Việt Nam - Lào tăng cường kết nối kinh tế
Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương năm 2025 tăng 10%-15% so với năm 2024, hướng tới sớm đạt mục tiêu 5 tỉ USD
Ngày 9-1, tại thủ đô Vientiane - Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Sonexay Siphandone đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào và Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2025 với chủ đề: "Thúc đẩy phát triển bền vững và thịnh vượng".
Tại kỳ họp, hai bên đã thống nhất những trọng tâm trong việc hợp tác năm 2025. Trong đó, tập trung quyết liệt, nghiêm túc triển khai hiệu quả các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao; đề ra nhiều biện pháp mạnh mẽ, thiết thực để tiếp tục đưa quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước đi vào chiều sâu; tăng cường trụ cột hợp tác quốc phòng - an ninh; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế; tiếp tục dành ưu tiên đặc biệt cho hợp tác giáo dục - đào tạo.
Hai bên sẽ tăng cường thúc đẩy, đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn nữa, định hướng tổng thể quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào; duy trì và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác. Hai bên tiếp tục tổ chức có hiệu quả các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao với nhiều hình thức linh hoạt; cải tiến và nâng cao tính thiết thực, hiệu quả hợp tác ở tất cả các cấp, ngành, địa phương.
Việt Nam - Lào tiếp tục hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh; xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện; phối hợp chặt chẽ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Đồng thời, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại Việt Nam - Lào.
Theo đó, tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Chính phủ Lào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; rà soát thúc đẩy các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Chính phủ Lào tạo điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam; nghiên cứu điều chỉnh các quy định về thời gian thực hiện trong đầu tư thủy điện, khai khoáng phù hợp với tình hình mới.
Hai bên sẽ thúc đẩy thương mại tăng trưởng mạnh mẽ, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương năm 2025 tăng 10%-15% so với năm 2024, hướng tới sớm đạt mục tiêu 5 tỉ USD. Nông nghiệp và phát triển nông thôn được xem là một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước; thúc đẩy thanh toán bằng bản tệ trong quan hệ giữa hai nước.
Hai bên đặc biệt lưu ý việc tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai kết nối hạ tầng giao thông, nghiên cứu các phương án huy động nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm như đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, đường sắt Vũng Áng - Vientiane...
Trong đó, huy động cả nguồn lực trung ương và địa phương, nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi của các đối tác phát triển và sự tham gia của doanh nghiệp hai nước; thúc đẩy sớm hoàn thành các dự án cảng Vũng Áng 1, 2, 3...; góp phần triển khai mạnh mẽ chiến lược "biến Lào từ quốc gia không tiếp giáp biển thành quốc gia kết nối".
Hai bên tiếp tục dành ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng trong hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ Việt Nam tiếp tục dành 1.160 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào.
Ngay sau kỳ họp, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước, gồm: Biên bản kỳ họp lần thứ 47; Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam năm 2025; Hiệp định giữa hai Chính phủ về mua bán điện than; Kế hoạch hợp tác năm 2025 giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục - Thể thao Lào.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/viet-nam-lao-tang-cuong-ket-noi-kinh-te-196250109204450908.htm