Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào đoàn kết, nhất trí, nỗ lực đầu tư, vươn lên phát triển mạnh mẽ
Chiều 9/1, tại thủ đô Viêng Chăn, trong khuôn khổ chuyến thăm Lào và tham dự Kỳ họp lần thứ 47, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào năm 2025 với chủ đề 'Thúc đẩy cùng phát triển bền vững và thịnh vượng'. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hai nước.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào – Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào-Việt Nam Phet Phomphiphak giới thiệu về môi trường, chính sách thu hút đầu tư của Lào. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Lào đánh giá về tình hình hợp tác đầu tư hai nước và định hướng năm 2025.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, triển khai chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, trong năm 2024, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước được quan tâm, thúc đẩy, tập trung xử lý tốt các khó khăn, vướng mắc kéo dài và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể là: Hợp tác đầu tư đã có chuyển biến tích cực, nhiều khó khăn, vướng mắc được phối hợp tháo gỡ kịp thời, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc được đẩy mạnh. Kết quả là: đầu tư của Việt Nam sang Lào đang có xu hướng tăng trở lại bền vững hơn. Năm 2024, vốn đăng ký đầu tư sang Lào là 191,1 triệu USD, tăng 62,1% so với năm 2023, tập trung vào các lĩnh vực: năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản, chế biến sâu...
Lũy kế đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào Lào 267 dự án, với tổng vốn đầu tư là 5,7 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: năng lượng, khai khoáng, nông lâm nghiệp, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, viễn thông, ngân hàng, du lịch… Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào 17/18 tỉnh, thành phố của Lào. Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, đóng góp ngân sách cho Chính phủ Lào trong 5 năm gần đây đạt khoảng 200 triệu USD/năm, thực hiện chính sách an sinh xã hội lũy kế đến nay khoảng 160 triệu USD.
Cũng theo Bộ trưởng, đầu tư của Việt Nam tại Lào hiện nay đang gặp phải hai “nút thắt” cần được ưu tiên tháo gỡ. Đó là: Tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư tại Lào, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn…. Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang chờ các bộ, ngành, địa phương hai nước tháo gỡ, nhất là phía Lào; Đối với các doanh nghiệp mới, chưa đầu tư vào Lào: Chính phủ Lào cần phải có định hướng mới, với các biện pháp mang tính đột phá, tạo thêm không gian và dư địa, đặc biệt Lào cần phải cải cách mạnh mẽ, đổi mới toàn diện và đồng bộ thể chế kinh tế và cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính chồng chéo, không cần thiết để giải phóng nguồn lực thúc đẩy đầu tư phát triển.
Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Lào phát biểu về tiềm năng hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình thế giới đang diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động toàn cầu; chiến tranh giữa lòng châu Âu làm đứt gãy các chuỗi cung ứng; lạm phát của các nước lớn, biến đổi khí hậu, an ninh mạng… cũng tác động đến hai nước, do đó không một quốc gia nào có thể giải quyết được các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện này một cách đơn lẻ, do đó phải đoàn kết, đề cao chủ nghĩa đa phương để thích ứng, linh hoạt, chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.
Trong bối cảnh đó, hai nước Việt Nam và Lào lại càng phải tăng cường đoàn kết để hỗ trợ nhau phát triển đất nước. Quan hệ hai nước đã trải qua gần một thế kỷ, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt anh em Việt Nam-Lào có tính chất quyết định đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, đã đoàn kết rồi thì đoàn kết thống nhất hơn nữa.
Trong giai đoạn mới, Việt Nam phải vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, đáp ứng yêu cầu 2 mục tiêu phát triển 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước. Quan hệ hai nước có những đặc thù, đặc biệt “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, vì vậy phải có những cơ chế ứng xử một cách đặc biệt, xuất phát “từ trái tim đến trái tim”, xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ để thực hiện, không phải là “làm đến đâu được đến đó” vì “giúp bạn cũng là giúp mình”. Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước phải đoàn kết thống nhất, giúp đỡ nhau để cùng tiến trên tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào.
