Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN: 10 năm trên hành trình đoàn kết, bền vững và lấy người dân làm trung tâm (kỳ 1)

Trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN toàn diện, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) có vai trò quan trọng trong thúc đẩy một khu vực phát triển hài hòa, lấy người dân làm trung tâm và hướng tới sự gắn kết giữa các quốc gia thành viên.

ASCC có mục tiêu xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, hướng tới người dân. (Nguồn: ASEAN)

ASCC có mục tiêu xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, hướng tới người dân. (Nguồn: ASEAN)

Từ ngày 21/11/2015, ASCC được thành lập trên cơ sở Tuyên bố Kuala Lumpur cùng với hai trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Trước đó, nhằm thực hiện mục tiêu của Cộng đồng, các nhà lãnh đạo ASEAN đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2009 - 2015 và đã được các nước thực hiện một cách tích cực và có trách nhiệm.

Thời gian qua, trong khuôn khổ ASCC, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đề ra các sáng kiến thiết thực, kế hoạch cụ thể và các tuyên bố, cam kết với nhiều hứa hẹn. Kế hoạch tổng thể ASCC 2025 (ASCC Blueprint 2025) được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27, ngày 22/11/2015 tại Malaysia, đã đề ra các thành tố chính bao gồm: (i) Cộng đồng gắn kết và đem lại lợi ích cho người dân (ii) Cộng đồng mang tính bao trùm (iii) Cộng đồng bền vững (iv) Cộng đồng kiên cường (v) Cộng đồng năng động và hài hòa - với mục tiêu thúc đẩy nhận thức và tự hào về bản sắc của cộng đồng ASEAN.

ASCC có mục tiêu xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, sống đùm bọc và chia sẻ, hướng tới người dân, chăm lo cho thể chất, phúc lợi, môi trường sống ngày càng tốt hơn của người dân, và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực. Trong bối cảnh hiện nay, khi ASEAN đứng trước nhiều thách thức như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa đa phương bị đe dọa trên phạm vi toàn cầu, ASCC đã có những đóng góp thiết thực trong việc duy trì sự gắn kết nội khối, tăng cường niềm tin và góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, lấy người dân là trung tâm và có bản sắc chung.

Cột mốc năm 2015 đánh dấu thời điểm chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN với Cộng đồng Văn hóa - Xã hội là một trong ba trụ cột chính, là bước chuyển mình, thể hiện cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, bền vững và lấy người dân làm trung tâm, cũng như đã mang lại những thành tựu quan trọng, cụ thể.

Trước năm 2015, hợp tác văn hóa - xã hội trong ASEAN chưa có một khuôn khổ chung, các cơ chế hợp tác trong lĩnh vực này còn phân tán và thiếu hiệu quả. Dù một số chương trình giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục hay đối thoại giữa các tổ chức xã hội với ASEAN đã được triển khai, nhưng phạm vi tác động còn hạn chế do chưa có cơ chế giám sát và thúc đẩy thực thi rõ ràng.

Việc thành lập ASCC đã góp phần giải quyết những hạn chế này thông qua một khuôn khổ thể chế, lộ trình thực hiện toàn diện hơn, với các cơ chế giám sát cụ thể như Biểu đánh giá ASCC (ASCC Scorecard), Hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát và đánh giá (ADME) cùng với Khung theo dõi và đánh giá kế hoạch tổng thể ASCC 2025 (ASCC M&E Framework).

Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 17 và Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 8 diễn ra tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, ngày 7/5. (Nguồn: Bộ VHTTDL)

Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 17 và Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 8 diễn ra tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, ngày 7/5. (Nguồn: Bộ VHTTDL)

Phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm

Với thành tố “Cộng đồng gắn kết và đem lại lợi ích cho người dân”, ASCC đã thúc đẩy sự tham gia thực chất của các bên liên quan vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Sự ra đời của ASCC đã mở ra một chương mới trong tiến trình phát triển Cộng đồng ASEAN theo hướng lấy người dân làm trung tâm và lấy người dân làm chủ.

