Cộng đồng quốc tế trước xung đột Hamas-Israel: Đau đáu tìm kiếm giải pháp 'hạ nhiệt'
Tính đến sáng 11/10, xung đột tái diễn bất ngờ giữa quân đội Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine đã bước sang ngày thứ 4 liên tiếp.
Trong bối cảnh xung đột không hề có dấu hiệu hạ nhiệt, con số thương vong, mất mát nhà cửa từ cả hai bên đã vượt qua con số nghìn, cộng đồng quốc tế đang nóng lòng tìm mọi cách để có thể có một giải pháp giúp tình hình “hạ nhiệt”, cho dù điều này là không hề dễ dàng.
“Vô cùng nghiêm trọng” và sẽ “chỉ xấu đi theo cấp số nhân”
Đó là nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres trong một tuyên bố ngày 9/10 về tình trạng bạo lực hiện nay tại Gaza. Thực tế xung đột những ngày qua đã minh chứng cho nhận định của người đứng đầu LHQ. Theo số liệu thống kê do các bên đưa ra đến hết ngày 10/10, đã có hơn 1.000 người thiệt mạng trong đợt tấn công của lực lượng Hamas tại Israel từ hôm 7/10, trong khi phía Hamas cho biết ít nhất 830 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương trong chiến dịch quân sự đáp trả của Israel tại Gaza.
Tình hình sẽ còn căng thẳng và những hệ lụy sẽ còn thảm khốc bởi hai bên liên tiếp đưa ra những cảnh báo gay gắt, đặc biệt là những cam kết trả đũa mạnh mẽ từ Israel. “Những gì Hamas sớm nếm trải sẽ khó khăn và khủng khiếp. Chúng tôi sẽ thay đổi Trung Đông” - Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố đanh thép ngày 9/10. Tư lệnh quân đội Israel và người đứng đầu Cơ quan Điều phối các hoạt động của Chính phủ tại các vùng lãnh thổ (COGAT), Thiếu tướng Ghassan Alian cũng đã đưa ra lời đe dọa quyết liệt không kém đối với các chiến binh Palestine: “Sẽ không có điện và nước ở Gaza, sẽ chỉ có sự hủy diệt. Các người muốn địa ngục, các người sẽ nhận được địa ngục”. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant trước đó cũng cho biết ông “đã ra lệnh bao vây toàn bộ Dải Gaza. Không điện, không thức ăn, không gas, mọi thứ đều đóng cửa”. Về phía Hamas, ngày 9/10, người phát ngôn của cánh vũ trang Hamas Abu Ubaida tuyên bố lực lượng này sẽ không đàm phán về những người Israel bị bắt giữ khi đang hứng chịu hỏa lực và lưu ý Israel nên sẵn sàng trả giá để đổi lấy tự do cho những người bị bắt giữ.
Những quan ngại lớn
Cộng đồng quốc tế đang dấy lên rất nhiều những quan ngại sâu sắc về những hệ lụy khôn lường đã, đang và sẽ tiếp tục nảy sinh từ cuộc xung đột. Từ những con số thương vong, dễ dàng nhận ra, phần lớn nạn nhân của cả hai bên cho đến nay là thường dân. Và tới nay, trong bối cảnh những dự đoán về những cuộc giao tranh dữ dội lớn hơn nhiều khả năng sẽ xảy đến, việc duy nhất mà những người dân thường khu vực này có thể làm được là… chạy trốn. Người dân sống gần biên giới giữa dải Gaza và Israel đã, đang phải rời bỏ nhà cửa để tránh không kích từ phía bên kia. Văn phòng Điều phối Các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ước tính gần 200.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa tại Dải Gaza kể từ khi xung đột nổ ra giữa lực lượng Hamas và Israel. Họ đang đối mặt với tình trạng thiếu nước và thiếu điện do lệnh phong tỏa. Người phát ngôn của OCHA Jens Laerke cảnh báo con số này sẽ còn tăng do xung đột vẫn đang tiếp diễn. Thậm chí, với nhiều người, còn là tình trạng “không biết chạy đi đâu bây giờ?”.
Chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB, ông Indermit Gill, cho rằng xung đột Israel - Hamas có thể làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có rủi ro về sự phân mảnh của hoạt động thương mại, đặc biệt nếu chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn khiến giá cả hàng hóa leo thang như giai đoạn đại dịch. Cuộc xung đột có thể khiến lạm phát toàn phần gia tăng, gây ra những tác động dây chuyền đối với chính sách tiền tệ ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến các nước đang phát triển.
Lo ngại xung đột, việc mà nhiều quốc gia chỉ có thể làm ngay là triển khai sơ tán công dân khỏi Israel. Mexico sáng 9/10 đã điều nhiều chuyến máy bay vận tải quân sự cỡ lớn sang Tel Aviv để sơ tán công dân, đồng thời chuyên chở vật phẩm nhân đạo hỗ trợ cho người dân sở tại. Cùng ngày, Hungary thông báo đã tổ chức 2 chuyến bay sơ tán 215 công dân từ Israel. Thủ tướng Áo Karl Nehammer thông báo nước này đang xúc tiến sơ tán công dân khỏi Israel bằng máy bay vận tải quân sự. Trước đó, ngày 8/10, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nước này sẽ cử máy bay quân sự sơ tán công dân khỏi Israel. Ngày 8/10, Tư lệnh Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) Phanphakdee Phatthanakul đã tổ chức họp khẩn với các chỉ huy cấp cao trong lực lượng để chuẩn bị sơ tán các công nhân Thái Lan mắc kẹt ở Israel…
Nỗ lực tìm giải pháp “hạ nhiệt”
Cùng với đó, điều quan tâm nhất của cộng đồng quốc tế và LHQ lúc này là tìm kiếm giải pháp cho xung đột Hamas-Israel. “Trong xung đột, dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự phải được bảo vệ...Những người bị bắt giữ phải được đối xử nhân đạo. Các con tin phải được thả ngay lập tức”- Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths nhấn mạnh. Trong một tuyên bố ngày 9/10, Tổng Thư ký Guterres nêu rõ tình trạng bạo lực hiện nay có nguyên nhân gốc rễ là cuộc xung đột lâu dài từ hàng chục năm trước và “chưa có hồi kết chính trị”. Ông nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt vòng luẩn quẩn này.
Những ngày qua, các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của các nước trên thế giới đang xúc tiến những động thái ngoại giao để tìm cách tháo gỡ căng thẳng.
Ngày 10/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm về xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel, tái khẳng định sự cần thiết phải có “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức” và “nối lại đàm phán”. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này cùng Mỹ, Pháp và Anh đang làm việc với các nước trong khu vực nhằm ngăn căng thẳng leo thang hơn nữa. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi giải quyết cuộc xung đột dựa trên các nguyên tắc của Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi chấm dứt chiến tranh và bạo lực. Quốc vương Abdullah II của Jordan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế leo thang căng thẳng, bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Ông đồng thời nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong việc kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt leo thang, tái khẳng định tầm quan trọng của việc tìm ra giải pháp công bằng cho cuộc xung đột Palestine-Israel nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.
Tại Hội nghị bộ trưởng lần thứ 27 Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vừa họp tại Oman, Hy Lạp đã đề xuất kế hoạch 5 điểm cho cuộc xung đột ở Trung Đông, bao gồm lên án bạo lực; ngay lập tức thả tất cả con tin và những người bị bắt giữ; tránh bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào các mục tiêu dân sự; đảm bảo hỗ trợ nhân đạo và tổ chức một hội nghị đặc biệt về tình hình ở Trung Đông, với sự tham gia của Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Liên đoàn Arab, cùng với Israel và Chính quyền Palestine. Ngày 11/10, các ngoại trưởng EU cũng họp khẩn để thảo luận về cuộc xung đột. Cùng ngày, ngoại trưởng các quốc gia thành viên Liên đoàn Arab (AL) dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp bất thường tại thủ đô Cairo của Ai Cập để thảo luận về xung đột tại Dải Gaza.
Nhìn lại lịch sử dai dẳng của xung đột Hamas-Israel, sẽ thấy “chấm dứt vòng luẩn quẩn” là việc không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là vẫn còn quá ít tính khả thi. Tuy nhiên, trước sinh mạng và sự an nguy của hàng triệu người dân tại khu vực này cũng như những hệ lụy khôn lường với nền kinh tế thế giới, làm dịu bớt những căng thẳng từ cuộc xung đột này vẫn là việc cần phải làm, thậm chí là làm ngay.