cách đối nhân xử thế nên luôn muốn trở thành người thầy dạy cho các em nhỏ như thế”, anh Mohamad Zen nói.

Hiện tại công việc chính của anh Mohamad Zen là kinh doanh lưới đánh cá (tại chợ Kim Biên, Q.5, TP.HCM). Đến chiều, anh sắp xếp lại công việc, đóng cửa hàng, khoác lên mình bộ trang phục truyền thống rồi đến lớp dạy tiếng Chăm.

Lớp học tiếng Chăm, duy trì bản sắc dân tộc

Lớp học tiếng Chăm, duy trì bản sắc dân tộc

Dù không có bằng cấp hay nghiệp vụ sư phạm nhưng anh dồn hết tâm huyết của mình cho lớp học này. Chính vì lẽ đó mà anh đã “đứng lớp” gần 10 năm qua, giúp nhiều trẻ em người Chăm nắm rõ tiếng dân tộc của mình.

“Ở lớp này còn nhiều thầy kỳ cựu, yêu “nghề” lắm. Họ tình nguyện dạy, không lấy phí. Ai có thời gian rảnh là đứng ra dạy các em học tiếng Chăm. Ngoài tiếng Chăm mọi người còn dạy thêm kiến thức về các hoạt động văn hóa vùng miền, xã hội. Đồng thời, giải nghĩa một số từ tiếng Việt mà các em chưa biết hoặc chưa hiểu”, anh nói.

Được gọi bằng “thầy” lòng anh Mohamad Zen bồi hồi, cảm xúc và hạnh phúc vô cùng. Anh cũng là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2019 – 2024 do Ban dân tộc TP.HCM khen tặng hồi đầu tháng 6/2024.

Lớp học tiếng Chăm miễn phí

Lớp học tiếng Chăm miễn phí

TP.HCM có 53 dân tộc thiểu số sinh sống, gồm 103.092 hộ với 453.317 nhân khẩu, chiếm khoảng hơn 5% dân số toàn thành phố (số liệu tính đến 2022). Những dân tộc có quy mô số dân trên 1.000 người tại Thành phố là Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Mường, Nùng, Thái, Ê Đê và Gia Rai. Trong số này, có 3 dân tộc chiếm số đông là dân tộc Hoa với 377.162 người, dân tộc Khmer 42.415 người và dân tộc Chăm 9.796 người. Đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen rải rác ở khắp các quận, huyện của thành phố.

Nhiều công trình, cách làm hay

Thực tiễn trong quá trình làm việc và đời sống, TP.HCM đã có nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số điển hình, bình dị nhưng có sức lan tỏa sâu rộng với nhiều công trình, cách làm hay, thiết thực phục vụ lợi ích cho cộng đồng.

Điển hình như ông Châu Huệ Bang, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.11, Trưởng ban Hộ tự Chùa Khánh Vân Nam Viện Duy, đã vận động thành lập phòng khám bệnh Y học cổ truyền miễn và phát thuốc từ thiện, mỗi ngày cho khoảng trên 100 lượt người; vận động 1,5 tỷ đồng ủng hộ “Chương trình mổ tim cho 1.000 trẻ em nghèo”. Ngoài ra, ông còn vận động thành lập nhà dưỡng lão tại chùa để đưa những người già có hoàn cảnh neo đơn cơ nhỡ, không nơi dung thân về chăm sóc những ngày cuối đời.

Thượng tọa Thích Duy Trấn và các thành viên Câu lạc bộ “Hành trình xanh” chùa Liên Hoa trong một buổi dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: NVCC

Thượng tọa Thích Duy Trấn và các thành viên Câu lạc bộ “Hành trình xanh” chùa Liên Hoa trong một buổi dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: NVCC

Hay hòa thượng Thích Duy Trấn, Trụ trì chùa Liên Hoa (dân tộc Hoa, Q.11, TP.HCM), đã thành lập câu lạc bộ “Môi trường xanh”. Đến nay hoạt động của Câu lạc bộ này đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư; thường xuyên tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư nơi cư trú nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường phố và kênh rạch; giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức mới phù hợp với công nghệ xử lý... Đặc biệt, chùa Liên Hoa cũng là ngôi chùa hơn 25 năm qua không đốt vàng mã. Thay vào đó, nhà chùa đã cùng phật tử và du khách dùng số tiền mua vàng mã để làm nhiều việc thiện giúp ích cho đời.

Mặt trận tổ quốc Việt Nam các quận, huyện ở TP.HCM luôn tạo điều kiện giúp đỡ đồng bào dân tộc

Mặt trận tổ quốc Việt Nam các quận, huyện ở TP.HCM luôn tạo điều kiện giúp đỡ đồng bào dân tộc

Còn ông Trần Thích, người dân tộc Hoa, Chủ tịch Hội Khuyến học P.3, Q.6, TP.HCM, thì luôn hết lòng với công tác khuyến học, khuyến tài trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Ông Trần Thích đã thực hiện chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học” để đóng góp vào Quỹ Khuyến học gia đình để chăm lo học bổng cho các em học sinh khó khăn. Từ năm 2019 đến nay, chương trình của ông Thích đã thu được 5.431 con heo với số tiền gần 396 triệu đồng. Riêng các hộ dân tộc thiểu số đã thực hiện được 2.175 con heo với số tiền hơn 148 triệu đồng.

Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết lãnh đạo thành phố luôn trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp quý báu của đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực trong thời gian qua. Những đóng góp to lớn, trách nhiệm và sự đồng thuận rất cao của các tầng lớp nhân dân và đồng bào 53 dân tộc thiểu số đang sinh sống, làm việc trên địa bàn đã góp phần xây dựng một TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Cũng theo ông Lộc, trong những năm qua, chính quyền thành phố có nhiều cơ chế, chính sách về công tác dân tộc, trong đó đặc biệt quan tâm huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

TP.HCM đẩy mạnh các chương trình văn hóa, duy trì bản sắc dân tộc

TP.HCM đẩy mạnh các chương trình văn hóa, duy trì bản sắc dân tộc

Các cơ chế này đã thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững, chú trọng đến tính đặc thù của từng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc gắn liền với chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Phước Lộc đề nghị MTTQ thành phố chủ trì, phối hợp giữa các ban, ngành liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, trong đó đặc biệt quan tâm cụ thể hóa Nghị quyết 43 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Bài 1: TP.HCM: Ngôi nhà ‘đại đoàn kết’ của các dân tộc anh em

Tấn Đạt

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/cong-dong-dan-toc-thieu-so-chung-tay-xay-dung-tphcm-giau-dep-nghia-tinh-c8a79127.html