Cộng đồng sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng

Thời gian qua, việc triển khai, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các tổ chức, cộng đồng đã thực hiện nhiều giải pháp, cách làm cụ thể để quản lý, sử dụng tiền DVMTR hiệu quả, vừa bảo vệ rừng vừa có lợi cho người dân, cộng đồng.

Cộng đồng tổ dân phố 2, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) họp bàn về kế hoạch sử dụng tiền DVMTR vào mục đích chung của cộng đồng.

Cộng đồng tổ dân phố 2, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) họp bàn về kế hoạch sử dụng tiền DVMTR vào mục đích chung của cộng đồng.

Bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) được giao quản lý và bảo vệ hơn 900ha rừng. Giữ rừng tốt nên dân bản Mường Pồn 2 hàng năm nhận khoản tiền không nhỏ từ chính sách chi trả DVMTR. Để sử dụng hiệu quả tiền DVMTR, cộng đồng bản đã quy định, phân bổ rõ việc chi tiền phục vụ hoạt động chung và việc sử dụng tiền chính sách đều họp bàn thống nhất. Tiền DVMTR được bản Mường Pồn 2 sử dụng phục vụ hoạt động bảo vệ và phát triển rừng hoặc xây dựng các công trình phúc lợi.

Anh Quàng Văn Trưởng, bản Mường Pồn 2 cho biết: Để sử dụng tiền DVMTR một cách hợp lý, trước đó, chúng tôi họp cấp ủy bản, sau đó họp chi bộ và họp dân; thống nhất sử dụng số tiền sao cho hiệu quả nhất. Trong đó bản ưu tiên sử dụng cho các việc như: đóng góp hoạt động từ thiện xã hội; sửa chữa các công trình phúc lợi hay mua sắm đồ dùng cần thiết phục vụ hoạt động chung của bản… Ngay với công trình nhà văn hóa bản cũng được đầu tư, sắm sửa nhiều trang thiết bị, hạ tầng từ nguồn tiền DVMTR. Cũng nhờ hưởng lợi từ việc quản lý, bảo vệ rừng tốt, bà con trong bản không phải đóng góp mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động chung nên ai cũng rất phấn khởi!

Một giải pháp quan trọng để việc sử dụng tiền DVMTR hiệu quả là xây dựng quy chế quản lý sử dụng tiền DVMTR của từng tổ chức và cộng đồng. Xác định được tầm quan trọng của việc công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn tiền này, bản Hua Rốm, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) đã thành lập Ban Quản lý tiền DVMTR để đảm nhiệm việc chung của cộng đồng trong quá trình quản lý, sử dụng tiền DVMTR. Mọi hoạt động liên quan đến nguồn tiền từ chính sách chi trả DVMTR sẽ do Ban Quản lý làm đầu mối triển khai thực hiện.

Cộng đồng bản Mường Pồn 2 sử dụng tiền DVMTR mua sắm bàn ghế, trang thiết bị tại nhà văn hóa. Trong ảnh: Anh Quàng Văn Trưởng sắp xếp bàn ghế tại nhà văn hóa bản.

Cộng đồng bản Mường Pồn 2 sử dụng tiền DVMTR mua sắm bàn ghế, trang thiết bị tại nhà văn hóa. Trong ảnh: Anh Quàng Văn Trưởng sắp xếp bàn ghế tại nhà văn hóa bản.

Ông Vàng A Dơ, Ban Quản lý tiền DVMTR bản Hua Rốm cho biết: Thông thường, với khoản trích cho hoạt động chung của bản cũng hạn chế, nên bản Hua Rốm thường phải tích góp trong nhiều năm để chi cho những phần việc mà bản dự kiến sau đó mới triển khai thực hiện. Những khoản chi như vậy dù không lớn nhưng với bà con nơi đây, đó cũng là mối lo nhất định nếu họ phải bỏ tiền túi đóng góp. Bởi vậy, có tiền DVMTR giúp bà con giảm bớt một phần đóng góp các hoạt động chung của bản. Nguồn tiền DVMTR chúng tôi quy định chi cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng 30% tổng số tiền cộng đồng được chi trả; 10% các hoạt động chung của bản và 60% chi phát triển kinh tế của cộng đồng…

Thực tế cho thấy, ở các thôn bản đã có quy chế, quy định sử dụng hiệu quả tiền DVMTR song để đảm bảo tính chặt chẽ và tuyệt đối công khai, minh bạch trong sử dụng tiền DVMTR, hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh triển khai nhiều giải pháp giám sát việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR của các cộng đồng, chủ rừng. Thông qua đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng có thể nắm bắt kết quả thực hiện, tính hiệu quả của chính sách trong cộng đồng; đồng thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, sử dụng nguồn tiền DVMTR.

Ông Sùng A Súa, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Hàng năm, Quỹ có kế hoạch đi kiểm tra, giám sát tất cả các cộng đồng trên địa bàn tỉnh xem họ sử dụng tiền DVMTR có đúng mục đích không. Sau đó Quỹ sẽ hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Nếu họ chưa hiểu về ghi chép sổ hay sử dụng tiền chưa đúng mục đích, chúng tôi sẽ có ý kiến với địa phương để tháo gỡ và có hướng xây dựng các nội dung tập huấn phù hợp nhằm tăng cường hiệu quả trong cách sử dụng và quản lý tiền cho các chủ rừng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cũng tuyên truyền sâu rộng đến người dân để bà con nắm bắt, hiểu rõ chính sách; tập trung vào các nội dung liên quan đến thực hiện chính sách chi trả DVMTR như: Phổ biến rõ nguồn gốc tiền DVMTR và mục đích sử dụng; trách nhiệm của người dân trong việc cung ứng và trách nhiệm chi trả của bên sử dụng DVMTR. Đồng thời Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tổ chức hướng dẫn cách quản lý, sử dụng tiền DVMTR bằng nhiều hình thức để các chủ rừng áp dụng phù hợp thực tế.

Việc xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tiền DVMTR sao cho nhân dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát và thụ hưởng có ý nghĩa quan trọng để phát huy hiệu quả của chính sách. Bởi vậy, hiện nay 100% chủ rừng là cộng đồng và tổ chức đều có quy chế quản lý, sử dụng tiền DVMTR. Đó là cơ sở căn bản để nguồn kinh phí từ chính sách chi trả DVMTR được quản lý, sử dụng chặt chẽ, đúng mục đích, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/quan-ly-bao-ve-rung/209845/cong-dong-su-dung-hieu-qua-tien-dich-vu-moi-truong-rung