Công khai, minh bạch trong phân bổ vốn đầu tư công

Chiều 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất các nhóm chính sách và nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, phải khắc phục cho được tình trạng phân bổ dàn trải trong thời gian vừa qua; bảo đảm phân bổ hợp lý giữa những ngành, lĩnh vực quan trọng; tiếp tục rà soát, cập nhật các quy định tại Luật Đầu tư công năm 2024 để bảo đảm đồng bộ, nhất là những vấn đề liên quan đến thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C; tiêu chí phân bổ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ODA. Đồng thời, rà soát các tiêu chí để bảo đảm ưu tiên sử dụng vốn đầu tư công, tiêu chí phải được so sánh định mức, mức độ cấp thiết, tính hiệu quả của dự án, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn cho lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Trong phiên họp chiều 7/2, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông qua về mặt nguyên tắc dự thảo Pháp lệnh quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là Pháp lệnh có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị, lịch sử, văn hóa, quốc phòng an ninh và đối ngoại; tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, hoạt động đối ngoại, tạo điều kiện cho nhân dân trong và ngoài nước tham quan khu di tích.

Đỗ Bắc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cong-khai-minh-bach-trong-phan-bo-von-dau-tu-cong-301581.htm