Một trong những thành tựu nổi bật là việc nâng cao mức độ tham gia thực chất của các bên liên quan trong các tiến trình ra quyết định. Điều này được phản ánh qua sự thu hẹp về số lượng của các tổ chức xã hội được ASEAN công nhận trong khuôn khổ các tiến trình hợp tác khu vực, thể hiện rằng ASEAN hướng tới nâng cao chất lượng, tính đại diện và chuyên nghiệp trong hoạt động của các tổ chức này. Việc sàng lọc này không chỉ nhằm bảo đảm sự phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, mà còn khuyến khích các tổ chức tham gia đóng góp một cách sâu sắc, hiệu quả và có trách nhiệm hơn vào các sáng kiến của Cộng đồng.

Với thành tố “Cộng đồng mang tính bao trùm”, một minh chứng rõ nét cho tiến trình của ASEAN là sự cải thiện đáng kể về Chỉ số phát triển con người (HDI) - thước đo phản ánh mức sống, giáo dục và sức khỏe người dân. Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), HDI giữa các quốc gia thành viên tồn tại sự chênh lệch lớn, với Myanmar xếp ở nhóm thấp nhất. Tuy nhiên, đến năm 2024, HDI của Myanmar đã đạt mức 0,608 - lần đầu tiên nâng quốc gia này lên nhóm “phát triển trung bình”. Như vậy, toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN hiện đều nằm trong nhóm có mức phát triển từ trung bình trở lên, đánh dấu bước tiến rõ rệt về chất lượng sống trong khu vực.

Trong lĩnh vực giáo dục, khoảng cách giới cũng được thu hẹp đáng kể. Theo Niên giám thống kê ASEAN (ASEAN Statistical Yearbook), năm 2015, ở Campuchia, tỷ lệ nữ biết chữ chỉ đạt 75,0% so với 86,5% ở nam giới. Đến năm 2023, tỷ lệ này đã cải thiện lên 80,3% ở nữ và 89,5% ở nam, phản ánh những nỗ lực cụ thể của các quốc gia thành viên trong mở rộng tiếp cận giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái - nhóm dễ bị thiệt thòi trong xã hội. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đã được triển khai trong khuôn khổ ASCC nhằm tạo điều kiện tiếp cận giáo dục cho các nhóm yếu thế ở từng quốc gia thành viên. Tại Brunei, học sinh khuyết tật và có nhu cầu đặc biệt được đưa vào diện hỗ trợ đặc biệt của hệ thống giáo dục quốc gia. Ở Lào, các dân tộc thiểu số và phụ nữ được ưu tiên trong chính sách giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Song song với giáo dục, cơ hội tiếp cận việc làm cho những nhóm người yếu thế cũng được mở rộng. Những tổ công tác như Nhóm công tác về lồng ghép quyền của người khuyết tật trong Cộng đồng ASEAN đã được thành lập nhằm khuyến khích các quốc gia xây dựng môi trường làm việc thân thiện và hòa nhập. Đồng thời, nhiều nước thành viên đã lồng ghép chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật vào chiến lược quốc gia. Ví dụ, Việt Nam đã lồng ghép các mục tiêu của ASCC vào chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, trong đó có các dự án đào tạo nghề cho người khuyết tật. Tiêu biểu là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại Hà Nội, nơi cung cấp các khóa học kỹ năng như may mặc, công nghệ thông tin và thủ công mỹ nghệ cho người khuyết tật, giúp họ tìm việc làm trong các doanh nghiệp hoặc tự khởi nghiệp.

Với thành tố “Một cộng đồng bền vững thúc đẩy phát triển xã hội và bảo vệ môi trường”, đã có 362 hoạt động được triển khai, trong đó 63,3% đã hoàn thành hoặc đang thực hiện, tập trung vào xây dựng chính sách, đào tạo, và nâng cao năng lực. Số sáng kiến khu vực về bảo tồn đa dạng sinh học tăng từ 7 lên 20 trong giai đoạn 2016–2019.

