Công khai danh sách bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá, phân tích sâu sắc, đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các giải pháp khắc phục theo từng nội dung báo cáo.

Ngày 11/5, tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết: Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Nhận thức, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương được nâng lên.

Các bộ, ngành trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 602 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; tiếp tục triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả, số kinh phí đã tiết kiệm được là 53.896 tỷ đồng. Nhiều bộ, ngành có số tiết kiệm kinh phí cao như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính…

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; sắp xếp, tổ chức lại, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, mức độ và tỷ lệ hài lòng của người dân đạt cao. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến…

 Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, lãng phí. Về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ được trình bày theo hướng liệt kê các kết quả đạt được mà chưa có đánh giá, phân tích và mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức.

Những tồn tại, hạn chế, bất cập trong báo cáo chưa tương xứng với nội dung về kết quả đạt được; thiếu số liệu chi tiết để đánh giá đầy đủ, chính xác về phạm vi, tính chất, mức độ và nguyên nhân những tồn tại, hạn chế. Đây cũng là tồn tại, hạn chế của các bộ, ngành, địa phương và chưa khắc phục được những tồn tại, hạn chế đã được Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chỉ ra tại các kỳ báo cáo...

Về lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành, đến Kỳ họp thứ 5 Chính phủ vẫn trình Quốc hội phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

 Các đại biểu dự phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, song kết quả còn hạn chế, nhất là trong phân bổ vốn, dẫn đến lãng phí do nguồn lực không được sử dụng.

Bên cạnh đó, lãng phí trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được chỉ ra tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách năm 2021 chưa được khắc phục, việc triển khai rất chậm, nhiều hạn chế, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. Tiến độ giải ngân vốn một số dự án quan trọng quốc gia còn chậm… Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ kết quả thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá, phân tích sâu sắc, đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các giải pháp khắc phục theo từng nội dung báo cáo. Công khai danh sách bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai và xác định thời điểm hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 10.

Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc phân bổ, giao vốn đầu tư; tổ chức thi công, bàn giao đưa vào sử dụng, thanh toán, quyết toán đúng tiến độ các công trình theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, các dự án quan trọng quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội…

N.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cong-khai-danh-sach-bo-nganh-dia-phuong-cham-ban-hanh-chuong-trinh-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-post247271.html