Công dụng chữa bệnh của cây hoa gạo
Cây hoa gạo, hay gọi là mộc miên, cổ bối, ban chi hoa, anh hùng thụ..., thuộc họ Gạo (Bombaceae), cây vừa có công dụng chữa bệnh vừa làm cảnh, vừa lấy gỗ.
Cây gạo còn có tên là mộc miên "Salmalia malabarica (DC.) Schott et Endl., gossampinus malabarica (DC.) Merr. ", họ Gạo (Bombacaceae). Cây bông gạo có chiều cao tới 14-15m hoặc hơn nữa, mọc tự nhiên ở trong rừng hoặc được trồng ở ven đường để lấy bóng mát tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta.
Lá cây gạo là dạng kép chân vịt có 5-8 lá chét hình mác hay hình trứng, chiều dài 9-15cm, rộng 4-5cm. Hoa gạo có màu đỏ, mọc trên những cành nhỏ trước khi có lá non. Vào các tháng 3-5 hàng năm, hoa gạo nở rộ đỏ rực như màu lửa báo hiệu mùa hè đã tới.
Vỏ thân có chứa nhiều chất nhầy; hoa chứa 85,66% nước, 1,38% chất đạm, 11,95% chất đường, 1,09% chất khoáng; hạt chứa 25% tinh dầu. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, nước sắc hoa gạo có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ mạnh hơn so với Chloromycetine và Berberine.
Theo dược học cổ truyền, vỏ cây gạo vị cay, tính bình, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết tiêu thũng, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm loét dạ dày, đi lỏng, kiết lỵ, đau khớp cổ chân và khớp gối, viêm loét ngoài da, chấn thương do trật đả...
Hoa gạo vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, giải độc chỉ huyết, thường dùng để trị tiết tả (đi lỏng), lỵ tật (kiết lỵ), băng huyết, sang độc (viêm loét, nhọt độc), xuất huyết do chấn thương...
Rễ gạo vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, thu liễm chỉ huyết (giải nhiệt và thấp trong cơ thể, cầm máu và thu sáp, băng se vết thương), thường được dùng để chữa viêm loét dạ dày, xích lỵ (kiết lỵ phân có máu), loa lịch (lao hạch), sản hậu nhũ thũng (sưng vú sau khi sinh con), tổn thương do trật đả.
Công dụng chữa bệnh của cây gạo
Rễ chứa cephalin phosphatid, chất nhầy, protein, chất béo… và các chất gôm nhầy. Khi dùng có thể phơi hoặc sấy khô, tán bột mịn cho mùi thơm, ngậy như mùi hạt vừng.
Theo Y học cổ truyền, hoa gạo dùng trị các bệnh đau loét dạ dày, tá tràng hoặc kiết lỵ, tiêu chảy; hoặc các bệnh thiếu máu nhược sắc, da xanh xao; các trường hợp rong kinh, đa kinh, hoặc mất máu sau phẫu thuật… Đem hoa gạo rửa sạch, để ráo nước, sấy khô, tán bột mịn, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 3 – 5g. Cũng có thể lấy nguyên cả hoa khô sắc uống, ngày 20 – 30g, chia 2 lần uống trong ngày.
Một số chứng bệnh thường dùng cây hoa gạo:
+ Trị lỵ, viêm ruột: hoa gạo, kim ngân hoa, rễ phượng vĩ thảo, còn gọi là rễ seo gà (Pteris multifida Poir.), mỗi vị 15g, sắc uống, ngày một thang.
+ Trị đau dạ dày: hoa gạo 30g, rễ lưỡng phù trâm hay còn gọi là hoàng lực (Zanthoxylum nitidum DC.) 6g, sắc uống, mỗi ngày một thang, uống 3 – 4 tuần lễ.
+ Trị bỏng: lấy hoa tươi, rửa sạch, để ráo nước, giã nát, ép lấy nước bôi vào vết bỏng, hoặc lấy nước ép hoa gạo, trộn đều với dầu gấc, đồng lượng, bôi vào vết bỏng.
Tầm gửi cây bông gạo
Tầm gửi là loài cây bán ký sinh, nó có thể ký sinh vào nhiều cây khác nhau như cây mít, bưởi, dâu, na, chanh..., theo y học cổ truyền, tầm gửi cây gạo có tác dụng giải nhiệt, điều hòa huyết áp và tốt cho người bị bệnh gan, thận...
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-dung-chua-benh-cua-cay-hoa-gao-306316.html