Công hàm chung Pháp, Anh, Đức và cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông
Pháp, Anh và Đức gửi công hàm chung thể hiện quan điểm với 7 công hàm Phái đoàn Trung Quốc đề nghị lưu hành tại Liên hợp quốc.
Trân trọng giới thiệu bài viết của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao dành cho Tuần Việt Nam:
Công hàm chung này thể hiện quan điểm với 7 công hàm phía Trung Quốc đề nghị lưu hành tại LHQ liên quan đến hồ sơ mở rộng thềm lục địa của Malaysia trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ.
Đây là lần đầu tiên cả 3 nước cùng gửi một công hàm (Joint Note verbale) có chung nội dung liên quan đến Biển Đông và Công ước luật biển năm 1982 tới Tổng thư ký LHQ.
Sự nhất quán của 3 nước lớn châu Âu
Công hàm chung thể hiện sự nhất quán của 3 nước có nền kinh tế và ảnh hưởng chính trị pháp lý lớn nhất châu Âu bác bỏ cách giải thích đơn phương của Trung Quốc về một loạt vấn đề liên quan, gây mất ổn định, hòa bình và trật tự pháp luật ở Biển Đông.
Pháp, Anh và Đức thực hiện quyền hợp pháp của các nước thành viên Công ước đòi hỏi mọi sự giải thích và áp dụng Công ước phải phù hợp với mục tiêu và nội dung Công ước, phù hợp với quan điểm chung của các nước đã thông qua Công ước sau 9 năm đàm phán và Công ước không cho phép có ngoại lệ riêng.
Các công hàm này thể hiện ủng hộ tiếng nói chung của các công hàm, công thư của các nước Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Australia và Mỹ về những nhận thức chung các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông. Pháp, Anh và Đức đã nhấn mạnh tính chất toàn cầu và nhất quán của UNCLOS trong việc thiết lập một khung pháp lý cho các hoạt động biển trên toàn thế giới và sự toàn vẹn thống nhất của Công ước phải được duy trì trên phạm vi toàn cầu.
Quyền tự do biển cả
Cùng ủng hộ quyền tự do biển cả, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông như Mỹ, các nước ra Công hàm lần này còn cụ thể hơn về quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải.
Điều này có ý nghĩa bác bỏ "vùng hàng hải Hải Nam - Tây Sa" trong "Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa". Văn bản này từng được ban hành năm 1974 và Trung Quốc đã sửa đổi mở rộng nhằm nội hóa vùng biển giữa Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa từ 1/8/2020, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở quyền tự do đi lại của tàu thuyền quốc tế.
Pháp và Anh cũng như Australia là các nước có các quần đảo xa bờ từng được Tài liệu của Hội Luật quốc tế Trung Quốc năm 2018 liệt kê trong 19 trường hợp áp dụng đường cơ sở quần đảo cho các quần đảo xa bờ để biện minh cho hành động vẽ đường cơ sở quần đảo ở Hoàng Sa và mưu toan áp dụng cho các khái niệm Nam Hải chư đảo, Trung Sa, Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) trong tương lai.
Công hàm chung đã khẳng định có sự lẫn lộn giữa việc áp dụng phần 4 của UNCLOS cho các quần đảo và thực thể biển thuộc một quốc gia ven bờ thuộc phạm vi điều chỉnh của phần 2 của Công ước. Phần 4 chỉ có thể áp dụng cho quốc gia quần đảo.
Không có cơ sở pháp lý nào để không tôn trọng các quy định liên quan của phần 2 hay cố tình áp dụng phần 4 cho các quần đảo và thực thể biển của quốc gia ven biển. UNCLOS không có điều khoản nào biện minh cho hành động như vậy.
Một công hàm, hai ý nghĩa
Phản ứng của 3 nước có hai ý nghĩa. Các nước này không công nhận lập luận của Trung Quốc là đã có một tập quán quốc tế về việc áp dụng các đường cơ sở thẳng quần đảo cho các quần đảo của quốc gia ven bờ. Họ cũng không thừa nhận việc vẽ đường cơ sở quần đảo cho Nam Hải chư đảo (Tứ Sa) hay Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa (theo các tên Trung Quốc gọi các đảo ở Biển Đông) sẽ coi các vùng nước nằm bên trong con đường cơ sở tự vạch đó là vùng nước quần đảo.
Trung Quốc có thể lập ra các hành lang hàng hải đi qua “vùng nước quần đảo” tự xưng và quyền tự do qua lại của các nước sẽ bị hạn chế hoặc cấm đoán. Phản ứng của các nước này đã đi xa hơn tuyên bố của Mỹ khi họ không chỉ phản đối việc áp dụng đường cơ sở quần đảo mà cả việc áp dụng các quy định về chế độ pháp lý vùng nước quần đảo của phần 4 cho các thực thể ở Biển Đông.
Pháp, Anh và Đức cũng khẳng định các quy định về chế độ pháp lý của các đảo theo điều 121 của UNCLOS là áp dụng cho các địa thể đất nổi hình thành tự nhiên. Vì vậy, các hoạt động cải tạo đất hoặc bất kỳ hình thức chuyển đổi nhân tạo nào đều không thể thay đổi được các đặc tính của một thực thể theo UNCLOS. Đây cũng là kết luận của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 và nội dung các công hàm của Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam, Australia và Mỹ gần đây.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi 3 nước bác bỏ các yêu sách quyền lịch sử và nhắc lại Phán quyết đã khẳng định rõ ràng trên những điểm này. Cả 3 nước cũng không quên nhắc lại rằng Công hàm chung phản ánh quan điểm pháp lý truyền thống nhất quán của mình và quan điểm này chỉ bổ xung thêm chứ không làm ảnh hưởng gì đến các tuyên bố trong quá khứ, cả trong quan hệ song phương và quan hệ với các nước thành viên Công ước luật biển khác.
Châu Âu là người chơi, không phải sân chơi
Pháp, Anh và Đức không nhận xét về bất kỳ công hàm liên quan nào của các nước trong khu vực về yêu sách chủ quyền đối với các thực thể biển nổi và thềm lục địa mở rộng.
Lập trường này thể hiện sự trung lập với các yêu sách này. Các nước tác giả công hàm chung coi trọng việc giải quyết hòa bình các tranh chấp biển ở Biển Đông phù hợp với các nguyên tắc và quy phạm của UNCLOS và các phương thức cũng như thủ tục giải quyết tranh chấp mà Công ước đã trù định, bao gồm cả hòa giải và trọng tài bắt buộc.
Công hàm chung được đưa ra trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung và thế khó xử của châu Âu với hai đối tác. Châu Âu ngày càng tỏ ra cứng rắn như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã nói: “Châu Âu là một người chơi, chứ không phải là một sân chơi”.
Công hàm đưa ra chỉ 2 ngày sau hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) -Trung Quốc diễn ra theo hình thức trực tuyến vào 14/9 với sự đồng chủ trì của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Dù rất quan tâm đến quan hệ thương mại với Trung Quốc nhưng châu Âu, bao gồm cả trong EU và ngoài EU không thể làm ngơ để luật pháp quốc tế bị lạm dụng. Sự ủng hộ của châu Âu làm tăng cường thêm tính chính danh của các lực lượng đấu tranh cho sự toàn vẹn của Công ước luật biển, coi Công ước là cơ sở pháp lý duy nhất để giải quyết các tranh chấp biển ở Biển Đông.