Hai nước đã đoàn kết, thống nhất, các doanh nghiệp cũng phải thể hiện tinh thần này. Hôm nay, việc kinh doanh có thể có lúc được, lúc chưa được, giai đoạn này có thể tốt, giai đoạn sau có thể không tốt nhưng tất cả những điều chúng ta làm là vì sự phát triển của hai đất nước, mang lại lợi ích cốt lõi cho hai đất nước; đó là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Phải luôn kiên trì, kiên định để đầu tư, kinh doanh, sản xuất, không so bì nhiều, từ đó chúng ta xác định quyết tâm, quyết liệt để đầu tư; coi lợi ích tổng thể cũng là lợi ích của riêng mình, cũng là cách tri ân với những thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh xương máu vì nền độc lập dân tộc.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam và Lào có điều kiện thuận lợi, khoảng cách địa lý gần, núi liền núi, sông liền sông, chung một mối tình hữu nghị. Đây chính là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; rồi văn hóa, tình cảm cũng là lợi thế, vậy tại sao chúng ta không biến cơ hội này thành lợi thế để sản xuất, kinh doanh, thu được kết quả tốt hơn? Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, Việt Nam có thị trường hơn 100 triệu dân, Lào có thị trường hơn 8 triệu dân, thường xuyên giao lưu, nhưng chúng ta chưa hài lòng vì hợp tác phát triển kinh tế chưa tương xứng mối quan hệ, lợi thế hai nước. Đây là điều đáng suy nghĩ.
Thủ tướng vui mừng vì rất đông đại biểu tham dự Hội nghị, cho thấy sự quan tâm thúc đẩy phát triển quan hệ đầu tư hai nước. Vậy lỗi do đâu? Do cơ chế, hay do sự lãnh đạo, chỉ đạo của hai Chính phủ? Phải tìm nguyên nhân từ đâu. Theo Thủ tướng, hai bên nhận thức tương đối rõ nhưng hành động chưa quyết liệt, chưa tích cực, bên cạnh đó còn rào cản về các thể chế, thậm chí là cả tiêu cực, hay rào cản về sự băn khoăn, lo lắng. Điều này do chính chúng ta, do các cơ quan, địa phương. Chúng ta phải tin nhau, chia sẻ nhau. Hiện nay, thể chế vẫn là điểm nghẽn mà thể chế cũng là nguồn lực, động lực. Bên cạnh sự quyết tâm, quyết liệt chưa tới thì thể chế đang là rào cản, do đó phải tháo gỡ thể chế. Đã ưu tiên thì phải có chính sách như thuế, thủ tục, sự tin cậy lẫn nhau.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề hạ tầng kết nối hai nước cần tháo gỡ. Chính phủ hai nước cũng hết sức cố gắng vì những năm vừa có nhiều dự án tồn đọng, kéo dài; đặc biệt là kết nối hạ tầng mềm như các chính sách; vấn đề kết nối hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Thời gian tới, hai bên phải quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ về hạ tầng. Phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”. Phải kết nối chuỗi cung ứng hai nước: ở Lào có nguồn nguyên liệu, ở Việt Nam có chế biến sâu, có thị trường xuất khẩu. Những gì của Việt Nam đưa sang Lào được thì phải nỗ lực. Từ đó kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngược lại, nếu Lào có các chuỗi cung ứng toàn cầu nào thì cũng nên giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần tăng cường giao lưu, hỗ trợ, tìm cách tháo gỡ; kết nối doanh nghiệp từ nước thứ ba; nghiên cứu làm khu công nghiệp chung ở Lào (chẳng hạn Khu công nghiệp VSIP) vì đây là lợi ích lâu dài, cốt lõi. Các bộ, ngành hai nước chủ động giải quyết về thủ tục, giấy phép; xây dựng, hoàn thiện Luật Đầu tư bảo đảm thông thoáng, thuận lợi hơn nữa, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương để giải quyết cấp phép nhanh hơn theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Huy động nguồn lực vì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; khi tư duy thay đổi thì sẽ thay đổi cả đất nước. Làm mới các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đi vào những ngành mới nổi vì đây là xu thế của thế giới, “không làm không được”. Coi trọng những thế mạnh truyền thống của Lào để cùng nhau khai thác; các bộ, ngành, địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; doanh nghiệp cũng phải đóng góp ý kiến cho chính quyền. Thủ tướng nhấn mạnh coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng lúc, đúng thời điểm mang tính quyết định cho sự thành công, thể hiện qua việc đầu tư, kinh doanh, sản xuất là hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, doanh nhân.