Trong bối cảnh dân số ASEAN và tốc độ phát triển thành phố trên đà tăng, ASEAN đã thúc đẩy các mô hình phát triển thành phố bền vững thông qua mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN và chương trình Giải thưởng thành phố bền vững ASEAN.

Về biến đổi khí hậu, ASEAN đã triển khai nhiều dự án khu vực hỗ trợ thực hiện Cam kết đóng góp quốc gia (NDCs) của các nước thành viên, với sự hợp tác từ các tổ chức quốc tế như Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu và Quỹ môi trường toàn cầu.

Ngoài ra, vấn đề tiêu dùng và sản xuất bền vững có liên quan chặt chẽ với ưu tiên mới nổi là thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, nên đã có sự quan tâm và hỗ trợ ngày càng tăng trong việc thực hiện các dự án và hoạt động liên quan đến mục tiêu này. Một ví dụ tiêu biểu là mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, cụ thể ở các tỉnh như Ninh Bình, thành phố Cần Thơ và Đà Nẵng. Các khu công nghiệp này đã giúp tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm thông qua việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu chất thải, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Với thành tố “Cộng đồng kiên cường”, trong lĩnh vực ứng phó với các vấn đề về thiên tai, ASEAN đã thiết lập các cơ chế phòng ngừa và ứng phó ở cả cấp khu vực và tiểu khu vực, tiêu biểu là Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER), một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý, và Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA Centre). Điều này đặc biệt cần thiết khi khu vực các nước ASEAN thường xuyên hứng chịu các thảm họa như động đất, sóng thần, lũ lụt và hạn hán.

Trong lĩnh vực y tế, ASEAN đã triển khai Khung chiến lược ứng phó với tình trạng y tế khẩn cấp công cộng năm 2022, kết hợp tổ chức hơn 200 hoạt động đào tạo trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã thực hiện Đánh giá độc lập chung (JEE) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để kiểm tra và củng cố các năng lực y tế cốt lõi.

Về mặt xã hội, ASCC đã thúc đẩy các chính sách bảo vệ xã hội thích ứng, tiêu biểu như Hướng dẫn cấp khu vực về vai trò của nhân viên công tác xã hội trong giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, ban hành vào năm 2024 nhằm hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương – như phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em và người di cư – trước các cú sốc khí hậu và thiên tai. Các chương trình này kết hợp giữa bảo vệ xã hội, quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần củng cố khả năng tự phục hồi của cộng đồng.

Trong lĩnh vực phòng, chống ma túy, ASCC đã hỗ trợ triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về bảo vệ cộng đồng khỏi ma túy bất hợp pháp giai đoạn 2016-2025 hướng đến một ASEAN không ma túy thông qua tăng cường hợp tác khu vực, nâng cao nhận thức cộng đồng và triển khai các chương trình điều trị, phòng ngừa tại các cơ sở.

Tính đến giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tổng thể 2025, đã có khoảng có 65% hoạt động thuộc thành tố “Cộng đồng kiên cường” đã hoàn thành hoặc đang triển khai. Tất cả những nỗ lực này phản ánh cam kết mạnh mẽ của ASEAN trong việc xây dựng một cộng đồng kiên cường, chủ động trước mọi biến động và bảo vệ vững chắc cho người dân khu vực.

