Công nghệ 3G sẽ chính thức ngừng hoạt động vào tháng 9/2028?
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến tháng 9/2028 sẽ tắt sóng 3G tại Việt Nam để dành tài nguyên cho các công nghệ mới.
Tháng 9/2028, sóng 3G sẽ ngừng hoạt động
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, lộ trình dừng công nghệ 2G và 3G tại Việt Nam đã được công bố.
Theo đó, từ tháng 9/2024, Việt Nam sẽ ngừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại chỉ hỗ trợ 2G và đến tháng 9/2026 sẽ tắt sóng 2G hoàn toàn. Dự kiến, công nghệ 3G sẽ được dừng vào tháng 9/2028.
Quyết định này được đưa ra dựa trên thực tế rằng công nghệ 2G và 3G đã lỗi thời, tiêu hao năng lượng lớn và hiệu suất sử dụng tần số không cao. Việc dừng các công nghệ này sẽ tạo điều kiện để tập trung phát triển hạ tầng mạng 4G và 5G, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Đến nay, phần lớn việc tắt sóng 2G, 3G đang diễn ra tại châu Âu và Bắc Mỹ, song các nước đang phát triển cũng nhanh chóng bắt kịp khi thói quen người dùng thay đổi, dẫn đến nhu cầu kết nối nhanh hơn như 4G, 5G.
Chia sẻ về lộ trình tắt sóng 3G, trên VietnamNet, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, trong quá trình xây dựng chính sách, tất cả các nhà mạng cùng trao đổi với Bộ TT&TT và đều thấy rằng xu hướng của thế giới là sẽ dừng các công nghệ cũ 2G, 3G. Tuy nhiên, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, sao cho ảnh hưởng tác động đến người sử dụng ít nhất có thể, các công nghệ nên có lộ trình chuyển đổi mềm, được chuyển qua các giai đoạn.
Cụ thể, công nghệ 2G sẽ được ngừng theo 2 giai đoạn. Còn với công nghệ 3G, người dùng vẫn có thể sử dụng, nhưng thời hạn sử dụng cuối cùng của công nghệ này cũng chỉ là đến tháng 9/2028.
Năm 2022, Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam thực hiện tắt mạng 3G diện rộng trên toàn quốc với quy mô 35.000 trạm. So với thế giới, Viettel là một trong số ít nhà mạng triển khai tắt mạng 3G. Chất lượng mạng và trải nghiệm dịch vụ khách hàng sau khi tắt 3G vẫn duy trì ổn định và hiệu quả tăng trưởng.
Ngoài Viettel đã ngừng 3G, các nhà mạng khác như VinaPhone, MobiFone đi theo hướng là chỗ nào lưu lượng 3G không còn, thuê bao đầu cuối 3G không còn trên mạng thì họ sẽ dừng phát sóng ở khu vực đó; Nhưng vẫn duy trì công nghệ 3G của mình để đảm bảo người sử dụng đang có thiết bị đầu cuối 3G, hay đang dùng thiết bị 4G không có VoLTE vẫn có thể sử dụng mạng.
"Việc cùng xây dựng một chính sách dừng các công nghệ cũ 2G, 3G đồng hành với nhau và có một khoảng thời gian duy trì tương đối dài, từ nay đến năm 2028, sẽ tạo điều kiện để người dùng có bước chuyển đổi sang công nghệ 4G một cách từ từ.
Điều này cũng tạo điều kiện để các nhà mạng có thời gian bố trí nguồn lực, đầu tư và tối ưu mạng lưới, chuyển đổi các thuê bao của mình sang công nghệ 4G, 5G. Chính sách này đã nhận được sự đồng thuận từ phía các nhà mạng. Tôi hy vọng lộ trình chuyển đổi sẽ được thực hiện thành công", ông Nguyễn Phong Nhã nói.
Các chuyên gia cho rằng, việc tắt sóng 2G và 3G giúp nhà mạng đơn giản hóa mạng lưới, tối ưu hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ mới, tối ưu chi phí vận hành khai thác, bổ sung tài nguyên tần số cho mạng 4G để nâng cao chất lượng dịch vụ trong bối cảnh lưu lượng và thuê bao data 4G ngày càng lớn.
Mạng 3G là gì?
Mạng 3G (viết tắt của third-generation technology) là công nghệ truyền thông thế hệ thứ ba. Tính năng của nó là cho phép thực hiện thao tác truyền đi các dữ liệu thoại như nghe, gọi, nhắn tin... và cả các dữ liệu ngoài thoại bao gồm tin nhắn nhanh, gửi email, hình ảnh, tải tệp...
Tốc độ của mạng 3G
Tại Việt Nam, tốc độ tiêu chuẩn của một số mạng di động phổ biến ở mức 21 Mbps và nâng cao lên 42 Mbps. Với tốc độ này, người dùng có thể lướt web, nghe nhạc, xem phim “mượt” hơn.
Mạng 3G có ưu và nhược điểm gì?
Ưu điểm của mạng 3G
+ Thuận tiện, dễ dàng kết nối ở mọi lúc, mọi nơi.
+ Hỗ trợ cho người dùng nhiều dịch vụ đa phương tiện như lướt web, truy cập ứng dụng, nghe nhạc, xem video, tải dữ liệu,...
+ Truyền tải ở tốc độ cao hơn so với mạng 2G, từ đó việc tải dữ liệu diễn ra nhanh chóng hơn.
+ Hỗ trợ đa dạng trên các thiết bị, từ các loại smartphone rẻ cho đến những dòng chất lượng cao.
Nhược điểm của mạng 3G
+ Chi phí sử dụng cao.
+ Chất lượng sóng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như thiết bị, vị trí thuê bao và trạm phát sóng 3G.
+ Tốc độ truy cập mạng sẽ đôi lúc không ổn định vì phải chia sẻ băng thông với những người dùng khác.
+ Tuy tốc độ 3G cao nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dùng trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, dẫn đến sự ra đời của các thế hệ mạng di động tiếp theo như 4G và 5G.
Mạng 3G mang lại các ứng dụng gì?
Mạng 3G ứng dụng trong nhiều mảng khác nhau như:
- Chuẩn 3G được sử dụng phổ biến nhất trong các mạng di động và các nền tảng công nghệ truy cập vô tuyến của nó.
- Các thiết bị sử dụng 3G phổ biến nhất là điện thoại di động để kết nối thoại và văn bản cơ bản, cũng như các loại điện thoại thông minh cung cấp nhiều tính năng hơn cho người dùng như truyền và truy cập dữ liệu.
- Đối với việc sử dụng của người tiêu dùng và cả doanh nghiệp, bộ định tuyến băng thông rộng di động hỗ trợ tiêu chuẩn 3G có thể cho phép kết nối Internet cho các thiết bị điểm cuối được gắn vào bộ định tuyến - thông qua dây hoặc Wi-Fi.
- Các modem 3G Universal Serial Bus (USB) dùng cho máy tính xách tay cho phép kết nối di động với các thiết bị không có quyền truy cập Wi-Fi hoặc kết nối mạng có dây.
- Cho phép kết nối chính thông qua kết nối có dây cố định và trong trường hợp bị lỗi, thiết bị đó sẽ không thể sử dụng kết nối di động.