Thủ tướng khẳng định, đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Lào cũng chính là đầu tư cho Việt Nam; ngược lại, các bạn Lào đầu tư tại Việt Nam cũng chính là đầu tư cho Lào. Do đó, chúng ta không phải chỉ có lợi nhuận mà còn có tình cảm, trách nhiệm; “cái gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim”, là sự tri ân đối với các thế hệ đi trước.
Do đó, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục đầu tư kinh doanh với tất cả sự nhiệt huyết, khả năng có được. Những gì còn vướng mắc, cản trở thì thẳng thắn đề xuất, Chính phủ hai nước sẽ nỗ lực giải quyết. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Chính phủ, có cả cá nhân Thủ tướng Chính phủ phải giải quyết để doanh nghiệp hai nước đầu tư ngoài việc phải có lợi nhuận còn là thể hiện lòng yêu nước, vun đắp cho tình hữu nghị vĩ đại có một không hai trên thế giới.
Về các kiến nghị của các doanh nghiệp tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá là rất sát thực tế, nêu rõ, Chính phủ Việt Nam sẽ rà soát lại và sẽ có điều chỉnh; mong Chính phủ Lào cũng làm như vậy với tinh thần vướng mắc ở đâu, ở đó giải quyết; khó khăn ở cấp nào, cấp đó giải quyết; chúng ta làm với tinh thần không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone hoan nghênh, chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan hai nước chuẩn bị tổ chức Hội nghị chu đáo. Đây là dịp để thúc đẩy giao lưu kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân mạnh mẽ hơn. Chính phủ Lào luôn đôn đốc xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào các ngành, lĩnh vực phù hợp kế hoạch ưu tiên phát triển kinh tế như phát triển cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối.
Chính phủ hai bên có quyết tâm cao triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như bến cảng, đường sắt kết nối hai nước; khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng gió…; trong các dự án, có dự án xây dựng nhà máy điện. Chính phủ Lào đã xem xét áp dụng một số chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư. Việt Nam có kinh nghiệm phát triển các khu công nghiệp như VSIP nên có thể hợp tác với Lào. Thủ tướng Lào cho rằng, việc chế biến thô nguyên liệu rồi xuất khẩu thì lãng phí nguồn lực. Năm 2024 vừa qua là năm có ý nghĩa quan trọng đối với Lào vì tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị cấp cao liên quan.
Thủ tướng Sonexay Siphandone nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ hai nước cùng nhau tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nhằm kết nối kinh tế hai nước. Đây là vấn đề quan trọng vì chất lượng hàng hóa của Việt Nam rất cao, có nhiều thương hiệu nổi tiếng. Lào đang nỗ lực phát triển đường giao thông, đường sắt, đường cao tốc, sân bay, trong đó cần tận dụng lợi thế của sân bay Noọng Khang. Vietjet đã hợp tác với Hãng hàng không Lào. Thủ tướng lưu ý các doanh nghiệp đầu tư vào Lào cần quan tâm cả khía cạnh bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả đất đai.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ tình hình phân bổ, sử dụng đất đai của Lào; đề nghị các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để phát triển các dự án, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ cao để nâng cao năng lực sản xuất. Doanh nghiệp hai bên cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa; mong doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động Lào. Nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính, Chính phủ Lào luôn coi trọng, đôn đốc các dự án sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất; có các chính sách ưu tiên cho việc này. Hội nghị này, hai nước cần nghiên cứu, đầu tư phát triển các ngành như xây dựng các khu công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm. Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thanh toán bằng bản tệ trong quan hệ thương mại hai nước.
Thủ tướng Sonexay Siphandone mong hai bên phát huy truyền thống hợp tác tốt đẹp, tiếp tục tổ chức thêm nhiều diễn đàn, hội nghị để đôn đốc thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế mạnh mẽ tương xứng mối quan hệ chính trị hết sức tốt đẹp. Việc cùng nhau phát triển và phồn vinh, toàn diện là điều hết sức quan trọng.
* Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Sonexay Siphandone chứng kiến lễ trao Chứng nhận đầu tư, thỏa thuận đầu tư, thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, đối tác hai bên.