Sự ra đời của ASCC đã mở ra một chương mới trong tiến trình phát triển Cộng đồng ASEAN theo hướng lấy người dân làm trung tâm và lấy người dân làm chủ. (Nguồn: Asia Society)

Sự ra đời của ASCC đã mở ra một chương mới trong tiến trình phát triển Cộng đồng ASEAN theo hướng lấy người dân làm trung tâm và lấy người dân làm chủ. (Nguồn: Asia Society)

Xây dựng bản sắc chung

Với thành tố “Cộng đồng năng động và hài hòa”, năm 2020, ASEAN đã thông qua Bản tường thuật về bản sắc ASEAN (NAI). Văn kiện này đóng vai trò như một ngọn hải đăng chỉ đường, nêu rõ tầm quan trọng của các giá trị chung và ý thức cộng đồng giữa các quốc gia thành viên.

ASEAN cũng đã thành lập các cơ quan khu vực như Ủy ban văn hóa và thông tin ASEAN (ASEAN-COCI). Cơ quan này đã hợp tác với các đối tác đối thoại như các cơ chế hợp tác ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản và ASEAN - Trung Quốc về văn hóa và nghệ thuật, tổ chức và bảo trợ các dự án như Lưu trữ kỹ thuật số di sản văn hóa ASEAN (ACHDA) và ASEAN Quiz, tạo ra cơ hội cho sự hiểu biết lẫn nhau và ý thức chung về di sản trong khu vực. Ngoài ra, Ban thư ký ASEAN cũng đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá hình ảnh ASEAN như Đại hội nhân dân ASEAN, Liên hoan nghệ thuật ASEAN,..

Trong khuôn khổ ASCC, 52 tổ chức xã hội đã tham gia hợp tác. Những tổ chức này tiếp cận cộng đồng một cách gần gũi, đa lĩnh vực. Ví dụ có thể kể đến Hiệp hội công nghiệp âm nhạc ASEAN (AMIA), Diễn đàn Hiệu trưởng trường học Đông Nam Á (SEASPF), Liên đoàn cựu chiến binh các quốc gia ASEAN (VECONAC), Hiệp hội mỹ phẩm ASEAN (ACA), Câu lạc bộ dầu thực vật ASEAN (AVOC),... tạo cơ hội để các quốc gia nội khối hợp tác với nhau sâu rộng hơn, đa dạng lĩnh vực hơn.

Bên cạnh đó, Diễn đàn trẻ em ASEAN (ASEAN Child Forum) hay Diễn đàn thanh niên ASEAN (ASEAN Youth Forum) đã tạo cơ hội cho trẻ em và thanh niên ASEAN thảo luận, giao lưu và chia sẻ. Các sáng kiến như Cuộc thi logo cho NAI hay Hội nghị chuyên đề và Diễn đàn thanh niên về bản sắc ASEAN cũng đã tạo nền tảng cho sự tham gia của lớp thanh niên. Từ đó, ASEAN có thể tăng cường hiểu biết lẫn nhau, nuôi dưỡng một thế hệ trẻ có nhận thức khu vực và cảm giác gắn bó đối với cộng đồng.

Theo Chỉ số phát triển thanh niên ASEAN năm 2022, trong lĩnh vực văn hóa và bản sắc ASEAN, trung bình cộng điểm của các quốc gia nội khối đạt mức cao nhất, với tất cả các quốc gia thành viên đạt trên 0.500 điểm. Điều này cho thấy nhận thức và sự đồng thuận về bản sắc ASEAN trong giới trẻ đang ở mức tích cực.

Như vậy có thể thấy, ASCC đã đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình trở thành một Cộng đồng ASEAN chung bản sắc, đoàn kết và phát triển lấy người dân làm trung tâm. Mặc dù con đường đạt được những mục tiêu đề ra vẫn còn nhiều chông gai, nhưng những bước tiến ASCC đã làm được cho đến nay đang mở ra một tương lai đầy triển vọng cho ASEAN, đặt từng viên gạch làm nền mỏng cho một tiến trình hợp tác văn hóa - xã hội thực chất, sâu sắc hơn.

Thái An-Minh Anh-Ngọc Trâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cong-dong-van-hoa-xa-hoi-asean-10-nam-tren-hanh-trinh-doan-ket-ben-vung-va-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-ky-1-314379.html