Cộng đồng quốc tế kêu gọi Mỹ - Iran 'hạ hỏa'
Sau cuộc không kích hôm 3-1 do Washington tiến hành khiến người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani thiệt mạng, sau đó, hai bên đã liên tục đưa ra cảnh báo đáp trả nhau bằng hành động quân sự.
Không chỉ có vậy, Washington và Tehran đều đã có những bước đi cụ thể hóa những tuyên bố của mình. Điều này cho thấy bước leo thang đầy kịch tính trong cuộc đối đầu dai dẳng giữa Mỹ và Iran, làm chảo lửa Trung Đông tăng nhiệt.
Quốc hội Iran ngày 7-1 đã thông qua dự luật liệt toàn bộ quân đội Mỹ vào danh sách “tổ chức khủng bố”. Theo truyền thông Iran, các nghị sỹ nước này đã nhất trí về dự luật coi “các nhân viên của Bộ Quốc phòng, các công ty liên quan, những tổ chức, cơ quan và chỉ huy các lực lượng quân sự của Mỹ” là thành viên của một “tổ chức khủng bố”. Đây là dự luật sửa đổi và mở rộng của dự luật được thông qua hồi tháng 4-2019, vốn chỉ đưa Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ (CENTCOM) vào danh sách khủng bố.
Trước đó cùng ngày, Quốc hội Iran đã lên án vụ không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào ông Soleimani, cho đây là hành động của “chủ nghĩa khủng bố được nhà nước bảo trợ”. Trong khi đó, Cố vấn quân sự của Lãnh tụ Tối cao Iran, Thiếu tướng Hossein Dehghan cảnh báo, nước này sẽ có phản ứng quân sự đối với vụ không kích của Mỹ ngày 3-1. Tướng Dehghan cho biết, “phản ứng chắc chắn sẽ bằng biện pháp quân sự và nhằm vào các vị trí quân sự”.
Hôm 6-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi khẳng định, Iran không mong muốn chiến tranh, nhưng sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào. Theo ông, quyết định cuối cùng sẽ được các nhà lãnh đạo đưa ra, đồng thời nhấn mạnh, quyết định này sẽ là “một phản ứng khiến kẻ thù phải hối tiếc” về vụ ám sát, đồng thời “không đẩy dân tộc Iran vào một cuộc chiến tranh”.
“Chính Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến. Vì vậy, họ phải chấp nhận những phản ứng phù hợp với hành động của mình. Điều duy nhất có thể chấm dứt thời kỳ chiến tranh này là người Mỹ phải nhận đòn giáng trả tương tự với những gì họ gây ra”, ông Mousavi nói. Cùng ngày, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran ra tuyên bố, Iran sẽ trả đũa “đúng nơi, đúng lúc” cho vụ ám sát Tướng Soleimani.
Nhận định về khả năng Iran đáp trả Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, Iran sẽ có thể tìm cách tấn công vào quân đội Mỹ, và cũng khẳng định đó sẽ là một “sai lầm lớn” của Tehran, đồng thời cho biết, Mỹ đang chuẩn bị cho tất cả các tình huống.
“Những gì chúng tôi đang làm là chuẩn bị đối phó với tất cả những hành động mà phía Iran có thể thực hiện. Chúng tôi đang thực hiện một chiến dịch tổng lực gồm ngoại giao, kinh tế và giờ là quân sự để thuyết phục Iran cư xử như một quốc gia bình thường và họ sẽ phải trả giá đắt khi họ gây tổn hại cho nước Mỹ”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói.
Mỹ hiện đang có 60.000 binh sĩ đồn trú trong khu vực, trong đó 5.200 binh sĩ tại Iraq. Mỹ đã ra lệnh điều thêm hàng nghìn binh sĩ đến khu vực sau cuộc không kích vào Baghdad. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo giới trên chuyên cơ Không lực 1 khi trở về Thủ đô Washington sau kỳ nghỉ Đông tại Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng một lần nữa cảnh báo “đáp trả mạnh tay” nếu Iran tìm cách trả thù cho vụ tấn công của Mỹ nhằm vào Tướng Soleimani.
Không chỉ có những tuyên bố, hai bên đã có những hành động thực tế để cụ thể hóa tuyên bố của mình. Hiện các đơn vị tên lửa Iran đều đã chuyển trạng thái sang sẵn sàng chiến đấu sau khi Mỹ không kích sát hại người đứng đầu đơn vị Quds. Trong khi đó, không quân Mỹ đã cho máy bay vận tải khổng lồ C-5 Galaxy chở theo hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 tới Trung Đông.
Động thái này được cho là để đối phó với các vụ tấn công bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhiều khả năng sẽ được IRGC phát động trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế cho rằng, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai các hoạt động quân sự tiếp theo ở Trung Đông.
Quyết định tấn công sân bay Baghdad khiến tướng Iran thiệt mạng cũng gây ra những ý kiến trái chiều tại Mỹ. Phe dân chủ lên tiếng chỉ trích Tổng thống đã vượt quyền hạn khi không thông báo trước về vụ tấn công cho Quốc hội.
Trước bối cảnh bất kỳ bước đi vượt “giới hạn đỏ cuối cùng” của bên nào cũng dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và giảm căng thẳng trong khu vực.
Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan, ngày 6-1 cho biết vương quốc này không muốn chứng kiến căng thẳng trong khu vực bị đẩy lên một “mức vô cùng nguy hiểm” sau vụ không kích của Mỹ.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi thực sự mong muốn tình hình trong khu vực không leo thang hơn nữa. Đó chắc chắn là một thời điểm vô cùng nguy hiểm và chúng ta phải lường được những rủi ro và mối nguy hiểm không chỉ đối với khu vực mà còn đối với an ninh toàn cầu rộng lớn hơn”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Saudi Arabia nói thêm rằng: “Chúng tôi hy vọng tất cả các bên thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn mọi sự leo thang hay khiêu khích”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi cũng tuyên bố nước này sẽ không để bị kéo vào bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Mỹ và Iran, đồng thời kêu gọi cả hai bên giảm căng thẳng.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ trở thành một phần trong bất kỳ nỗ lực 'châm ngòi nổ chiến tranh' nào, cũng như không cho phép sử dụng lãnh thổ của chúng tôi để chống lại quốc gia khác. Đây là một phần trong chính sách ngăn chặn bất ổn trong khu vực” và nhấn mạnh rằng: “Sẽ là thảm họa nếu xung đột nổ ra, nó sẽ chôn vùi cả chúng ta”.
Trong cuộc điện đàm diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí với người đồng cấp Iraq Adel Abdul Mahdi về sự cần thiết giảm căng thẳng trong khu vực.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh nêu rõ: “Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc cần giảm leo thang khu vực sau cái chết của Tướng Qasem Soleimani và nhất trí phối hợp tìm ra một giải pháp ngoại giao. Thủ tướng (Johnson) nhấn mạnh cam kết vững chắc của Anh đối với sự ổn định và chủ quyền của Iraq cũng như khẳng định tầm quan trọng của cuộc chiến không ngừng chống lại các mối đe dọa chung từ cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”.
Trong khi đó, các hãng thông tấn địa phương dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Sergei Shoigu đã điện đàm với Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và Tổng Tham mưu trưởng quân đội Iran. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về khả năng đưa ra những hành động chung nhằm giảm căng thẳng tại Trung Đông sau vụ Mỹ không khích sân bay Baghdad.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/cong-dong-quoc-te-keu-goi-my-iran-ha-hoa-577128/